(DNSGCT) - Nằm cách thành phố Huế khoảng tám cây số, làng Thanh Thủy Chánh gắn với hình ảnh cây cầu ngói Thanh Toàn đã được nhiều du khách biết tới qua tour đồng quê trong các kỳ festival náo nhiệt.

< Đình Thanh Thủy Chánh cổ kính bên sông.

Thế nhưng đến đây vào một ngày không lễ hội, làng vẫn cuốn hút chúng tôi bởi vẻ đẹp bình dị mà đặc trưng của thôn quê gần gũi đất kinh kỳ.

Theo con đường làng mới trải bê tông uốn lượn qua những khóm tre lâu năm, chúng tôi băng qua màu xanh mơn mởn của những cánh đồng gạo thơm, nếp thơm, đặc sản của vùng. Bao quanh làng Thanh Thủy Chánh còn có những làng trồng hoa, làng nghề đan nón lá, làng mộc…

< Chợ Thanh Toàn, nơi đông vui nhộn nhịp nhất làng.

Là một trong những vùng quê xuất hiện tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa, trải qua bao thăng trầm, các ngôi làng ở đây còn lưu giữ được nhiều kiến trúc cổ tuy không to lớn nhưng khá cổ kính, tôn nghiêm. Bên cạnh quần thể đình, chùa, miếu mạo, hệ thống nhà thờ các dòng họ cũng được xây dựng trang trí rất tỉ mỉ, màu sắc…

< Cầu ngói Thanh Toàn, một kiến trúc đẹp giữa đồng quê.

Sở dĩ làng Thanh Thủy Chánh được biết đến nhiều nhất là vì nơi đây có một công trình mang giá trị văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cao được xếp hạng di tích quốc gia – đó là cầu ngói Thanh Toàn.
Lúc mới xây dựng, cây cầu bắc qua sông Như Ý này có chiều dài gần 20 mét và rộng gần 6 mét, được xây dựng bằng gạch, gỗ, ngói. Cầu có bảy gian, hai bên thành cầu là lan can và bục gỗ làm nơi nghỉ chân tránh mưa nắng.

< Sông Như Ý hiền hòa chảy qua làng.

Ngói lợp cầu là ngói âm dương tráng men xanh, các phù điêu đắp nổi bằng sành sứ, các bờ nóc, bờ đao, bờ quyết được trang trí hình long phụng trông sống động và uy nghi.

Tiếc là trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay cầu đã bị ngắn và hẹp hơn so với lúc nguyên bản.
Đặc biệt trên cầu có một án thờ nhỏ là nơi thờ bài vị bà Trần Thị Đạo, người có công xây dựng cầu ngói. Hằng năm vào ngày giỗ của bà, dân làng thường tổ chức lễ rước bài vị, sau đó cùng tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi như đua thuyền, tổ tôm, hội hè…

< Lối trang trí cầu kỳ, màu sắc của một nhà thờ họ trong làng.

Cạnh cầu là ngôi chợ quê lợp ngói nâu rêu phong cũng mang tên Thanh Toàn luôn rộn ràng người mua kẻ bán. Cách chợ không xa còn có một bảo tàng nhỏ mới xây dựng để làm nơi trưng bày các nông, ngư cụ của người dân cũng như những hiện vật kể lại quá trình hình thành ngôi làng.

Cùng với cầu Thanh Toàn, đình Thanh Thủy Chánh nằm bên dòng Như Ý rất có ý nghĩa trong tâm thức của người dân làng này.

Là một quần thể bao gồm các công trình: hồ bán nguyệt, trụ biểu, la thành, bình phong, sân đình và đình, mặc dù có quy mô không lớn nhưng đình Thanh Thủy Chánh có giá trị về mặt kiến trúc mang phong cách nhà rường truyền thống của xứ Huế. Hệ thống cột, kèo, cùng với các họa tiết chạm khắc trên gỗ… đã phần nào phản ánh đời sống, tình cảm và ước vọng của người xưa.


< Bảo tàng nông cụ mới được xây dựng.

Hiện nay, người dân Thanh Thủy Chánh đang học cách làm du lịch, trước mắt là để hoàn thiện tuyến du lịch cầu ngói Thanh Toàn, đình làng Vân Thê, phủ thờ Tôn Thất Thuyết ở gần đó. Vào mỗi mùa festival, nhiều du khách trong ngoài nước đến làng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp xưa và hòa mình vào các lễ hội cổ truyền đầy màu sắc.

Theo Cầm Tú, Đăng Định (Doanh Nhân Sàigòn Cuối Tuần)
Du lịch, GO!