(TTO) - Trong chuyến tham gia ngày hội “Tháng 3 biên giới” của báo Tuổi Trẻ năm 2014 tại tỉnh Điện Biên những ngày vừa qua, tôi có may mắn được theo đoàn công tác của báo đến thăm điểm Trường Sam Lang 2 thuộc Trường tiểu học Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

< Cây cầu tạm qua suối Nậm Pồ vào mùa khô của người dân bản Sam Lang, xã Nà Hỳ.

Bản Sam Lang là một trong những bản khó khăn nhất của xã Nà Hỳ. Bản được chia thành 3 nhóm: Sam Lang 1; Sam Lang 2 và Sam Lang 3. Trong đó, 2 nhóm Sam Lang 1, Sam Lang 2 bị suối Nậm Pồ chia cắt tách biệt với Sam Lang 3 và trung tâm xã. Bên cạnh những khó khăn như: Điều kiện kinh tế, trình độ dân trí hạn chế, chưa có điện lưới... thì hạ tầng giao thông thấp kém là một trong những trở ngại lớn nhất đối với sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân.

Đi rồi mới thấu!

Con đường từ Trung tâm xã Nà Hỳ đi vào bản Sam Lang phải vượt qua mấy quả đồi cao, rất nhiều khe, suối sâu. Người trong đi ra, ngoài đi vào phải là những tay lái cứng mới đi được. Đấy là vào mùa khô, còn mùa mưa thì chịu. Riêng tôi, dù đã trải qua một buổi chiều vất vả trên đoạn đường mấy mươi cây số từ ngã ba đường 4B để vào trung tâm xã Nà Hỳ, tôi cũng chẳng thể ngờ đoạn đường đến điểm Trường Sam Lang 2 chỉ vỏn vẹn 18km mà nhiều gian nan và hiểm nguy đến thế.

Ngồi đằng sau xe máy của thầy giáo tên Xuân, quê Cẩm Thủy, Thanh Hóa lên dạy học tại Nà Hỳ được mấy năm nay, tôi mới cảm nhận đầy đủ những gian khó và hiểm nguy mà thầy trò ở điểm Trường Sam Lang 2 phải chịu đựng trong quá trình đưa cái chữ về với bản làng biên giới. Đoạn đường chỉ 18km thôi mà tay lái lụa như thầy giáo Xuân cũng phải dành hơn một giờ để vượt qua.

< Đường vào bản thế này đây...

Từ điểm trường ở xã Nà Hỳ, xe càng chạy càng lên dốc, dốc càng lúc càng cao, liên tục có nhiều cua tay áo, lái xe phải bấm còi để thông báo cho người đi chiều ngược lại. Núi tiếp núi lượn lờ quanh co uốn khúc, lên xuống liên tục đến chóng mặt. Dù đường đã được mở rộng từ tháng trước để chở vật liệu lên xây dựng mái trường kiên cố cho điểm Trường Sam Lang 2, nhưng những hiểm nguy dường như không bớt đi là bao. Để hiểu được đoạn đường khó đi và hiểm nguy như thế nào thì hãy nghe thiếu tá Phùng Công Quý, đồn trưởng đồn biên phòng Nà Hỳ, tâm sự: để đưa 1m3 cát lên điểm trường chi phí là 20 triệu đồng, bởi phải ba lần thay phương tiện vận chuyển do không có xe nào ở địa phương đủ sức đi liên tục trên đoạn đường ngắn này.

< Lở, tắt đường trong mùa mưa lũ.

Tôi đã đi qua cung đường ngắn này với không ít hơn bốn lần vượt ngầm và ba lần vượt qua những cây cầu bắc tạm trong mùa khô. Những cây cầu qua suối Nậm Pồ mà theo thầy Xuân chỉ sử dụng được trong mấy tháng mùa khô, vì hễ đến mùa mưa thì cầu sẽ bị dòng nước mạnh từ trong các hẻm núi đổ ra cuốn phăng đi, không để lại dấu tích gì. Mà mùa mưa thì bắt đầu khá sớm ở vùng rừng núi biên giới Tây Bắc này. Chỉ khoảng giữa tháng 5, khi những cơn mưa bắt đầu đổ xuống vùng rừng núi xung quanh thì ngầm đã không thể đi và cầu thì bị cuốn trôi.

Thế mà điểm trường chỉ có đến lớp 3, muốn học lớp 4 trở lên các em phải băng rừng lội suối về dưới xã để theo học, nghĩa là phải trở thành người trọ học từ khi là học sinh tiểu học. Và hằng tuần các học sinh từ lớp 4 trở lên lại phải xa nhà đến trường từ chiều chủ nhật mãi đến chiều thứ sáu mới trở về bản.

Do vậy khi mùa lũ về, cha mẹ các em học sinh phải đưa con đến trường, vượt qua suối sâu nước xiết bằng cách bỏ con vào bao nilông để bơi đưa qua suối. Các cô giáo cũng phải nhờ cha mẹ học sinh giúp đỡ để có thể về trung tâm trường báo cáo và học tập vào cuối tuần.

Khi thầy Xuân kể, thoạt nghe tôi cũng khó tin. Nhưng khi lên đến điểm Trường Sam Lang 2, nhìn thấy khung cảnh ngôi trường và các thầy cô giáo đứng lớp thì tôi tin là chuyện vượt suối đến trường bằng bao nilông là có thật. Bởi tại lớp mẫu giáo ở điểm Trường Sam Lang 2, cô giáo Tòng Thị Minh đã cho các nhà báo xem clip do chính cô quay được bằng điện thoại di động trong mùa mưa 2013. Và chính phóng viên truyền hình Tuổi Trẻ đã phải dừng lại ở những đoạn suối cạn có bắc cầu tạm để quay cảnh đối chiếu với cảnh suối mùa mưa.

Là người từng ở rừng, từng vượt suối sâu đèo cao từ hơn 30 năm trước, nay được tận mắt chứng kiến cảnh các thầy cô giáo ở điểm Trường Sam Lang 2 phải vượt qua biết bao gian khó, hiểm nguy để đưa con chữ đến với các học sinh trên bản làng biên giới, tôi mới thấy những hi sinh gian khó mình đã trải qua chẳng thấm tháp gì. Để đưa được con chữ đến với bà con dân tộc ở đây, các thầy cô giáo đã hi sinh như những chiến sĩ biên phòng và còn hơn thế nữa.
Báo chí lên tiếng, cuối cùng thì kế hoạch xây dựng cầu treo cho thày trò và cả người dân của xã Nà Hỳ đã được duyệt và chắc chắn hoàn thành trước mùa mưa lũ năm nay.

Cầu treo Sam Lang sẽ có độ bền 50 năm

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tăng Cường - giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đồng ý cho phép thực hiện dự án cầu treo dân sinh ngay cạnh nơi các cô giáo và học sinh phải qua suối bằng túi nilông mà Tuổi Trẻ đã phản ánh.

Ngày 19-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã ký công văn hỏa tốc gửi Sở GTVT tỉnh Điện Biên “về việc đầu tư xây dựng công trình cầu treo Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên”. Trong công văn, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ VN bổ sung cầu treo Sam Lang vào đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông (giai đoạn 1) đang được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận; giao Sở GTVT Điện Biên thực hiện chức năng chủ đầu tư dự án xây dựng công trình cầu treo trên, nguồn vốn lấy từ vốn của đề án và các nguồn vốn hợp pháp khác; để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án, về chủ trương chấp thuận Xí nghiệp cơ khí Quang Trung là nhà đầu tư ứng trước vốn không tính lãi để thực hiện như đề nghị của xí nghiệp. Sở GTVT Điện Biên có trách nhiệm phối hợp với xí nghiệp hoàn tất các thủ tục liên quan theo quy định hiện hành, sớm triển khai dự án.

< Cô giáo Tòng Thị Minh - tác giả clip “Chui vào túi nilông để... qua suối” và các học sinh bản Sam Lang.

Chiều 19-3, ông Nguyễn Tăng Cường cho biết trong một vài ngày tới sẽ đi khảo sát thực địa để bắt tay ngay vào công việc với nỗ lực cao nhất để bà con Sam Lang, Nà Hỳ được đi trên cầu mới trước khi mùa mưa lũ đến. Về phương án thiết kế và xây dựng cầu treo tại Sam Lang, ông Cường cho biết: “Nếu được chủ đầu tư đồng ý, cầu treo Sam Lang sẽ là cây cầu treo khung thép, ván thép được mạ kẽm, độ bền tối thiểu phải được 50 năm. Cầu không chỉ cho người và xe máy qua lại mà đủ để dân địa phương đưa phương tiện sản xuất, trâu bò cũng đi qua được”. Về suất đầu tư, ông Cường cho biết chắc chắn giá thành một cây cầu như vậy sẽ đắt hơn cầu thép ván gỗ hiện nay. “Nhưng một cây cầu treo cũng chỉ có mấy tỉ đồng, còn đầu tư một cây cầu vĩnh cửu ở miền xuôi bằng cả trăm cây cầu treo ở miền núi” - ông Cường bình luận.

Theo ông Nguyễn Đình Giang - giám đốc Sở GTVT Điện Biên, công tác khảo sát đã được tiến hành xong và sở đã có công văn đề nghị Bộ GTVT cho xây dựng cầu treo dài 64m, rộng 1,5m, vị trí ngay cạnh nơi giáo viên và học sinh từng phải qua suối Nậm Pồ bằng túi nilông, vì vậy các thủ tục pháp lý về đầu tư cũng sẽ sớm được hoàn thiện.

Theo báo Tuổi Trẻ
Du lịch, GO!