Gió rít cuồn cuộn chào đón những người con từ miền Nam xa xôi mơ ước được một lần đứng ở nơi đây...
Sau một quãng đường dài, chúng tôi đến được điểm dừng chân đầu tiên là lán trại của người Mông để thu hoạch thảo quả. Do đợt rét hại và băng tuyết của tháng trước nên toàn bộ hàng chục hecta thảo quả đều úa vàng khiến rất nhiều bà con người Mông lâm vào cảnh khốn đốn.
Không còn gì để thu hoạch, căn lán bỏ trống, hoang vắng giữa rừng.

Lúc chui rúc, lúc leo trèo, cây cứ quất vào mặt, gai cào xướt cả tay, nhưng chân không được phép dừng lại, không nhớ chính xác là sự mệt mỏi ấy kéo dài bao nhiêu lâu thì chúng tôi đến một con dốc dài. Thấy con dốc mà tôi phát hoảng vì quá cao và đầy đá lẫn trong đất, đi rất dễ trượt chân và bị đá rớt vào đầu. Chúng tôi tách nhau ra xa hơn để đề phòng đá lở...
Lúc này GPS chỉ cao độ 2.200m, chúng tôi bắt đầu vào khu rừng nguyên sinh, những thân cây khổng lồ rêu phủ kín cứ chờn vờn ẩn hiện trong màn sương, gió quất sàn sạt qua mặt, luồn qua những hốc cây chết, rít lên những âm thanh kỳ dị.

Chúng tôi chỉ đủ sức thay quần áo rồi co ro ngồi chống lạnh, trong khi các anh bắt đầu dựng trại và đốt lửa sưởi ấm. Việc đốt lửa trong thời tiết mù mịt mây sương và ẩm ướt như vậy là hết sức khó khăn, hơn 30 phút mù mịt khói, ánh lửa hồng mới bùng sáng như cứu tinh.
Chúng tôi vội ngồi vây quanh sưởi ấm để xua đi cái lạnh khủng khiếp. Lán trại cũng đã dựng xong, và tất cả cùng bắt đầu bữa ăn tối "thịnh soạn" nhất trong khả năng có thể.

Mọi người cùng nói cười vui vẻ, những câu chuyện từ kẻ miền xuôi, người miền ngược cứ nối tiếp đến tận khuya bên ánh lửa hồng ấm áp. Những con người lần đầu gặp gỡ, những cuộc đời xa lạ càng lúc càng xích lại gần nhau như thân thiết tự bao giờ.
Quả là cực kỳ nguy hiểm, chân tôi lạnh cóng, không điều khiển được theo ý mình, trời vẫn mù mịt, do không có đường nên chỉ cần cách nhau chừng 20m mét là lạc lối ngay. Sau một hồi vật vã leo qua được những vách đá cao cùng cây đổ thì phát hiện sai đường, đành phải quay lại trong thất vọng và chán nản cực cùng.
Có những đoạn quá nguy hiểm, tôi phải nằm bò sát trên cây mà trườn từng chút một, mỗi khi nghe âm thanh hay chuyển động lạ là cứng cả người vì sợ cây gẫy, lăn xuống vực sâu thì không biết ra sao. Qua vực sâu và rừng cây đổ là những con dốc gần như thẳng đứng. Đầu người này kê sát chân người kia, không điểm bám víu, phải mò từng mố rễ cây nhỏ mà bám leo lên. Có những đoạn quá cao, không leo được, chúng tôi phải nhờ các anh biên phòng hỗ trợ kê người mà leo lên.
Lên đến độ cao 2.600m, chúng tôi vào khu rừng trúc thì hoàn toàn không còn đường nữa, anh bạn người dân tộc nói phải quay về vì không tìm thấy đường do trúc đổ từng mảng lớn, mà nếu phát hết thì không biết bao giờ mới đến nơi. Chúng tôi đã kiệt sức nên lòng cũng dao động dù không hề muốn bỏ cuộc.

Các anh biên phòng bắt đầu đi sát từng bước cùng chúng tôi để đảm bảo an toàn, có những lúc chân run, đi không vững, bị tuột thọt xuyên qua những cây trúc, đau điếng. Chúng tôi cứ nhích từng chút một trong khi sức lực càng lúc càng kiệt quệ và cảm giác vô vọng vì không biết bao giờ sẽ kết thúc tình trạng này.
Ngay lúc chúng tôi muốn buông xuôi thì đoạn đường kinh hoàng đã chấm dứt. Từ đây lên đỉnh lại là những con suối sâu cùng những vách đá cao, càng lên cao, những cơn gió quất càng mạnh, người cứ chao đảo rồi lạnh ngắt, chúng tôi phải bò thật thấp để tránh gió, quãng đường khủng khiếp cứ dường như bất tận.

Đúng 8g15 phút, chúng tôi chạm tay vào mốc giới 79 cao nhất trên toàn tuyến biên giới Việt Nam vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc. Gió rít cuồn cuộn chào đón những người con từ miền Nam xa xôi mơ ước được một lần đứng vững nơi đây.
Nhiệt độ lúc này tại mốc giới là 1 độ C, người tê cóng nhưng chúng tôi cùng tất cả các anh em biên phòng đều thực hiện nghi lễ thiêng liêng là chào mốc giới, kiểm tra tình trạng mốc giới và chụp ảnh lưu niệm. Mốc giới số 79 là mốc đơn loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 2.880,69m, tọa độ địa lý 22°4514.145" N 103°2608.476" E. Giữ nhiệm vụ phân chia biên giới ở tỉnh Lai Châu, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Sự xúc động lộ rõ trên khuôn mặt của tất cả mọi người. Chúng tôi chỉ dám lưu lại trong vài phút ngắn ngủi rồi phải quay xuống ngay nếu không muốn bị đông cứng trong cái lạnh tê cóng ở đỉnh cao lồng lộng gió.
Vậy là những người con miền Nam đã có dịp đứng trước hàng chục cột mốc vẽ nên dáng hình đất nước! Đây mốc 0 A Pa Chải Ngã 3 biên giới Việt - Trung - Lao, kia mốc 17 nơi con sông Đà chảy vào đất Việt, rồi mốc 92 nơi con sông hồng chảy vào đất Việt, mốc 428 cực Bắc của Việt Nam...
Trên những đỉnh cao này, dưới những cơn mưa rừng xối xả, trong cái lạnh cóng tê người, và trong cả những cơn gió reo ca đầy nắng ấm, những người con đất Việt đã thấy được hơi thở của mình hòa trong hơi thở ngàn năm tràn đầy sức sống và tự hào của Tổ quốc mến yêu.
Theo NGÔ TRẦN HẢI AN (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.