Chiếc thuyền mỏng manh chỉ như chiếc lá tre trôi giữa biển, 6 người trên tay bám cứng vào mạn, “trồi sụt” theo từng nhịp sóng nhưng không hề mặc áo phao dù đặt ngay bên cạnh.

Tại “đảo ngọc” Phú Quốc có một địa danh thu hút rất nhiều khách du lịch bởi sự huyền bí và linh thiêng kèm những truyền thuyết đi cùng. Đó là Giếng Tiên (Giếng Ngự, Giếng Gia Long) – tương truyền là nơi Nguyễn Ánh (vua Gia Long) đã để lại dấu gươm cùng dấu chân của ông.

Liều mạng trên những chiếc ghe ra đảo

Trước đây, để tới địa điểm này du khách có thể di chuyển theo đường biển và bộ. Tuy nhiên hiện tại đường bộ không còn được sử dụng (con đường này hiện do quân đội quản lý) nên du khách chỉ có thể đi bằng đường biển từ bãi Sao hoặc bãi Khem.

Có mặt tại bãi Khem vào một ngày giữa tháng 3/2014, ngay khi biết ý định đi thăm Giếng Tiên PV lập tức được các chủ quán tại đây giới thiệu cách đi. Theo đó phương tiện chủ yếu được dùng để chạy ra địa danh trên là những chiếc thuyền (vỏ lãi - một loại thuyền, ghe nhỏ hình thoi) composite.

Theo quan sát tại đây có 4 chiếc thường trực. Những chiếc thuyền này có chiều dài khoảng 7m, rộng 1m, sâu 50cm, được lắp một máy nổ phía sau, và có thể chạy với vận tốc cao nhất lên tới hơn 50km/h. Mỗi chuyến có thể chở được 6 khách, một lượt đi về có giá 400.000 đồng. Khách có thể “bao” trọn gói hoặc đi cùng người khác để chia sẻ chi phí.

Được biết những quán ăn ven bờ cũng là chủ sở hữu kiêm tài công (người lái), khi khách có nhu cầu họ sẽ tổ chức đưa đón. Qua tìm hiểu PV được biết khách có thể ra thăm Giếng Tiên vào bất cứ khoảng thời gian nào trong ngày (trừ ban đêm) nhưng chủ yếu bắt đầu từ lúc 12h đến 16h, bởi đây là khoảng thời gian có nhiều khách du lịch.

Khi chứng kiến phương tiện sẽ đưa mình vượt biển, một số người tỏ ra lo sợ vì thấy chiếc thuyền quá nhỏ, trong khi sóng biển buổi chiều tương đối lớn nên đã không đi. Số khác vẫn quyết đi sau khi được chủ thuyền trấn an “có sẵn áo phao cho mọi người, hàng ngày vẫn đi như thế nhưng chưa xảy ra tai nạn bao giờ”.

Dứt lời nói mọi người lục tục kéo nhau lên thuyền, lúc này trên thuyền có sẵn áo phao nhưng không ai buồn mặc dù có cả phụ nữ và trẻ em. Ít phút sau tài công nổ máy, chiếc thuyền đè sóng ra biển. Bằng kinh nghiệm của mình, người tài công khéo léo đưa con thuyền lách qua những đợt sóng lớn gần bờ. Dù đã được “đảm bảo” nhưng nhìn chiếc thuyền nhỏ như chiếc lá tre trồi lên sụt xuống giữa biển vẫn khiến nhiều người rùng mình.

Khi đã ra khu vực sóng êm hơn chiếc thuyền tăng tốc vọt đi như mũi tên. Tiếng máy nổ giòn tan, tiếng gió rít qua tai làm nhiều người với tay bám tay chặt cứng vào mạn thuyền, mặt tái xanh. Hơn 10’ sau chiếc thuyền cập bến, tới lúc này người đi mới thở ra nhẹ nhõm.

“Dù đoạn đường không xa nhưng đi như thế này quá nguy hiểm. Hôm nay sóng không quá lớn nhưng tôi ngồi còn sợ muốn chết. Nếu không may xảy ra tai nạn thì không biết sẽ xoay sở ra sao. Tôi nghe nói nước ở Giếng Tiên có thể chữa bệnh nên mới liều đi ra” – bà Huỳnh Thanh Ngọc (ngụ TP.HCM) cho biết.

Thời điểm này lượng khách tại đây không nhiều, theo ghi nhận trong một buổi chiều sẽ có khoảng 6 chuyến rời bến với số lượng khách trung bình 5 người/chuyến. Trong khi đó theo người dân thì vào mùa cao điểm, mỗi ngày tại đây sẽ có hàng chục chuyến qua lại.

Tuy vậy nhưng tại đây không có phương tiện và lực lượng chuyên biệt cho công tác cứu hộ. “Có người đi thì họ chở thôi chứ không có bến bãi gì đâu, nếu không may xảy ra chuyện thì mọi người cùng nhau chạy ghe ra giúp thôi” – một ngư dân nói. Họ cũng cho biết, hoạt động này đã có từ khá lâu tuy nhiên dường như chỉ là tự phát mà không có sự quản lý.

Huyền thoại Giếng Tiên

Giếng Tiên (Giếng Ngự) nằm ở thị trấn An Thới. Tương truyền,  vào thế kỷ thứ 17, Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) trên đường trốn chạy quân Tây Sơn đã ghé lại đảo Phú Quốc cho quân lính nghỉ ngơi. Khi tàu vào bờ, lương thảo và nguồn nước ngọt bị cạn kiệt, nhà vua mới ngửa mặt lên trời than rằng nếu có chân mạng đế vương thì cho ông cắm mũi kiếm xuống có nước ngọt cho đoàn tùy tùng và quân lính uống. Quả nhiên, khi ông cắm mũi kiếm xuống ngay sát mép biển thì gặp nước ngọt. Nước giếng rất ngon, không bao giờ cạn. Nơi đây hiện còn lưu giữ các dấu tích của nhà Nguyễn theo truyền thuyết, như: Ngai vua, Giếng Tiên và dấu chân chúa Nguyễn.

< Nước mùa khô không nhiều nhưng không bao giờ cạn.

Giếng Tiên chỉ cách mép nước biển vài tấc,  sâu khoảng 50 cm và không bao giờ bị nhiễm mặn, là nơi cung cấp nguồn nước trong trẻo và dồi dào cho cư dân và ngư phủ Phú Quốc suốt bao đời nay. Khi thủy triều dâng lên, dù bị sóng biển tràn vào, nhưng nguồn nước vẫn rất trong lành, có vị ngọt như nước khoáng, không có giếng nào trên đảo sánh được. Có lẽ vì sự đặc biệt của giếng mà sự tích về Giếng Tiên tuy đậm chất huyền thoại nhưng vẫn được người dân xứ đảo tôn sùng. Ngoài vai trò cung cấp nước ngọt cho tàu thuyền đi biển, nhiều người còn tin rằng sử dụng nước Giếng Tiên  rất có ích cho sức khỏe.

< Bãi biển kề cận giếng Tiên.

Giếng Tiên không chỉ thu hút du khách nhờ huyền thoại nhà Nguyễn gắn với Hòn đảo ngọc, mà còn nhờ cảnh quan nơi đây còn nguyên sơ hoang dã với bãi biển cát trắng bên cạnh dòng nước biển trong xanh. Bởi vậy, nhiều người nói rằng đến Phú Quốc mà chưa thưởng thức vị ngọt của nước Giếng Tiên và ngắm nhìn cảnh vật hoang sơ nơi đây, thì coi như… chưa đến Phú Quốc.

Theo Infonet, Thanh Niên
Du lịch, GO!