Du xuân đến Bình Định - vùng đất võ nổi tiếng với vị anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ, với bộ môn võ cổ truyền nức tiếng gần xa, với những món ăn mang đậm hồn quê, và biết bao cảnh đẹp mà thiên nhiên ưu đãi - ở đó có bãi biển Hoài Hải...

< Bờ biển trải dài hết tầm mắt...

Hoài Hải là một xã ven biển thuộc huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Xã được tách ra từ thôn Kim Giao của xã Hoài Hương và thôn Diêu Quang của xã Hoài Mỹ và được được thành lập vào năm 1992.

< Một góc biển và ngọn núi thấp hoang sơ...

Với địa hình dài và hẹp, nhìn từ trên xuống, Hoài Hải có hình như mũi kiếm. Nằm cách Quy Nhơn 100 km về phía bắc, về phía Bắc và cách tuyến đường quốc lộ 1A 14 km về phía Đông.

< Theo những vệt đường mòn để khám phá một vùng biển.

Phía nam xã Hoài Hải là núi và rừng, phía tây tây nam giáp xã Hoài Mỹ, phía tây giáp sông Lại Giang, phía Bắc là cửa biển An Dũ, phía đông giáp biển Đông. Bên kia sông Lại Giang là xã Hoài Mỹ (phía nam) và xã Hoài Hương (phía bắc).

< Đại dương xanh thăm thẳm...

Do địa thế như vậy nên xã Hoài Hải có thể được xem là một hòn đảo. Năm 2008, xã được nhà nước công nhận là xã bãi ngang.

< Biển Hoài Hải nước xanh trong và những con sóng bạc đầu ầm ào vỗ bờ

Xã có nhiều cảnh đẹp tự nhiên và thơ mộng, đặc biệt là bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam với một màu cát trắng. Song song bãi cát là những hàng phi lao xanh mướt mắt, cũng là bức tường chắn cát. Hoài Hải hấp dẫn nhiều khách tham quan cắm trại, dã ngoại, tắm biển, ngắm cảnh…

< Một góc biển với sóng xô bờ đá...

Riêng người dân ở đây chất phát, chân thật và mến khách, rất sẳn sàng giúp đỡ chia sẻ trong mọi hoàn cảnh khi gặp khó khăn.

< Khách tham quan đến đây chủ yếu để dã ngoại, ngắm cảnh và chụp ảnh với biển vắng vẻ.

Nghề nghiệp chính của người dân ở đây là ngư nghiệp bao gồm đánh bắt gần bờ và đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên với xu hướng hiện nay, người dân dần dần thay nghề biển thành nghề bờ như: nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, buôn bán...

< ... và leo lên những ngọn núi thấp ven bờ, đẹp tuyệt!

Tuy nhiên, do địa phương chưa chú trọng phát triển du lịch nên mọi dịch vụ ở đây đều chưa đầy đủ và mang tính chất tự phát. Lượng khách tham quan cũng chỉ gói gọn ở dân địa phương trong tỉnh và một số vùng lân cận. Nhưng cũng chính vì lý do đó mà bãi biển Hoài Hải vẫn còn hoang sơ, rất thích hợp để các bạn trẻ khám phá và thăm thú.

< Một góc biển nhìn từ trên cao.

Mũi gành Hoài Hải là một điểm đến thú vị trong xã thu hút nhiều khách ghé thăm bởi phong cảnh mênh mông của biển cả và những ngọn núi thấp nhấp nhô. Tất cả hòa lẫn vào nhau tạo nên bức tranh thiên nhiên hoang sơ đẹp tuyệt vời. Đặc sản nơi đây có nước mắm cá cơm và trái tra.

- Xã Hoài Hải được chính thức 'khai sinh' ngày 2.9.1994, trên cơ sở sát nhập thôn Kim Giao (xã Hoài Hương) và thôn Diêu Quang (xã Hoài Mỹ). Từ trên cao nhìn xuống, dải đất hẹp Kim Giao-Diêu Quang như một cánh tay dài khổng lồ vươn ra biển cả. Trong chiến tranh, vùng đất này có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng, thông nối với vũng Lộ Diêu- nơi tập kết vũ khí của những chuyến tàu không số từ Bắc vào Nam, nơi cung cấp hàng ngàn thùng nước mắm, hàng trăm bao muối chuyển lên chiến trường phía Tây cho bộ đội và nhân dân ta đánh giặc.

< Bức tranh thiên nhiên của núi và biển.

Vì thế, trong suốt chặng đường đấu tranh chống Mỹ cứu nước, Hoài Hải là một trong những chiến trường gay go, ác liệt nhất ở các xã ven biển của huyện Hoài Nhơn. Những trận đánh vang dội gắn liền với các địa danh như đầm Hà Xuyên, hóc nước Diêu Quang, mũi nhọn Sát Lý, đi cùng với những chiến dịch tấn công kẻ thù như “Con sóng dữ”, “Đèn măng - xông”… mãi mãi là những chứng tích lịch sử, là niềm tự hào của quân và dân Hoài Hải hôm nay và mai sau.

Du lịch, GO! - ảnh iHay