(BCT) - Đi lễ chùa đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt. Chùa Đục ở đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi được nhiều người dân địa phương và du khách xa gần tìm đến không chỉ bởi ý nghĩa tâm linh mà còn vì khung cảnh non xanh nước biếc. Người dân trên đảo tin rằng đây là nơi đức Quan Âm ngự để phù hộ và giữ bình yên cho vùng biển này.

Ngôi chùa tọa lạc ở lưng chừng miệng núi lửa đã "ngủ" hàng triệu năm nay. Người địa phương gọi là chùa Đục có lẽ bởi hàng trăm bậc thang gần như thẳng đứng khắc vào đá núi làm lối dẫn từ biển lên chùa. Từ chánh điện đến các bệ thờ hầu như đều được xây dựng trong hốc đá, hang đá. Đó chính là điểm đặc biệt của danh thắng tâm linh này.

Người dân miền biển vốn có đời sống tâm linh rất phong phú. Nằm ở vị trí tiền tiêu, quanh năm vật lộn với sóng biển, người dân đảo Lý Sơn càng tin vào đức Quan Âm. Ngay cổng vào chùa Đục là tượng Quan Âm cao đến 27 mét nhìn ra biển như để quan sát và giữ yên bình cho ngư dân mưu sinh trên biển.

Trên đảo Lớn, có khá nhiều đình, chùa, miếu... nhưng chùa Đục tọa lạc ở vị thế đẹp nhất và nổi tiếng linh thiêng. Chùa thu hút không chỉ người dân địa phương và du khách lớn tuổi mà cả du khách trẻ cũng tìm đến nơi này. Từ xa, ngôi chùa trông như ở chốn non bồng.

Chùa nằm trên vách núi xanh um. Đỉnh núi nhìn về phía Đông, là một mõm đá nhọn hoắc, cong vút chĩa thẳng lên trời như mũi thuyền khổng lồ của hải đội Hoàng Sa xưa. Đó là miệng của ngọn núi lửa. Đi theo lối lên chùa, du khách đến đỉnh núi và mở ra trước mắt là một cảnh sắc ngoạn mục. Đỉnh núi chùa Đục là một lòng chảo lớn- dấu tích của miệng núi lửa ngừng hoạt động. Nơi đây, cỏ cây xanh um quanh năm; nhiều nhất là cỏ tranh lao xao trong gió.

< Đỉnh Mũi Thuyền gần chùa Đục.

Từ đỉnh phía chùa Đục, du khách đi sâu xuống thung lũng rồi theo con dốc đá gần như thẳng đứng để chinh mục mũi thuyền của "hải đội Hoàng Sa".

Thật bỏ công vất vả, khi lên đến đỉnh, nhìn ra xa, trước mắt du khách là bãi biển dập dìu những con sóng; nhìn về phía chùa, phong cảnh càng thêm nên thơ. Trong quần thể những ruộng trồng tỏi, những mái nhà ngói rêu phong, ngôi chùa như một bức phù điêu khổng lồ, chạm trổ tinh xảo trên vách núi. Bên kia là vành của miệng núi lửa nhấp nhô, uốn lượn.

< Du khách tham quan Chùa Đục.

Nếu rộng thời gian, du khách có thể tìm đến những lão niên sống gần núi Giếng Tiền để nghe những câu chuyện hư hư thực thực quanh đảo. Người dân trên đảo thường truyền miệng nhau câu chuyện người Hời (cách gọi người Chăm cổ của người dân địa phương) đã chôn những kho báu trước khi rời đảo. Để bảo vệ kho báu, tránh tai mắt người đời sau, họ yểm bùa bằng cách chôn theo một trinh nữ cầm con dao và hóa châu báu thành ngựa vàng, cua vàng, gà vàng…


< Tượng Phật Bà nhìn từ đỉnh núi.

Ghi nhận của tộc họ Bùi trên đảo, năm 1545, ông Bùi Tá Hán đưa quân ra giữ đảo. Người Hời vốn không chịu sống chung với dân tộc khác nên bỏ về đất liền. Và câu chuyện kho báu xuất phát từ đó. Dân trên đảo vẫn thường kể cho nhau nghe đã từng có người thấy ngựa vàng phi nước kiệu trên bãi biển rồi mất hút hay bầy gà vàng kiếm ăn quanh quẩn trên đảo. Những câu chuyện như cấu như thế luôn hấp dẫn người dân địa phương và du khách. Ban đêm, bên tách trà, chén rượu trên đảo ngồi bàn tán về kho báu người Hời thì còn gì lý thú bằng.

< Miệng múi lửa đã ngủ yên phía sau Chùa Đục.

Một chuyến đi đầu năm thẳng theo hướng biển Đông và dừng lại trên đảo Lý Sơn viếng chùa Đục để cầu may và bình an theo tín ngưỡng của cư dân bản địa và vãn cảnh "mũi thuyền hải đội Hoàng Sa" thì còn gì bằng!

Chùa Đục còn có tên là Đỉnh Liêm Tự, nằm lưng chừng núi Giếng Tiền ở phía Đông của đảo Lớn thuộc huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Từ cảng cá Sa Kỳ, cách trung tâm thành phố khoảng 30 cây số, khách ngồi tàu cao tốc ra đảo, mất khoảng hơn một giờ. Nếu đi chuyển bằng tàu hàng, tàu cá, thời gian di chuyển gấp đôi. Từ cảng Lý Sơn, phải đi đường bộ hoặc đường biển khoảng 3 cây số mới đến được chùa.

Theo Ngọc Liên (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!

Chùa Đục, chùa Hang trên đảo Lý Sơn