(SGTT) - Cao nguyên đã vào mùa khô. Trời bắt đầu lạnh. Sau một năm cày ải, nhóm bạn rủ đi chơi mà lần này phải đi về rừng. Có người đề nghị lên Măng Đen, nghe nói đẹp lắm. Trong số họ, nhiều người chưa từng đến đó, chỉ nghe. Với tôi, miền cao nguyên này không xa lạ nhưng bảo đi hết những nơi cần đến thì chưa. Lâu rồi chưa quay về, liền gật đầu, thì đi…

Lặng lẽ Kon Tum

Con đường 14 từ Pleiku lên Kon Tum ngập trong bụi trắng. Dễ có đến bốn năm rồi, từ khi chính thức khởi công, đoạn đường với chiều dài khoảng 50km vẫn chưa đâu vào đâu. Cứ chạy được vài cây số đường bóng láng lại phải sang số, “bò” trên những ổ voi, ổ trâu. Khách trên xe lắc qua lắc lại, xương cốt “răng rắc” theo từng vòng quay của bánh xe.

Phương Quý, Phương Hoà, Vinh Quang, Tân Hương, Đoàn Kết… Những địa danh vẫn còn đó. Những vườn rau vẫn còn. Nhưng những ngôi nhà cổ đã biến mất. Thay vào đó, những ngôi nhà lầu hiện ra. Con đường đá xanh dẫn vào khu làng Bahnar dọc sông Dăk Bla có hàng trăm năm tuổi giờ không còn nữa. Nghe kể rằng, khi mở đất, người Kinh và người Bahnar đã mở con đường ven sông, lát bằng đá xanh. Không gian phố hôm nay đổi thay nhiều quá. Quy luật phát triển là vậy, không thể ép người dân sống mãi trong những ngôi nhà chật hẹp, thấp lè tè để “giữ hồn phố cổ” trong khi xung quanh đã mọc lên những ngôi nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi!

Đầu năm ngoái (tháng 2.2013), Kon Tum kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh. Điều lạ là, dù xa xôi cách trở so với Pleiku và Buôn Ma Thuột, nhưng vào năm 1892, toà đại lý hành chính Kon Tum, đứng đầu là cố đạo người Pháp tên Vialleton (còn gọi là cha Truyền), đã chính thức hoạt động. Còn theo nguồn tài liệu của nhà giáo Trần Duy Phiên (sống ở Kon Tum từ những năm 1960), giữa thế kỷ 19, triều đình nhà Nguyễn đã cử đề đốc Võ Chuẩn làm quản đạo Kon Tum. Khi nhậm chức, ông mang theo binh lính là người xứ Huế, Bình Định lên, lập làng Võ Lâm, đánh dấu những người Kinh đầu tiên có mặt tại miền Thượng.

Dù đã “lên” thành phố (giữa năm 2009), Kon Tum vẫn là “phố buồn” như hơn 30 năm trước tôi đã sống. Kon Tum nay hiện đại hơn, người đông hơn nhưng không giấu được nét lặng lẽ. Ít tiếng còi xe. Càng không có kẹt xe. Thứ gì ở đây cũng chậm. Kêu một ly càphê, chờ 20 phút mới thấy mang ra mà dưới đáy ly chưa có giọt nào!

Mới đầu tháng 12 mà dòng sông Dăk Bla (tiếng Bahnar nghĩa là “dòng sông máu”) muốn cạn khô. Phía bắc sông đã được đắp kè chống xói lở. Bờ nam vẫn còn đất bồi nhưng cát không còn trắng như ngày xưa mà cứ nhợt nhạt.

Nhìn dòng sông chảy về phía mặt trời lặn, ai đó đã đặt tên “dòng sông chảy ngược”. Cuồn cuộn nước đỏ vào mùa mưa, hiền lành và trong veo vào mùa khô, Dăk Bla từng là nguồn cung cấp những loại cá đặc biệt như cá ngựa, cá luối, cá tràu, chình…

Nhưng gần đây, cá ít dần, ngay cả những quán ăn lớn cũng không dám ghi đặc sản vào thực đơn vì không có hàng. “Mấy loại cá đó bây giờ ít lắm. Lâu lâu mới có vài ký để dành cho khách quen. Bây giờ chủ yếu ăn cá nuôi”, nhân viên quán Đồng Quê trên đường Phan Đình Phùng, nói.

Nói đến đặc sản ở Kon Tum là nhắc đến thú rừng, nhưng năm năm trở lại đây, không còn quán nào dám treo biển “ở đây có bán thịt rừng”. Kiểm lâm, công an phát hiện, cầm chắc phá sản. Vậy là chuyển qua ăn “thú rừng nuôi” như nai, chồn, nhím… bị người Kon Tum chê dở vì thịt nhão, chẳng mùi vị gì. “Thịt nuôi chỉ để dành bán cho khách thập phương. Muốn ăn món lạ, có món gỏi lá rừng và gà “đồng bào”. Ăn thử một lần cho biết”, Kim Phượng về làm dâu xứ này tròn 20 năm, nói. Món gỏi này năm năm trước tôi đã từng thử. Mùi vị tổng hợp: chua – đắng – bùi của các loại lá rừng, cộng với vị ngọt của tép đồng, vị béo của nước chấm được làm từ mẻ… làm mềm môi khách. Lần này, không còn nhiều thời gian, đành từ chối.

Vì con đường 14 xấu quá nên nhiều người ước ao Kon Tum có sân bay. Ước thì ước, chắc chẳng bao giờ được vì dân số thành phố Kon Tum chỉ ngót nghét 170.000 người, đa phần dân nghèo. Mong sao, đoạn đường Hồ Chí Minh (tên gọi mới của đường 14) nối liền Kon Tum và Pleiku sớm hoàn tất để khách phương xa đến với mảnh đất này nhiều hơn…

Lãng quên Măng Đen

Tôi tần ngần ở vòng xoay Phan Đình Phùng – Duy Tân. Nếu đi ngược Phan Đình Phùng về hướng Dăk Tô, sẽ đặt chân đến những địa danh “máu lửa” trong chiến tranh như đồi Charlie, sân bay Dăk Tô, sân bay Phượng Hoàng, Tu Mơ Rông... Còn đi hướng Duy Tân sẽ ra quốc lộ 24, đi Măng Đen, vùng đất được ví von là “Đà Lạt thứ hai”. Tôi quyết định chọn Duy Tân.

So với đường 14, đường 24 từ Kon Tum đi Măng Đen êm hơn, thỉnh thoảng mới gặp một vài ổ gà. Với nhiều tài xế lần đầu tiên đi con đường này vào ban đêm, đoạn đường 12km của đèo Măng Đen là một thử thách. Mặt đường nhỏ, nhiều “cùi chỏ”, vực sâu là dòng sông Dăk P’Ne, nhưng sợ nhất là tinh thần “đường ta rộng thênh thang ta chạy” của những tay xe xứ này…

Măng Đen đêm nay chỉ se lạnh. Theo lời của một nhân viên khách sạn Hoa Sim, hai hôm nay trời ấm hơn, bữa trước lạnh lắm, không dám ra đường vào ban đêm. Lửa được đốt lên. Cuộc nhậu bắt đầu.

Đêm nay có hai món ăn mà theo người dân ở đây là đặc sản: heo “đồng bào” quay và gà “đồng bào” nướng. Ba ghè rượu cần được mang ra nhưng không phải rượu người Rơ Mâm làm mà của công ty Y Miên tận bên Buôn Ma Thuột mang qua.

Dễ hiểu thôi, từ nhiều năm nay, nhiều dân tộc ở miền cao nguyên này đã không còn dùng mì, bắp hoặc gạo để làm rượu cần nữa. Họ đã được chỉ dạy như vậy. Bữa nhậu có đội văn nghệ của người Rơ Mâm múa hát mua vui. Có chút lạ nhưng sao mà nhạt thếch và vô duyên!

Miếng thịt heo mềm, thơm và ngọt. Còn thịt gà chắc. Tất cả đều chấm muối ớt. Cả bọn ngấu nghiến ăn như chưa bao giờ được ăn. Vì đói và ngon. Ăn nửa chừng, những dĩa cơm ống nứa được dọn ra. Có khúc màu vàng nhưng phần nhiều có màu trắng, chứng tỏ trình độ nướng chỉ cỡ lớp chồi! Giá mà thịt được nướng trực tiếp trên than, còn cơm dẻo hơn và vàng đều sẽ là bữa ăn ở rừng hoàn hảo. Nói đến đặc sản, Măng Đen còn có món cá tầm được nuôi ở chính vùng đất này với hai món dễ nấu, dễ làm: nướng muối ớt và lẩu.

Măng Đen có diện tích khoảng 100.000ha. Trừ vài trăm hecta xây dựng nhà ở và đường sá, còn lại là rừng nguyên sinh, đặc biệt có 4.000ha rừng thông trồng năm 1980. Theo một người dân giải thích, việc trồng thông là nhằm phủ kín những khu vực giao tranh giữa hai bên. Những gốc thông trên 30 tuổi giờ đã vững chãi, che khuất những niềm đau của hai phía và mang lại vẻ đẹp quyến rũ cho mảnh đất này. Cộng với độ cao khoảng 1.500m, nhiệt độ dao động 15 – 25 độ C, Măng Đen là vùng đất lý tưởng cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Từ những năm 2005, nhiều nhà đầu tư từ TP.HCM đầu tư khách sạn, tu bổ những thắng cảnh với số vốn hàng ngàn tỉ đồng kèm theo lời cam kết sẽ đi vào hoạt động cuối thập kỷ trước. Vậy mà đến mãi hôm nay, những ngôi biệt thự, những khách sạn chỉ xong phần khung… rồi để cho rêu phủ kín. Một “thổ dân” cho biết, hàng trăm ngôi biệt thự đang trong tình trạng hoang phế như vậy! Có thể khách ít mà nhà đầu tư không còn mặn mà với Măng Đen. Cũng có thể khủng hoảng vài năm trước quất qua mà họ kiệt quệ, thiếu vốn để tiếp tục cuộc chơi. Ngày sau chưa biết ra sao, còn bây giờ Măng Đen đang ở trong vòng tròn luẩn quẩn. Không có hạ tầng, dù ở mức trung bình, sẽ không có khách đến. Mà vắng khách, nhà đầu tư sẽ không thể quay vòng vốn và xác lập niềm tin “chiến lược”.

Ông Dương Tấn, một chuyên gia về quy hoạch, sau khi dạo quanh một vòng Măng Đen lạnh lùng phán: “Quy hoạch như vậy là ổn. Chỉ sợ lãnh đạo ở đây vì nôn nóng mà phá nát “hòn ngọc của miền cao nguyên” này. Bằng mọi cách phải giữ. Phải biết chờ đợi. Nhưng trước hết phải tạo nhiều cơ hội hơn nữa để thu hút đầu tư”. Khi nghe nói Măng Đen sẽ có sân bay trực thăng, ông ồ lên thích thú nhưng kịp thời nói thêm: “Không dễ chút nào đâu. Phải làm sao thu hút khách đến với Kon Tum, sau đó họ sẽ lên đây”. Theo vị chuyên gia này, trước hết phải dùng ngân sách nhà nước xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh. Nghe ông nói, tôi lại rơi vào vòng hoang mang luẩn quẩn, trước hết Nhà nước đang thiếu tiền!
Bao giờ Măng Đen sẽ là Đà Lạt thứ hai? Tôi cũng không biết nữa…

Theo Minh Phúc (báo Sàigòn Tiếp Thị)
Du lịch, GO!