Chỉ còn hơn 1 ngày nữa đường hoa Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM sẽ chính thức khai hội đón khách. Những công đoạn cuối cùng đã hoàn tất. Người dân ùn ùn kéo nhau về đây chụp hình, tham quan.

Lấy chủ đế “Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố tôi yêu”, đường hoa Nguyễn Huệ sẽ trưng bày nhiều mô hình thể hiện tính cách đặc điểm của thành phố: văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Những hình ảnh đồng lúa, bụi tre khắc sâu trong tâm trí người Việt Nam cũng được thể hiện một cách độc đáo và hấp dẫn.

Mọi công tác chuẩn bị cho đường hoa đã gần như hoàn chỉnh, đến sáng 28-1 thì toàn bộ việc trang trí xếp đặt sẽ chấm dứt để rửa đường hoa chuẩn bị cho lễ khai mạc diễn ra lúc 19g cùng ngày. Dự kiến, đường hoa dự kiến sẽ đón khoảng 1 triệu lượt khách tham quan suốt thời gian này cho đến 22g ngày 3-2 (mồng 4 tết)...

Năm chú ngựa tung vó

Năm con ngựa ở đại cảnh “Dòng thời gian” được trang trí ngay tại đầu đường hoa Nguyễn Huệ có kích cỡ dài 3,3m, cao 1,8-2m, được làm từ các khối mốp lớn đang tung vó trên một “ngọn đồi” cao khoảng 2m phủ đầy hoa tươi.

Hai con ngựa cùng kích thước được trang trí ngay cuối đường Nguyễn Huệ như một lần nữa thể hiện tính cách trẻ của TP.HCM - năng động, sáng tạo, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn để vượt lên phía trước.

< Cuối con đường là hai chú tuấn mã oai hùng.

Theo thiết kế, năm con ngựa ở đầu đường hoa chính là điểm nhấn trong trang trí đường hoa năm nay. Hình ảnh năm con ngựa kéo cỗ xe hoa đồng hồ, đàn ngựa đang chạy đua vượt thời gian, như là thông điệp cho chặng đường tiến lên phía trước còn cần nhiều nỗ lực để đạt thành công.

Theo ban tổ chức, do thời tiết năm nay thất thường, nhiều loại hoa có màu sắc không đẹp bằng năm trước nên việc lựa chọn phải kỹ lưỡng hơn để đảm bảo nét đẹp cho đường hoa.

Ông Trần Hùng Việt, tổng giám đốc Saigontourist - trưởng ban tổ chức đường hoa, cho biết “năm nay đường hoa có gì mới” luôn là câu hỏi đặt ra cho ban tổ chức, những người thiết kế...

Thông thường 80% tiểu cảnh ở đường hoa sẽ được đổi mới, 20% còn lại là nét văn hóa cơ bản như cầu khỉ, ao sen, giàn bầu, bí, ruộng lúa... vẫn được giữ lại vì đó là chút “hồn quê giữa phố”.

Gần 100.000 chậu hoa tươi khoe sắc

Theo ban tổ chức, gần 100.000 chậu hoa tươi các loại sẽ được khéo léo xếp đặt, trưng bày trong suốt chiều dài với bốn mặt của đường Nguyễn Huệ. Đường hoa năm nay mang chủ đề “TP.HCM - thành phố tôi yêu”, được thiết kế nhằm thể hiện một TP.HCM năng động, sáng tạo, hiện đại.

Ông Chiêm Thanh Liêm cho biết khu vực đường hoa Nguyễn Huệ, giao điểm giữa đường Nguyễn Thiệp và Mạc Thị Bưởi sẽ nổi bật và là điểm đặc biệt trong đường hoa năm nay với sự xếp đặt và trưng bày của các chủng loại hoa đặc sắc mang từ Đà Lạt với các tiểu cảnh: Mạch nguồn xuân, Hoa đua sắc, Xuân ấm no, Cây khô và hoa, Thử thách biến đổi khí hậu, Mầm xanh, Đất nở hoa, Nụ xuân, Giọt hoa, Cúc đại đóa...

Ban tổ chức cho biết để cổ động cho nghệ thuật đờn ca tài tử của Nam bộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới trong thời gian sắp tới, bộ nhạc cụ (đàn tì bà, đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu) của môn nghệ thuật này với kích thước khổng lồ (trung bình từ 2,9-3,8m, ngang từ 40-70cm) được khéo léo xếp đặt trân trọng trên nền là một khung hoa rực rỡ.

Các điểm giữ xe đúng giá tại đường hoa Nguyễn Huệ

Ban tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ thông báo danh sách các bãi giữ xe phục vụ người dân tham quan đường hoa.

Các bãi giữ xe này hoạt động từ 6 giờ ngày 28.1 đến 23 giờ ngày 3.2 (tức nhằm ngày 28 tháng chạp âm lịch đến mùng 4 tết Giáp Ngọ).

Giá giữ xe ở đây được đảm bảo đúng quy định: ban ngày (từ 6 - 21 giờ) 2.000 đồng/lượt/xe đạp, xe đạp điện; 4.000 đồng/lượt/xe số dưới 175 cm3, xe điện và 5.000 đồng/lượt/xe tay ga, xe số từ 175 cm3 trở lên; ban đêm (sau 21 giờ) 4.000 đồng/lượt/xe đạp, xe đạp điện; 5.000 đồng/lượt/xe số dưới 175 cm3, xe điện và 6.000 đồng/lượt/xe tay ga, xe số từ 175 cm3 trở lên.

Danh sách các điểm giữ xe cụ thể:

1. Lề đường Lý Tự Trọng (vách Bảo tàng TP.HCM), đoạn từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Pasteur.

2. Lề đường Pasteur (vách Bảo tàng TP.HCM), đoạn từ đường Lý Tự Trọng đến Lê Thánh Tôn.

3. Lề đường Công trường Quách Thị Trang (trước Tổng công ty Đường sắt).

4. Lề đường Hàm Nghi, góc Công trường Quách Thị Trang (vách Tổng công ty Đường sắt).

5. Lề đường Lý Tự Trọng (phía Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Công thương và Sàn giao dịch Bất động sản), đoạn từ đường Pasteur đến Đồng Khởi.

6. Lề đường Lý Tự Trọng (phía trước Trường THPT Trần Đại Nghĩa).

7. Lề đường Lê Thánh Tôn, đoạn từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Nguyễn Trung Trực.

Đường sách nhiều ý nghĩa

Đường sách tết năm nay mở cửa từ ngày 28/1 - 3/2/2014 tại đường Mạc Thị Bưởi (đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ) - Nguyễn Huệ (đoạn từ Mạc Thị Bưởi đến Ngô Đức Kế) - Ngô Đức Kế (đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ). Điểm nhấn của đường sách là dành một phần quan trọng để tưởng nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng vĩ đại của nhân dân. Khu trưng bày sẽ được chia làm hai phần chính là triển lãm hình ảnh và triển lãm sách viết về Đại tướng.

Khu “Sách và văn hóa” (do Công ty cổ phần Fahasa phụ trách) trưng bày một lượng lớn và đa dạng các loại sách, trong đó điểm nhấn chủ đạo là các tác phẩm về đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Khu “Sách và tri thức” (do Công ty Cổ phần Sách Thái Hà phụ trách) giới thiệu đến bạn đọc các loại sách kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, xã hội... Ngoài ra, đây cũng là nơi trưng bày các đầu sách ngoại văn với nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Trung, Nhật... Tại đây cũng có không gian trà đạo dành cho khách tham quan nghỉ ngơi, đọc sách.

Khu vực “Sách được nhiều người yêu thích” (do Công ty văn hóa Nhã Nam và công ty cổ phần Tiki phụ trách) là những tác phẩm đứng đầu trong các bảng danh mục sách được yêu thích nhất do các nhà phát hành tổ chức. Bên cạnh đó còn có sách đoạt giải thưởng văn học của các năm gần đây.

Thư viện khoa học tổng hợp Thành phố phụ trách phần triển lãm và giới thiệu tài liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam với hơn 300 đầu sách các loại tại khu vực “Sách và chủ quyền đất nước”.

Đường sách còn dành riêng một khu vực cho bạn đọc thiếu nhi với chủ đề “Truyện tranh Việt Nam trên con thuyền tri thức”, toàn bộ nơi này được bố trí hướng đến các em thiếu nhi như khu sách chủ đề biển đảo được tạo hình con thuyền cùng các nhân vật chính trong bộ sách “Thần đồng Đất Việt” khẳng định chủ quyền biển đảo.

Du lịch, GO! tổng hợp