Những ngày giáp Tết Nguyên đán, người Cao Thôn (Bảo Khê, Hưng Yên) lại hối hả sản xuất hương thơm đón mùa thu hoạch lớn nhất trong năm.

< Về Cao Thôn những ngày giáp Tết: không khí làng nghề thật sôi động cảnh người phơi hương, cảnh người đang làm hương trong xưởng…

Nghề làm hương ở Cao Thôn (Bảo Khê, Hưng Yên) đã có từ rất lâu. Hương xạ Cao Thôn vốn là sản phẩm truyền thống đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Hưng Yên và nhiều tỉnh lân cận. Trải qua bao thăng trầm, hương Cao Thôn vẫn giữ được những đặc tính mà ít loại hương nào sánh được. Hiện nay, cả làng có khoảng hơn 100 hộ dân còn làm hương.

< Hương Cao Thôn có nhiều loại như: hương que, hương vòng… nhưng tất cả đều có mùi thơm đặc trưng, thoang thoảng mà nồng nàn chứ không sực nức như nhiều loại hương khác.

Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là dây keo được mua từ Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa... và cả trong miền Nam.

Dây keo được nghiền thành bột, sau đó trộn lẫn với các loại thảo mộc như: xuyên đại hoàng, xuyên quy, trắc bách diệp, hoàng đàn, tùng bạch chỉ, đinh hương, mỏ quạ. Tùy từng thợ mà cho ra các loại hương với mùi thơm khác nhau do cách pha chế của mỗi người mỗi khác.

< Những ngày giáp Tết Nguyên đán, hương Cao Thôn được bày bán trên Quốc lộ 39 với những gian hàn đủ loại các loại như: hương quế, hương đen, hương vòng, hương đậu tan...

Hầu hết các công đoạn từ pha chế thuốc, se, nén đều phải tiến hành bằng phương pháp thủ công. Các công đoạn đòi hỏi sự chú tâm của người thợ, phải thật đều, thật chuẩn xác thì sản phẩm mới như ý. Nén hương làm xong được đem phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm...

< Làng nghề làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu nổi tiếng có từ lâu đời.

Trong khi đó, tại làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) hoạt động hết công suất trong thời điểm sản xuất tăm hương sôi động nhất trong năm.

Nghề làm tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu - Ứng Hoà - Hà Nội nằm sát quốc lộ 21B, cách trung tâm Hà Nội 35km, là nghề truyền thống từ lâu đời. Lúc đầu chỉ là nghề phụ, làm trong lúc nông nhàn, hiện tại nghề làm tăm hương đã thu hút 70% số hộ dân tham gia, đem lại nguồn thu nhập chính cho gần 3.000 hộ dân.

Ngày thường mọi người làm đến 17g chiều thì nghỉ, nhưng dịp này nhà nào cũng phải tăng giờ làm lên 1 hoặc 2 giờ mới đủ hàng giao cho khách. Hai năm trở lại đây thị trường tăm hương tròn phát triển mạnh, người dân chuyển qua sản xuất mặt hàng này khá nhiều. Sở dĩ có sự thay đổi này do tăm hương tròn sử dụng cây vầu để làm nguyên liệu vì đây là loại cây dễ cháy, không bị đứt đoạn khi cháy và mang lại thu nhập cao.

Tăm hương tại Quảng Phú Cầu được phân thành hai loại: tăm hương xuất khẩu và tăm hương nội địa. Với tăm hương xuất khẩu, người dân sử dụng công nghệ sản xuất bằng máy để cho ra loại tăm hương tròn, đều, bóng. Riêng tăm hương nội địa thường sử dụng bằng nứa, làm thủ công chẻ bằng tay, loại tăm này không nhất thiết phải tròn, có thể chẻ vuông, trước khi chẻ phải ngâm nứa hai tháng để tránh bị mọt.

< Sắc màu rực rỡ của hàng trăm bó hương phơi bên dọc đường thôn Phú Thượng

Vầu khi mua về sẽ được cắt khúc và chẻ ra nhiều lát, phơi khô chừng 10 ngày sau đó xoa nhẵn, cắt cho đúng kích cỡ và cung cấp cho các cơ sở sản xuất hương trầm. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở tại Thủ đô, tăm hương Quảng Phú Cầu còn xuất khẩu chủ yếu sang sang Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước có nền Phật giáo phát triển, nhu cầu thắp hương lễ chùa cao.

Làm tăm hương đòi hỏi kỹ thuật nhưng lại rất dễ học, người già, trẻ đều có thể làm được, đây là một công việc nhẹ nhàng không đòi hỏi nhiều sức khoẻ, mang lại thu nhập cải thiện cuộc sống nhiều gia đình.

Theo Giáo Dục, Tuổi Trẻ
Du lịch, GO!