(PL&XH) - Cuối con đường độc đạo cheo leo lưng trời, khi cảm giác háo hức của những người đi trên xe chuyển sang lo sợ, thì bỗng một vách núi nhô ra chắn ngang, tạo nên cánh cổng thiên tạo.
Đó là lúc bạn đã đặt chân đến cổng trời- Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).

Ẩn hiện cổng trời 

Từ thị trấn Mường Xén, muốn vào Mường Lống phải đi tiếp 50km nữa. Cũng chỉ duy nhất con đường nhỏ, vắt ngang giữa núi rừng dãy Puxailaileng hùng vĩ này.

Những năm 90 của thế kỷ trước, vùng đất  Mường Lống này ngập tràn cây thuốc phiện, bởi khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây rất thích hợp với loại cây này. Đến mùa thu hoạch người lạ tìm đến bản, thu mua rồi đưa về xuôi và nơi đây trở thành thủ phủ của thuốc phiện ở tỉnh Nghệ An. Nhưng về nguồn gốc thì kể cả những người già nhất nơi đây, cũng không ai nhớ nổi loài cây có vẻ đẹp quyến rũ chết người này đến với bà con từ khi nào. Người ta chỉ biết và lưu truyền câu chuyện cổ tích, về loài cây này trong dân gian nửa thực, nửa hư. Dòng nhựa đặc từ những trái cây này, là hiện thân của cô công chúa bị tổn thương với nhan sắc xấu xí của mình. Có vẻ lời nguyền “sẽ bắt những chàng trai phải say đắm và đau khổ vì ta” đến nay vẫn chưa giải được. Bởi vẫn còn đó sự đau khổ của nhiều người với loài cây ma quái này.

Con đường càng trở nên hun hút trong sương trắng đậm. Xe của chúng tôi vẫn lầm lũi trên con đường ngoằn ngoèo bám vào núi, phía bên trái là bờ vực sâu hun hút. Suốt đường đi, chúng tôi không gặp chiếc xe nào ngược chiều. Thi thoảng lác đác một vài đồng bào dân tộc Mông cùng với chú ngựa thồ những sản vật địa phương mà chúng tôi đoán rằng trên đường ra chợ. Xe bắt đầu vượt qua một con dốc dài, thẳng tắp. Lên đến đỉnh dốc, bất chợt xuất hiện hai cánh núi như cánh cổng giữa trời, chắn ngay phía trước mặt.

Hiện lên trong sương mờ, là một cây cột Angten tiếp phát sóng truyền thanh sừng sững. Một căn nhà nhỏ khép mình bên vách đá, ánh đèn điện phát ra xua tan cảm giác đơn độc giữa lưng trời lạnh lẽo. Chúng tôi dừng lại, bước ra ngoài xe. Một giọng nói vang lên phía trước: “Xin chào đến cổng trời Mường Lống”.

Nhìn kỹ, mới thấy một người với chiếc mũ bông trên đầu đứng cách chúng tôi chỉ gần chục mét. Anh cho biết tên là Xá Ngọc Oanh, trực ở trạm thu phát sóng này, để đảm bảo cho bà con không bị gián đoạn chương trình phát thanh truyền hình.

Chúng tôi theo anh vào phòng, sương mù trắng đục ùa theo chân phủ đầy căn phòng có diện tích chưa đầy 20m2. Lạnh, nên tất cả đều đứng với tách trà nóng để nghe anh kể về ngày xưa. Tuy chưa có điện lưới, bà con đang phải dùng “cù điện” (một dạng thủy điện mi ni) để lấy điện cho sinh hoạt. Nhưng cuộc sống của dân bản đã khá hơn kể từ khi có con đường này”. Cũng theo anh thì cái ngày xưa đó, từ đây muốn đi ra thị trấn Mường Xén phải mất 2 ngày đường. Chúng tôi chia tay anh, tiếp tục đi vào thị tứ Mường Lống.

Vừa qua khỏi cổng trời, một khung cảnh hoàn toàn trái ngược đến lạ kỳ. Phía bên này không hề có sương mù, thị tứ Mường Lống với hàng trăm ngôi nhà, nằm san sát như bát úp vào lưng đồi hiện rõ. Nhìn từ trên cao xuống, chỉ thấy cơ man một màu hoa mận nhỏ trắng muốt, vươn mình kiêu hãnh đung đưa trong giá lạnh xen lẫn với màu nâu của ngói nhà.

Xe chúng tôi dừng lại ở thị tứ, những ngôi nhà trệt đặc trưng của đồng bào Mông chỉ hé cửa vì trời lạnh. Những cây mận Tam Hoa đang thời kỳ trổ hoa trắng xóa. Xen lẫn là đào, cũng lác đác nở những nụ sớm đón xuân.

Một người bước ra chào khách và mời đoàn chúng tôi vào nhà. Anh là Lầu Chờ Chềnh, Chủ tịch Hội nông dân xã Mường Lống. Trong nhà, bếp lửa đang bập bùng cháy. Đang có khoảng 10 người, quây quần bên chén rượu với thịt chồn rừng. Rượu nếp, thịt chồn cộng thêm sự mến khách của gia chủ nên rượu cứ rót và nâng li.

Trong bữa tiệc dân dã miền sơn cước này, tôi đặc biệt chú ý đến một loại bột màu đen, cay pha lẫn vị hoang hoải núi rừng. Chủ nhà giải thích cho chúng tôi biết đây là hạt tiêu rừng, đồng bào ở đây gọi là Xa Cho. Anh cho biết thêm vào chừng tháng 4, khi trái Xa Cho chín, bà con hái về treo vào gác bếp.

Để ngày qua ngày, quả được hong khô đong đầy mùi khói bếp. Lúc nào ăn, đồng bào vặt trái xuống vùi vào tro nóng, rồi cho vào cối giã nhỏ. Thứ bột này trở thành một gia vị không thể thiếu của đồng bào Mông trong bữa ăn hàng ngày. Hóa ra việc thưởng thức gia vị của bà con, cũng không kém công phu. Lúc này tôi mới để ý đến những chùm quả Xa Cho lủng lẳng treo đầy nơi gác bếp.

Khi chén rượu nếp bắt đầu ngấm, chúng tôi được ông Lỳ Pà Chò, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống dẫn đi. Đưa tay chỉ những gốc mận Tam Hoa, ông say sưa kể về thời kỳ vận động bà con phá bỏ cây thuốc phiện.

Ông nói: “Đây là thời kỳ mà cuộc sống của dân bản gặp rất nhiều khó khăn, bởi từ xưa đến nay người Mông chỉ biết trồng cây thuốc phiện để bán. Nên công cuộc vận động phải mất mấy năm trời mới xong”. Bước chân chậm lại, ông nói tiếp: “Do đường sá vào đây còn khó khăn, nên khi thu hoạch mận Tam Hoa cũng không biết bán cho ai. Nhưng kể từ khi có con đường vào đến tận bản, thì quả mận mới bán được”. Cũng theo ông, bây giờ mỗi cây mận cho 40 - 80kg quả. Thương lái vào tận bản và mua với giá khoảng 10.000 đồng.

Tiếp tục dẫn chúng tôi lên một cái hang rộng, sâu nằm cách bản không xa. Đây là một quả núi đứng chơ vơ, phía trên cây cối um tùm. Ông nói: “Đây là hang Tù. Ngày xưa, những người Mông ta chống đối lại sự áp bức của giặc Pháp đều bị nhốt ở đây”.

Đang miên man theo lời kể của ông cựu bí thư xã về miền ký ức, thì một người mẹ trẻ, địu trên lưng em bé đang ngủ bước tới. Trang phục đỏ trắng truyền thống của người Mông, xuất hiện giữa một vườn hoa mận trắng trong một chiều lạnh, phảng phất mây ngàn làm cho tất cả không khỏi sững sờ.
Không ai bảo ai, tất cả đều đưa máy ảnh lên...

Nuối tiếc Mường Lống

Sau khi nói chuyện với người mẹ trẻ bằng tiếng Mông, ông Lỳ Pà Chò quay sang chúng tôi nói: “Nó mới được “bắt” về làm vợ năm ngoái đó..”.

Vốn đã nghe nhiều về cái phong tục “bắt vợ” tồn tại ngàn đời của người Mông, nhưng thật ra chúng tôi cũng chưa hiểu rõ về nó. Bởi nếu xét theo góc độ pháp luật hiện hành, thì việc “bắt vợ” có gì đó chưa ổn, còn không muốn nói là vi phạm pháp luật nữa. Nên tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên, xen lẫn háo hức nghe ông giải thích rõ hơn về phong tục này.

Ông nói, phong tục “bắt vợ” có từ ngày xa xưa, người con gái nào được “bắt” thì mới có “giá”. Những người siêng năng, khỏe mạnh và giỏi giang, khéo léo biết thêu thùa thì sẽ có nhiều chàng trai bản để ý và muốn “bắt” về làm vợ. Nên mỗi buổi chiều, khi mặt trời đã khuất sau núi, con gà đã về chuồng thì phía sau nhà những cô gái này có nhiều đám thanh niên, trai bản tụ tập. Đêm đến, tiếng thập thịch và những bước chân đi lại của các chàng trai, họ đang theo dõi cô gái mà mình thích có phải người đảm đang không?

Đêm khuya, là lúc các chàng chọc qua khe những tấm thưng giữa phòng ngủ, tiếp đến tiếng xì xào nhè nhẹ trong đêm tối. Nếu cô gái ưng cái bụng với chàng trai đó, thì họ trao nhau vật làm tin. Rồi gặp nhau bàn cách, sắp đặt để nhà chàng trai tổ chức “cướp” về làm vợ. Sau khi “cướp”, đại diện nhà trai sẽ thông báo cho gia đình bên nhà gái. Bên nhà gái sẽ hẹn ngày mang lễ vật sang để tổ chức lễ cưới. Lễ vật cưới của người Mông cũng rất đơn giản, có thể là hai nén bạc trắng và một con lợn, chủ yếu là để tỏ lòng biết ơn gia đình nhà gái mà thôi.

Ngừng lại một lát ông Lỳ Pà Chò nói tiếp: “ Người Mông ta quan niệm rằng, dù người con gái có thích hay không, thì lúc bị bắt ra khỏi cửa chính nhà mình rồi không được quay về nữa”.

Nghe xong và hiểu rõ hơn về phong tục “bắt vợ”, tất cả chúng tôi đều suy tư lặng lẽ. Có thể quan niệm không được trở về sau khi “bắt vợ” của người Mông là sự ràng buộc, là trách nhiệm của người vợ với nhà chồng. Nhưng cũng có thể chính quan niệm này, mà người con gái Mông không có nhiều sự lựa chọn. Và biết đâu, những chiếc lá ngón trên rừng là lối thoát cho những cô gái Mông bị rơi vào sự đã rồi?

Khi những bước chân chậm rãi của chúng tôi đi qua một ngọn đồi thấp, có hình yên ngựa để trở về trung tâm bản, bỗng nghe tiếng gõ leng keng rất vui tai phát ra từ ngôi nhà ẩn mình sau vườn mận Tam Hoa.

Tất cả đi về hướng đó và không khỏi ngạc nhiên, xen lẫn thích thú trước cảnh hàng trăm con gà tây, lông xoắn tít chạy ào ào theo tiếng gõ vào máng thức ăn của chủ nhà. Mỗi con dễ chừng có trọng lượng khoảng 4 - 5 kg. Thế mới biết đồng bào Mông không chỉ nuôi những gia cầm truyền thống, mà họ còn nhạy bén, mạnh dạn nuôi những loại giống mới, phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao nữa.

Chiều đã bắt đầu xuống trên những đỉnh núi, dù rất muốn ở lại nhưng chúng tôi đành chia tay Mường Lống, để trở về trước khi trời tối.  Qua những câu chuyện của ông Lỳ Pà Chò kể, cũng như những gì mà chúng tôi tận mắt chứng kiến, thì Mường Lống bây giờ đã khác xưa nhiều lắm.

Rõ ràng trong sự đổi mới này, có sự tác động rất lớn của các chính sách Nhà nước, dành cho đồng bào dân tộc nói chung và Mường Lống nói riêng. Song song đó, phải kể đến chính nội lực của đồng bào Mông nơi đây. Họ hoàn toàn không ỷ lại sự trợ giúp của Nhà nước, mà tự mình vươn lên mạnh mẽ.

Lúc xe chuẩn bị vượt qua cổng trời, tất cả chúng tôi đều tiếc nuối ngoái đầu nhìn lại. Bởi với thời gian ít ỏi, nên vẫn còn nhiều điều về vùng đất này mà chúng tôi chưa kịp biết.  Dù trời đang rét đậm, nhưng hoa đào đã bắt đầu nở phía sau cổng trời và báo hiệu mùa xuân đã về tới vùng đất này.

Theo Thế Sơn (Pháp Luật & Xã Hội)
Du lịch, GO!

Mường Lống - Một Sapa giữa miền trung nắng gió
Phủ Mường, gái đẹp và mây rợn người