(SGTT) - Theo thoả thuận ban đầu, trong buổi sáng, cô dâu phải thay đồ sáu lần: bốn bộ soirée và hai bộ áo dài. Nhưng mới chỉ 10 giờ sáng, sau một tour ôm váy cuốc bộ từ khu Garden Court 1 đi qua bãi cỏ khu Mỹ Giang, xuống cầu Thầy Tiêu 2, ghé Cham Charm, cả cô dâu Thuỷ và chú rể Hùng đều đẫm mồ hôi trán, vừa hút vội hai hộp sữa tươi vừa năn nỉ thợ ảnh của studio H. dừng lại ở hai bộ soirée và một lần thay áo dài.

Đồng hồ chỉ 10 giờ. Cuối tuần. Nền trời xanh nhưng gắt nắng. Toàn, thợ ảnh đội nón bêrê, tóc buộc đuôi ngựa, mặc quần jeans rách gối đưa họ lên một gò cao, cho người giặm lại phấn, bố trí người đánh đèn đâu vào đó, rồi ra lệnh: “Nào, môi chạm môi, mắt nhìn nhau say đắm cái coi. Rồi, hôn đắm đuối đi!”

Thiên đường ảnh cưới

Ở công viên hồ Bán Nguyệt (Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM) vào sáng thứ bảy, đâu đâu cũng thấy xúng xính áo xiêm, cảnh diễn xuất của những diễn viên không chuyên là cô dâu chú rể tương lai dưới chỉ đạo diễn xuất của những thợ chụp ảnh cưới. Mỗi ngày cuối tuần vào mùa cao điểm, ở công viên hồ Bán Nguyệt có hơn năm mươi cặp đến chụp ảnh cưới. Từ lâu, công viên này vẫn được xem là nơi có khung cảnh đời sống phồn vinh, sang trọng, hình thành từ những con đường vắng có nhiều cây xanh, hoa nở, những công viên có lạch nước nhân tạo, bãi cỏ xanh mướt như nhung, những dãy hành lang dọc những khu thương mại và hàng quán thoáng đãng, đẹp “như bên Tây”!

Mượn chiếc máy ảnh khủng đeo lủng lẳng trước ngực, trong vai một người khảo sát giá cả để mở dịch vụ chụp ảnh cưới, tôi gặp ông Thảo, chủ của hơn mười chiếc xe đạp gắn hoa các kiểu xếp ngay ngắn trên vỉa hè: “Thuê xe đạp hoa, giá 60.000 đồng/30 phút, thuê xe lôi, xe đạp cuộc, sườn ngang, xe đạp kiểu cổ, giá 100.000 đồng”.

Thấy vị khách tiềm năng có hơi tần ngần, ông Thảo nói thêm: “Đừng lo. Kinh nghiệm lâu nay, 30 phút là diễn vô tư, chụp ra cả đống ảnh”, rồi còn dặn: “Thứ bảy, chủ nhật thường thuê xe chụp ảnh cưới đông lắm. Nhưng đừng lo, chỗ tui không khi nào thiếu xe”.

Trong khi đó, bên khu Mỹ Hào, có mấy cặp đang xúng xính váy xiêm diễn một số hoạt cảnh lãng mạn, chỗ này thì đèo nhau tung hoa, chỗ kia thì hôn nhau trên xe đạp.

Còn các “nhiếp ảnh gia” lăn lê bò toài thi nhau nhả cò. Hai nhân viên make up đang giặm phấn cho một cô dâu ở góc càphê Maverick trên đường P. Ly nước ép trái cây mà cô vừa gọi xem ra là để chiếu lệ, coi như trả tiền thuê toilet quán để thay đồ.

“Lãng mạn thì không miễn phí!”

Hưng, một tay máy bốn năm trong nghề chụp ảnh cưới nói như thế. Và đó cũng là lý do nhiều cặp thích chọn cửa sổ Maverick, một quán càphê trước đây hai năm vắng lặng như tờ, mỗi ngày không quá mười khách, vậy mà gần đây, những ai thích sự yên tĩnh của ngôi quán này phải né đi nơi khác vì bị những êkíp chụp ảnh cưới quấy rầy.

Ngoài lý do có toilet sạch sẽ để cô dâu chú rể thay đồ, quán này còn có cái cửa sổ khung gỗ đẹp, lọt vào ý tưởng ảnh cưới đầy bay bổng của những tay máy thích vẽ chuyện.

Mà bây giờ đâu chỉ có Maverick, những quán vỉa hè khác ở quanh khu vực hồ Bán Nguyệt như Golf, Vnrealty... cũng trở thành điểm tập kết của những êkíp dịch vụ ảnh cưới. Những chủ quán không thu tiền chụp ảnh cưới trong quán, nhưng bù lại, từ cô dâu chú rể đến nhân viên phải gọi nước uống, không thể “chụp chùa”.

Không thể “chụp chùa”. Đó cũng là thông điệp mà công ty bảo vệ Phú Mỹ Hưng nhắn gửi rõ ràng đến những nhà dịch vụ chụp ảnh cưới khi dẫn khách vào bên trong công viên hồ Bán Nguyệt “tác nghiệp”.

Bốn phía cổng công viên này đều có bảng đề: “Quay phim, chụp hình cưới vui lòng đăng ký tại đội bảo vệ Phú Mỹ Hưng, đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phú, quận 7, ĐT: 08541131...” Nhưng chị Trắng, một người bán nước giải khát “di động” trong công viên mách nước khi nghe nói tôi sắp mở dịch vụ chụp ảnh cưới: “Đừng gọi chi cho mệt, cứ vào chụp thoải mái.

Nếu là chụp ảnh cưới thì mấy ổng (bảo vệ) không để cho anh thoát đâu, họ sẽ tự tìm tới thu tiền ngay, mỗi phiếu cho một buổi chụp 200.000 đồng.

Câu nói của chị Trắng xem ra hiệu nghiệm liền. Khi một êkíp dịch vụ hình cưới vừa dẫn đôi cô dâu chú rể mặc khăn đóng áo dài lên cầu Ánh Sao chuẩn bị chụp, thì hai nhân viên nữ cầm xấp phiếu xuất hiện thu tiền. Anh bạn nhiếp ảnh gia râu rậm nói: “Hồi sáng tui đã đưa cho ông B. bảo vệ rồi. Để tui tập trung sáng tác coi”. Hai cô gái (có lẽ là nhân viên công ty bảo vệ) xìu mặt, bỏ đi.

Không thành công cũng thành... album

“Được cái ở bên này tương đối vắng, có cây xanh, mát mẻ, nhiều cặp nhát nhát vẫn chịu khó diễn. Chứ ra những chỗ đông đúc như nhà thờ Đức Bà, công viên trung tâm Sài Gòn, nhiều cặp cứ sượng sùng, mất thì giờ lắm” – Tình, một nhân viên make up nói.

Thường thì một bộ ảnh ngoại cảnh ở Phú Mỹ Hưng được bố trí ở một số điểm chính: cảnh có màu sắc phố phường, các thợ ảnh thường bố trí chụp ở hành lang khu Garden Court 1, 2, Garden plaza 2, cảnh thơ mộng làng quê sông nước có mấy ao sen, gò đồi, bụi chuối, cây cầu trong công viên hồ Bán Nguyệt, và dĩ nhiên, không thể thiếu cảnh cầu Ánh Sao hay góc toà nhà Cham Charm. Những cặp chịu khó diễn hơn, thì được bố trí cho lội sình, lủi vào trong vạt vỏ tranh ở bên cạnh khu Mỹ Giang 1 cho có màu hoang sơ.

Một tay máy của dịch vụ áo cưới G.H ở Phú Nhuận vừa canh máy vừa nói: “Năm nay, khách chọn giá bèo lắm. Phổ biến gói album chụp ngoại cảnh Phú Mỹ Hưng là 6 – 7 triệu đồng, nếu bao luôn trọn gói (album, áo, trang điểm, ảnh cưới nữa, thì giá 10 – 12 triệu đồng là nhiều)”.

Trong khi đó, Lý, làm ở studio H.H ở tận Hóc Môn phân tích: “Giá cả đôi khi còn tuỳ vào vị trí của studio nằm ở đâu. Rõ ràng studio nằm ở Hóc Môn thì giá bao giờ cũng phải mềm hơn các studio ở quận 1, quận 3. Nhưng xu thế năm nay, khách thích chụp ngoại cảnh như ở Phú Mỹ Hưng và điểm mới là càphê Country Houses (Gò Vấp). Hai điểm này vừa có cảnh hiện đại, vừa có thiên nhiên, cây cỏ, nói chung là vừa thơ mộng, vừa hiện đại”.

Trên cầu Ánh Sao, buổi trưa chang chang nắng, nhân viên make up liên tục đệm, bồi phấn cho một cô dâu vì mồ hôi ra quá nhiều. Chú rể thì đứng chờ, mặt ỉu xìu. “Nào – “nhiếp ảnh gia ảnh cưới” nói – tung áo đi... chưa được... cô dâu phải nhìn lên phía này... còn chú rể mặt tươi lên, chạy vòng quanh cô dâu vui mừng đi, hớn hở hết cỡ đi...” Trong khi đó, trên gò đất cao, một chú rể Tây đang bế cô dâu Việt, cả hai đổ mồ hôi nhễ nhãi trong màn diễn “tung bay đi, bồng bềnh đi” mãi không đạt ý của “xì tai lít” (stylist) kiêm nhiếp ảnh gia khó tính của studio ảnh cưới.

Tiếng tách tách màn trập máy ảnh đánh liên hồi cùng tiếng chỉ đạo diễn xuất vang lên khắp nơi trong công viên hồ Bán Nguyệt vào cao điểm mùa cưới. Tất cả vì một album đẹp lộng lẫy như thiên đường, dù biết sau đó, nói như một thợ ảnh cưới lâu năm, “đa số thì phi Photoshop bất thành album”.

Theo Sàigòn Tiếp Thị
Du lịch, GO!

Khách quan mà nói thì Phú Mỹ Hưng có khung cảnh rất tuyệt nhưng không bằng như dăm năm trước, thuở mà các nền kinh tế của ta và thế giới đang phi nước đại.
Công viên vẫn xanh nhưng nhiều công trình đang dần xuống cấp do thiếu tu bổ. Những tia nước huyền thoại của cầu Ánh Sao không được phun ban đêm ngoại trừ ngày tết (không biết ban ngày, lúc cho người ta thuê chỗ chụp đang cưới thì sao) mà nước không phun thì cầu cũng không còn đẹp đẽ gì. Nơi đây ít thùng rác (nhiều công viên kề cận tìm bỏ chút rác nhỏ cũng không ra bèn phải bỏ vào túi đem về), đèn trên đường Nguyễn Văn Linh hư hỏng rất nhiều khiến nhiều đoạn tối tăm...
Mong rằng PMH sẽ khắc phục được những khiếm khuyết nhỏ này để nơi đây ngày càng đẹp hơn.