Mả Cao Biền chỉ là một gò cát và đất sỏi đá nhô lên như một ngọn đồi thấp. Trên đỉnh đồi có một cồn cát nổi cao, trải qua bao nhiêu năm tháng cùng “tuyết nguyệt phong sương” vẫn giữ nguyên không hề bị xói mòn.


< Mả Cao Biền ở Tuy An.


Dân chúng thôn Đồng Môn xã An Hải (Tuy An) cho đó là do phép yểm khí làm cho cồn cát cứ tụ lại mãi. Tuy vậy đây chỉ là lòng mê tín dựa trên truyền thuyết chứ người dân không thể đưa khoa học ra để giải thích (Cát cứ tụ thành cồn là do gió Nồm Nam hàng năm thổi từ biển đưa cát vào, vun lên thành ngọn).


Đứng trên chóp đỉnh mả Cao Biền nhìn bốn hướng thì phía đông là biển, phía tây là dãy đồi thoai thoải tiếp giáp với đầm Ô Loan, phía bắc là làng mạc của cư dân nằm rải rác dọc theo sườn đồi, còn phía nam giáp với các làng Diêm Hội và Phú Thường thuộc xã An Hoà, dân cư đa phần làm nghề biển.

Tuy có tài yểm long điểm huyệt, có tài điều khiển âm binh, nhưng cuối cùng Cao Biền cũng bị thất bại theo như quan niệm chữ Nhân Đức của dân gian:

Cao Biền táng  tại Đồng Môn
Trên sơn, dưới thuỷ trời chôn Cao Biền.


Các đôi trai gái bày tỏ sự nhớ thương, cách trở cũng mượn mả ông Cao Biền để giải bày nỗi lòng của mình, đồng thời mượn địa danh mả Cao Biền như là tác nhân gây ra cảnh phân ly giữa đôi trai gái kia:

Ngó ra ngoài mả Cao Biền
Thấy đôi chim nhạn đang chuyền cành mai
Cây oằn vì bởi trái sai
Anh xa em vì bởi ông mai nhiều lời.

Nhân vật Cao Biền được đề cập tới dưới nhiều dạng thức khác nhau, mà mở đầu là những câu ca dao có liên quan đến các địa danh và truyền thuyết gắn liền với nó:


Ngó ra thấy mả Cao Biền
Ngó vào thấp thoáng Ma Liên, Chóp Chài.

Theo truyền thuyết thì mả Cao Biền nằm trên đỉnh đồi cát thuộc thôn Đồng Môn, xã An Hải huyện Tuy An, cách quốc lộ 1A chừng 5 cây số. Từ thôn Phú Điềm xã An Hoà theo đường xã lộ đến Tân An rồi rẽ qua hướng Bắc đến làng Đồng Môn. Tại đây có con đường liên xã, rẽ theo hướng Đông khoảng 1 cây số nữa là đến ngọn đồi có mả Cao Biền. Ngọn đồi này toàn đất sỏi, đá dăm không có cây có tán lá rộng mà chỉ là những lùm bụi gai mọc lúp xúp. Trên đỉnh đồi nhô lên một cồn cát cao và cứ tồn tại theo thời gian, bất chấp cả bão to gió lớn, cồn cát này không bao giờ bị mất đi.


Từ sự tích Cao Biền, người dân nơi đây đặt ra bài vè như sau:

Cao Biền từ thuở nhà Đường,
Biệt tài địa lý, thạo luôn phép màu.
Bút thần biết ở cung sâu,
Xin vua chọn bút ngõ hầu mưu toan.
Vẽ diều rồi điểm mắt Loan,
Cỡi chim vượt núi phương Nam đi tìm.
Hàm long, Long đổ  kỳ duyên,
Trấn yếm linh huyệt giữ quyền trị dân.
Tiếng đồn lan khắp xa gần,
Nơi này biết được hợp quần cùng lo.
Mua cung lớn, sắm ná to,
Chờ cho Biền đến bắn cho nát diều.
Thế rồi đến một buổi chiều,
Họ Cao ngất ngưởng phiêu diêu lưng trời.
Bỗng nhất loạt, bắn khắp nơi,
Rừng tên vây phủ làm rơi diều thần.
Ô Loan từ ấy hoá thân,
Mắt thành ngọc điệp, vảy chân sò, hàu.
Bộ lông hoá kiếp rau câu,
Tạo nên đặc sản hàng đầu quê ta.
Cao Biền về cõi tha ma,
Nắm xương gửi lại không xa vùng đầm.
Chiếc giày thuở ấy âm thầm,
Rơi trên vách đá bao năm vẫn còn.
Cái mũ thì rớt cao hơn,
Cách mấy hòn núi là hòn Mão đây.


Chuyện cũng kể rằng: Cao Biền trên đường cỡi diều bay về phương Nam tìm long huyệt để trấn yếm, khi ngang qua đầm Ô Loan, ông thấy một thế đất có hình dạng như chim loan, chim phượng, nên từ trên trời cao Cao Biền dùng bút điểm con mắt vào phía mỏm dãy núi Từ Bi để thành hình con chim Loan và dãy đồi phía đông mắt con chim quạ có nhiệm vụ trấn giữ cuộc đất long mạch, không cho phát tích nhân tài trên nước Nam:

Bút thần biết ở cung sâu,
Xin vua chọn bút ngõ hầu mưu toan.
Vẽ diều rồi điểm mắt Loan,
Cỡi chim vượt núi phương Nam đi tìm.

Theo web Phú Yên
Du lịch, GO!