(Vnanet) - Dẫn chúng tôi vào căn nhà thấp của mình, chị Phính giới thiệu thêm về gian phòng mới đã bố trí thêm vài chiếc giường nệm nhỏ để du khách thích leo núi có thể nghỉ chân qua đêm.

< Cô gái Mông làm hướng dẫn viên du lịch.

Chỉ là mái nhà ghép bằng những thanh gỗ, ngửa mặt lên có thể thấy được những dải trời xanh nho nhỏ, vẫn bếp lửa lớn nhất luôn ủ than hồng ở giữa nhà, trên đặt chiếc chảo lớn, bên cạnh là thùng nước chàm nhuộm vải, gác xép gỗ lủng lẳng những bắp ngô, những chùm đậu quả trông rất tạo hình, hấp dẫn...

< Cô bé Sao Mẩy đi bán hàng thủ công trong dịp nghỉ hè.

Những năm trước đây, mặc dù Sa Pa (Lào Cai), "Thành phố trong sương" đã có sức hấp dẫn khá lớn đối với du khách trong và ngoài nước, nhưng đồng bào các dân tộc nói chung và người Mông (chiếm đại đa số dân ở Sa Pa) nói riêng vẫn còn rất mơ hồ về khái niệm "du lịch".

< Chợ thổ cẩm tại Sa Pa.

Từ những sản phẩm thủ công, bán được cho du khách, bất kể Tây hay ta, một đôi chiếc vòng, tấm áo thổ cẩm hay giỏ mận tím đã là niềm vui lớn. Những đặc sản ấy hầu như không được chăm chút là mấy, có sao đem bán vậy.

< Anh Vàng A Sinh với nghề gia truyền sản xuất đồ nữ trang.

Bắt đầu khi có “Dự án phát triển du lịch dựa vào cộng đồng” (năm 2001) do Viện Đại học mở Hà Nội hợp tác với Hiệp hội các Trường Đại học cộng đồng Canada (Community Based Tourism CBT), người Mông ở Sapa đã chập chững học làm du lịch, ban đầu chỉ là tổ chức sinh hoạt trong "Nhà cộng đồng" tại bản làng.
Ở thôn Sín Chải thuộc xã San Sả Hồ, một thôn được chọn thí điểm thực hiện dự án, tuy không nhiều người nói được tiếng Kinh, nhưng từ "cộng đồng" đối với họ là một từ quen thuộc.

Nhà cộng đồng của Sín Chải cũng chỉ là một ngôi nhà gỗ không lấy gì làm rộng, nền đất nện với một vài loại nhạc cụ, công cụ lao động, vài bộ trang phục dân tộc treo xung quanh vách. Chủ và khách cùng ngồi trên những chiếc ghế băng dài.

< Sản phẩm thổ cẩm của người Mông.

Những tiết mục văn nghệ cứ kéo dài, kéo dài mãi rồi kết thúc bằng lời mời rượu giản dị mà khó quên. Những trò chơi truyền thống của người Mông trên bãi cỏ như bắn cung, đi cà kheo, được các chàng trai say sưa biểu diễn. Bạn muốn thử sức ư? Xin mời. Nhưng e là bạn chẳng vượt qua nổi các chàng trai Mông diện áo lanh chàm được đâu! Đi cà kheo ở chỗ bằng phẳng đã khó, ở đây lại là vùng sơn cước.

< Sản phẩm mỹ nghệ của người Mông được làm rất tinh xảo...

Giàng Cho Số, một cô gái trẻ nói tiếng Kinh rất giỏi nói với tôi rằng, tất cả những gì diễn ra ở Nhà cộng đồng đúng như là nó vốn có trong đời sống, chỉ được lựa chọn, sắp xếp lại một chút mà thôi. Nói chuyện với tôi, bàn tay cô gái vẫn xe lanh thoăn thoắt. Và đó cũng là một hình ảnh quen thuộc của Sa Pa, nơi ta luôn thấy ở bất cứ đâu, người phụ nữ Mông với cuộn lanh xe trong đôi tay đảm đang nhuốm màu chàm của họ.

< Người Mông bày bán sản phẩm truyền thống của dân tộc mình trong không gian du lịch Sa Pa.

Những năm gần đây, loại hình du lịch bản làng ở Sa Pa phát triển nhanh và đặc biệt hấp dẫn khách quốc tế. Bà con các dân tộc không chỉ có cơ hội giới thiệu đến du khách những giá trị văn hoá độc đáo mà còn tăng thu nhập, làm giàu. Chúng tôi đến thăm gia đình chị Giàng Thị Phính ở bản Cát Cát (xã San Xả Hồ). Chị Phính cho biết: "Nhờ làm du lịch, bán thổ cẩm mà nhiều gia đình ở Cát Cát đã thoát nghèo, có của ăn của để, nhà cửa khang trang và được tiếp cận với nếp sống mới văn minh hơn".

Dẫn chúng tôi vào căn nhà thấp của mình, chị Phính giới thiệu thêm về gian phòng mới đã bố trí thêm vài chiếc giường nệm nhỏ để du khách thích leo núi có thể nghỉ chân qua đêm...

< Phụ nữ Mông trong trang phục truyền thống.

Vẫn mái nhà ghép bằng những thanh gỗ, ngửa mặt lên có thể thấy được những dải trời xanh nho nhỏ, vẫn bếp lửa lớn nhất luôn ủ than hồng ở giữa nhà, trên đặt chiếc chảo lớn, bên cạnh là thùng nước chàm nhuộm vải, gác xép gỗ lủng lẳng những bắp ngô, những chùm đậu quả trông rất tạo hình.

Cùng hòa nhịp hơi thở của núi rừng là những món ăn quen thuộc của gia chủ người Mông, như páu pò cừ (bánh ngô), páu plậu (bánh nếp), thậm chí họ còn có thể làm vài món ăn đơn giản theo khẩu vị của khách. Alexander M. Cannon, một chàng trai Mỹ ở Việt Nam 7 tháng nhưng đã đến Sa Pa hai lần cho biết: anh thích nhất là ngồi bên bếp lửa uống rượu Sán lùng với trứng nướng thơm và bùi.

Vẫn biết du lịch là một trong những ngành nghề vốn cam go ngay cả ở những đô thị của Việt Nam. Tuy nhiên, sự thay đổi sâu xa hơn mà “Dự án phát triển du lịch dựa vào cộng đồng” này đem lại nằm ở chỗ: ý thức về vệ sinh, giữ gìn môi trường thiên nhiên, môi trường sống và tổ chức sinh hoạt trong gia đình.

< Không gian tầng trên một ngôi nhà người Mông dành cho khách du lịch.

Nhiều người Mông đã tham gia hướng dẫn khách du lịch leo núi, nhất là trong hành trình chinh phục đỉnh Phanxipăng, đồng thời đảm nhiệm việc thu gom các loại rác thải trên đường đi để làm sạch môi trường.

Tất cả mới chỉ là bước đầu trên con đường chuyên nghiệp hoá du lịch, việc người Mông ở Sa Pa tích cực tham gia làm du lịch đã góp phần phát triển kinh tế và xã hội ở nơi đây.

Theo Trần Trí Công - Đinh Công Hoan (Báo Ảnh VN)
Du lịch, GO!