Từ thị xã Gia Nghĩa, du khách đi khoảng 90km về hướng Tp. Buôn Ma Thuột đến TT Ea T’ling, huyện Cư Jút, theo đường tỉnh lộ 4 hướng về huyện Krông Nô hơn 1km đến thác Trinh Nữ. Từ thác Trinh Nữ đi khoảng 8km nữa là đến thác Đray Sap và thêm 6 km là thác Gia Long (theo đường nội bộ nối liền giữa Đray Sap–Gia Long).
Khám phá thác Dray Sáp
Để đến được thác, du khách phải trải qua hàng loạt những cảm xúc khác nhau. Cảm giác phiêu lưu khi đi bộ dưới tán lá của những cây cổ thụ cao vút, to hơn hai người ôm; cảm giác hồi hộp khi vượt qua bãi đá đầy rêu, trơn nhẵn giữa lòng suối. Hay cảm giác mạo hiểm khi lúc leo, lúc luồn dưới những hốc đá cheo leo.
Khi những cảm xúc đó đi qua, bạn sẽ ngạc nhiên đến sững sờ trước bức thành nước hùng vĩ giữa núi rừng Tây Nguyên, ngạc nhiên với hơi nước không những bao tỏa cả khu vực mà còn như mơn man, quấn quýt theo từng bước chân du khách, mang lại hơi lạnh dễ chịu. Ngạc nhiên với hàng trăm cầu vồng lung linh, cái lớn nhất chỉ dài non thước nhưng cũng đủ để du khách cảm thấy mình đang bước vào chốn thiên cung.
Con đường mòn đến DraySap được lát đá, hai bên mép đường được lớp rêu xanh mịn bao phủ. Hai bên đường là những cây cổ thụ hàng trăm tuổi, cao vút, phải hai người ôm mới xuể. Tiếp đó là một chút cảm giác mạo hiểm, hồi hộp khi vượt qua bãi đá nằm len giữa những dòng suối róc rách.
Sau phút dừng chân nghỉ ngơi bên làn suối mát, du khách sẽ tiếp tục vượt sông, men theo những hốc đá cheo leo để tiến dần đến chân thác. Luồn lách qua những gốc cây cổ thụ già chằng chịt dây, rễ đan xen, lên đến đỉnh thác để chiêm ngưỡng được toàn bộ sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây.
Sau thác là một hang động khá lớn, trong động chỉ có những khối đá to xù xì, đầy rêu nhưng hầu hết du khách đến đây đều muốn một lần xuyên qua màn nước, vào phía bên trong động để một lần trải nghiệm cảm giác khám phá.
Sau thời gian khám phá thác, du khách đến đây thường ngân nga thư giãn với dòng nước mát lạnh, ngồi đọc sách, câu cá hàng giờ, hay thủ thỉ trò chuyện trong tiếng reo vang của thác, mọi lo âu, buồn phiền như tan biến.
Chặng đường 30 cây số từ thác về đến thành phố Buôn Mê Thuột cũng là những bức tranh đẹp của cao nguyên. Dọc hai bên đường có khi là những vạt hoa cúc dại nở trắng mép đường, có khi là những bụi dã quỳ vàng rực, xa xa là đồng cỏ bạt ngàn. Tất cả đều gợi lên trong lòng du khách những giấc mơ phiêu lưu khoáng đạt.
Thác Đray Sáp theo tiếng tộc người Êđê có nghĩa là thác khói. Theo lời giải thích của người dân nơi đây sở dĩ thác có tên như vậy gắn liền với truyền thuyết nàng H’mi xinh đẹp khi đang ngồi tự tình với người yêu bên con thác thì bị quái vật nuốt chửng biến thành những cột khói khổng lồ, còn chàng người yêu ngày đêm ngồi bên bờ suối than khóc nàng đã biến thành một gốc cây lớn vươn cánh tay lên trời và cắm sâu vào ghềnh đá.
Thác Dray Sáp là một thắng cảnh đẹp nhờ sự kết hợp giữa hai dòng sông Krông Nô và Krông A Na mà người Ê Đê và người M'Nông gọi là sông Chồng, sông Vợ gặp nhau mà thành. Tình yêu của họ mạnh mẽ như dòng thác, đẹp đẽ như sắc cầu vồng ẩn hiện trong làn sương khói nước. Dray Sáp như một bức thành nước khổng lồ, hùng tráng giữa một vùng hoa nước long lanh.
Đây là một trong 3 thác của hệ thống thác trên dòng Serepok, cách không xa đoạn hợp nhất của hai dòng sông Krông Ana và Krông Nô hùng vĩ. Ba dòng thác gồm thác Dray Sap thượng (còn gọi là thác Gia Long) ở thượng nguồn, thác Dray Sap hạ và Dray Nur ở cách 3km về phía hạ nguồn.
Theo KinhnghiemDulich.edu
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.