(SGTT) - Bạn bè lâu năm gặp lại sau ngày ra trường rủ rê nhau quay trở lại Phong Điền để tìm về sông nước miền Tây. Kỷ niệm của thời sinh viên với những ngày đi dã ngoại ở đây như ký ức ngọt lịm của những quả cam mật, cam sành lại ùa về trong trí nhớ.

Chẳng biết cái tên Phong Điền có tự thuở nào và nó có ý nghĩa gì. Một số cụ lớn tuổi trong xã giải thích cho tôi biết, có nghĩa là “miền đất trù phú” theo nghĩa chữ Hán. Cái sự trù phú của vùng đất được chứng minh bằng những cây cam, cây bưởi mà hương vị của nó nức tiếng ở Tây Đô một thời.

Đã có dâu Hạ Châu thay cam Phong Điền

Tỉnh lộ 923 nằm dưới chân cầu Cái Răng cũng đã thay đổi nhiều so với mười năm trước đây. Ngày xưa nó là con đường lổm chổm đầy đá cuội để vào trung tâm huyện thì nay nó là con đường nhựa quanh co chạy giữa những vườn cây ăn trái xanh bát ngát.

Cái màu phù sa đỏ đậm đang hoà cùng dòng nước trong mùa lũ từ thượng nguồn Mekong đổ về như chắt chiu vun đắp cho những vườn cây ăn trái thêm đậm đà hương vị. Như bao đời nay sống trên bầu sữa mẹ ngọt ngào của dòng sông Hậu Giang đầy gió reo, người miền Tây nói chung hay người Phong Điền nói riêng đều sử dụng tàu bè như một phương tiện để giao thương với nhau. Chợ nổi Cái Răng dập dìu những chiếc xuồng ba lá đầy ắp các loại nông sản, trái cây và những nụ cười tươi trong ánh mai.

Thời sinh viên ngày xưa, nhận được những bọc cam sành hay cam mật của anh Minh Trí khi về quê mang lên, bọn chúng tôi tranh nhau giành ăn khen lấy khen để bởi cái hương vị nó thơm và ngọt mát cả lòng. Ấy chẳng phải thế, hương vị cam Phong Điền nức tiếng của cả xứ Tây Đô một thời!

Phong Điền ngày nay đã khác, thay cho những vườn cam trĩu quả là những vườn dâu Hạ Châu đang mở dần thương hiệu bởi những vườn cam lâu năm đang bị hoành hành do dịch bệnh thế kỷ – “vàng lá gân xanh” mà chưa có loại thuốc nào đặc trị. Cái hương vị dâu mà ai ăn cũng phải tấm tắc khen ngon.

Cái tên Hạ Châu như tấm lòng của lão điền nông Lê Quang Minh muốn gửi gắm về vùng đất nằm cuối sông Hậu nhưng trù phú và ấm áp tình người. Mùa trung thu cũng là mùa cao điểm thu hoạch dâu, nô nức gần xa ai cũng kéo đến Phong Điền để thưởng thức loại dâu này. Trên những nẻo đường, cái màu vàng nhạt rực rỡ của nhiều bó dâu từ các quầy hàng bán ven đường đi như vừa khiêu khích vừa gọi mời. Để đủ công suất phục vụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường lân cận, dâu Hạ Châu ngày nay được người Phong Điền xử lý ra trái vụ với ba mùa thu hoạch trong năm: tháng 5, tháng 8 và tháng 1 âm lịch.

Có cả lẩu mùa lũ và… vọng cổ

Nằm đu đưa trên chiếc võng giữa bạt ngàn màu xanh giữa hệ thống sông ngòi chằng chịt, bọn chúng tôi hoà mình vào không khí trong lành của làng quê và quên đi sự bề bộn của cuộc sống. Bài vọng cổ Tình anh bán chiếu và Tần Quỳnh khóc bạn từ máy cassette của nhà ai đó vang lên giữa không gian yên bình nghe ngọt ngào làm sao. Mà cũng ngộ ghê, dường như món ăn “cải lương” ăn sâu vào máu thịt của người miền Tây hay sao đó mà đi đâu ở cái xứ Phong Điền này tôi cũng thấy nhiều điểm hát vọng cổ quần chúng với ban nhạc trịnh trọng hẳn hoi. Để sống trọn một ngày du lịch sinh thái ở Phong Điền, chúng tôi cũng bày trò hát vọng cổ. Bên ly rượu Phong Điền nổi tiếng, dường như ai cũng cố gắng gửi trọn tâm tình vào từng câu vọng cổ mượt mà, dù biết rằng giọng ca của mình không thuộc dạng tròn vành rõ chữ.

Mùa nước lũ về, bọn chúng tôi hay kéo về Phong Điền để ăn lẩu mắm cá linh. Không nổi tiếng về như các tỉnh An Giang hay Đồng Tháp khi mùa nước về, những chú cá linh hay bông điên điển “lọt lưới” trôi dạt về Cần Thơ lại tạo nên một hương vị khác. Có ít ít ăn đôi khi lại cảm thấy ngon hơn là quá nhiều. Cái màu nước lẩu đen đậm đà sôi ùng ục cùng với cá linh trụng vào kèm những loại rau dân dã như hẹ dây, rau chóc, cù nèo, bông súng, so đũa, đọt nhãn lồng… cảm thấy không quên.

Nhưng món ngon nổi tiếng của Phong Điền không phải là lẩu mắm mà là bánh xèo. Như tấm lòng phóng khoáng của người miền Tây, bánh xèo ở đây được đổ một cái to đùng, một người ăn phải ứ hự. Bánh dẻo ở phần giữa nhưng lại cháy cạnh ở phần bìa được cuộn tròn trong lá cải xanh to tướng cùng với lá cách, lá xoài non, đọt sầu đâu, lá lụa… luôn mang đến cảm giác thú vị khi ăn.

Sau chầu sương sương, cả bọn thuê xe đạp vòng vo trong các con đường rợp bóng cây xanh để giải nhiệt. Những chiếc cầu tre vắt vẻo nối nhau qua những dòng kênh như điểm xuyết thêm hình ảnh sông nước miền Tây. Bất chợt câu nói “đi có ên – đi một mình” của cô gái “quê” vang lên khi bước vội qua đầu cầu, tôi cảm thấy ấm áp và quen thuộc như sự chân chất và thiệt thà vốn có của người miền Tây.
Xem thêm >

Theo Chính Ly (Sàigòn Tiếp Thị)
Du lịch, GO!