Trà Ôn - một trong những vùng đất cây lành, trái ngọt của vùng ĐBSCL thơ mộng. Trên bờ là những khu vườn, những dãy cù lao cây xanh trái ngọt, dưới sông tàu ghe chờ đón để mang những sản vật của vùng đất phù sa đến với mọi miền đất nước.

Tuyến giao thông thuỷ qua địa bàn Trà Ôn là đường huyết mạch nối liền giữa Thành phố HCM xuống tận Cà Mau, kênh xáng Lục Sĩ Thành cắt ngang Cù Lao Mây đi tắt qua bờ Tây sông Hậu đến Cái Côn, Ngã Bảy, Phụng Hiệp… đã rút ngắn khoảng cách so với trước. Tại vàm Trà Ôn, ngã tư sông Hậu giáp với Sông Măng Thít và kênh xáng Lục Sĩ Thành, những thuyền thương hồ neo đậu chờ con nước lớn, chờ mối hàng, trao đổi mua bán dần dà trở thành nơi họp chợ: đó là chợ nổi Trà Ôn.

Chợ nổi Trà Ôn thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Chợ nổi là một trong những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng ở một số tỉnh của khu vực Tây Nam bộ như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau... nhưng trong trí nhớ nhiều người, chợ nổi Trà Ôn là một trong những khu chợ tồn tại lâu đời và gắn với nhiều nét sinh hoạt văn hóa của người dân trong khu vực.

Đây là một chợ nổi ở hạ lưu sông Hậu, hiện nay chợ cách vàm Trà Ôn 250 m, chiều dài trên 300 m, ngang chừng 150 m toạ lạc ấp An Thạnh, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn - Cũng là chợ nổi cuối cùng trên sông Hậu trước khi đổ ra biển.

Ghe tàu thường xuyên nhóm chợ nổi khoảng 200 chiếc, còn số vãng lai cũng xấp xỉ chừng ấy, lúc mùa vụ cây trái, rau củ đông ken hoặc dịp Tết Nguyên Đán mật độ tàu ghe mua bán nhiều hơn, có khi lên đến 500 - 600 chiếc. Người mua bán đa số là dân tại Trà Ôn, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh....

Chợ nổi Trà Ôn cũng như bao chợ nổi khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, người bán lẫn người mua đều phải ngồi ghe, thuyền chồng chành sóng vỗ, âm thanh ở chợ nổi rất sôi động và khó tả. Lẫn trong đám ghe lớn đầy ắp hàng hoá là hàng trăm ghe nhỏ, xuồng con, … tiếng gọi nhau í ới của những người mua kẻ bán làm rộn cả khúc sông. Đây là nét sinh hoạt độc đáo trên vùng sông nước, kiếp thương hồ ngược xuôi trên sông nước, tuy cực mà vui và quá đổi thân quen. Hình ảnh này đã đi sâu vào tiềm thức của người dân và trở thành một nét văn hoá trên sông - văn hoá chợ nổi.

Cách rao hàng cũng khá đặc biệt, chủ ghe muốn bán mặt hàng gì thì treo món hàng đó trên ngọn sào dài cắm ở mũi ghe, từ xa dễ dàng trông thấy và là cái độc đáo của chợ nổi - một sáng tạo tiếp thị chỉ có ở vùng sông nước mà người ta gọi là “bẹo hàng”. Chỉ cần nhìn cây bẹo để đánh giá số ghe xuồng tham gia nhóm chợ có đông hay không, hàng hoá buổi chợ có dồi dào hay không. Chợ nổi cũng gần như không thiếu món gì từ nông phẩm đến hàng tiêu dùng, kể cả các món ẩm thực và các dịch vụ khác. Chợ nổi Trà Ôn còn mang tính chất của chợ đầu mối, sản vật ở đây chủ yếu là dừa, chuối, ổi, dứa, cam sành, cốc, bưởi, mít...

Hàng ngày, các loại nông sản tươi nguyên được nhà vườn phân phối cho ghe buôn theo dạng bán sỉ. Chợ nổi Trà Ôn hoạt động cả ngày và đông nhất là vào buổi sáng. Đây cũng là chỗ trai gái tụ tập hát hò đối đáp để quên đi những nhọc nhằn của cuộc mưu sinh vất vả. Cứ thế, chợ nổi Trà Ôn tồn tại và phục vụ người dân cho tới ngày nay.

Mặc cho con nước bồng bềnh, sinh hoạt chợ búa vẫn xôn xao, tấp nập. Sau nhiều ngày thu mua, các ghe rời chợ với những khoang chở đầy hàng nông sản và nhanh chóng bắt đầu chu kỳ mới trên khu chợ nổi. Cây trái bốn mùa, ghe đi, ghe tới, cứ thế chợ nổi vẫn hoạt động liên tục, tô điểm thêm nét hấp dẫn cho thị trấn Trà Ôn thơ mộng.

Du lịch, GO! - ảnh internet