(Eva) - Vùng đất Kinh Bắc thiết tha và thanh bình trong từng câu quan họ của các liền anh liền chị còn khiến người ta muốn ở lại mãi vì những món ăn ngon, thanh đạm, giản dị mang hơi ấm ruộng đồng.

< Bắc Ninh, xứ quan họ.

Chẳng cần đến câu hát “người ơi người ở đừng về” thì khách du lịch mới đắn đo và luyến tiếc khi rời xa Bắc Ninh. Một vùng đất nổi tiếng với câu hát quan họ, với áo mớ ba mớ bảy và chiếc nón quai thao cùng kiến trúc chùa chiền độc đáo đủ để bất cứ ai ghé qua đều quyến luyến.

Đấy là không kể giữa khung cảnh nên thơ đặc trưng Bắc Bộ, thưởng thức những món ngon lấy nguyên liệu từ đồng ruộng: bánh đa, bánh đúc, cháo thái, tương… sẽ cho chúng ta trở lại bản vị nguyên sơ và tuyệt vời nhất, để đến khi chào tạm biệt chỉ có thể thốt lên: Ôi, Kinh Bắc!

Cháo thái

Món ăn này gắn liền với sự tích trạng nguyên Lê Văn Thịnh về thăm Đình Tổ. Do đó, nó có mặt trong các dịp lễ lớn của làng và dần trở thành điểm độc đáo mà không nơi nào khác có được.

Cách nấu cháo cũng đặc biệt không kém cái tên gây nhiều tò mò của nó. Bột gạo xay khô nhào với nước rồi được nắm thành cục to. Nước dùng là nước luộc gà, nước thịt lợn cho thêm thịt gà, thịt lợn… bắc trên bếp cho thật sôi. Sau đó, người nấu dùng dao thái cục bột ra thành từng lát mỏng. Khi cháo chín, cho hành hoa, hạt tiêu, mắm, muối vừa ăn là được.

Cháo thái - đặc sản Bắc Ninh - ăn nhẹ bụng mà rất ngon. Húp từng thìa cháo sẽ thấy mùi thơm béo của nước dùng, cay nồng hạt tiêu và đậm đà gia vị, thoang thoảng hành hoa, nhất là cái mịn như tan đi trong miệng của gạo xay.

Thịt gà, thịt lợn nhừ, bùi càng làm cho cháo thái hấp dẫn và vừa miệng hơn.Cháo thái ngon nhất khi còn hôi hổi nóng, vừa ăn, vừa đổ mồ hôi và hít hà mới thú.

Tương Đình Tổ

Về Bắc Ninh, ở những ngôi nhà còn người già sẽ thấy góc hiên, góc bếp lúc nào cũng có chum tương. Đó là thứ đặc sản mỗi người con Kinh Bắc đi xa lại nhớ. Nhưng thứ tương thượng hạng, ngon nhất là ở xã Đình Tổ (Thuận Thành, Bắc Ninh).

< Tương Đình Tổ là thứ nước chấm khó thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân nơi đây, nhất là khi ăn bánh đúc lạc.

Tương Đình Tổ - đặc sản Bắc Ninh - nhìn là mê ngay, vàng ruộm, mịn sánh và béo ngậy. Tất cả tương ở đây đều được làm thủ công, ủ và cho lên men tự nhiên chứ không dùng chất phụ gia hóa học nào. Ngoài nguyên liệu chính là ngô, người ta còn cho thêm vào đỗ tương và gạo nếp cái hoa vàng để được mẻ tương như ý.

Hương vị thơm ngon, an toàn mà dung dị của thứ tương này đã chiếm được cảm tình của nhiều người. Tuy nhiên, bí quyết làm ra loại tương ngon ấy chỉ được người Đình Tổ truyền trong nội bộ các gia đình.

Điều đáng trân trọng nhất là họ luôn răn dạy con cháu, muốn có tương ngon, phải có cái tâm với nghề, với người.

Bánh đúc lạc

Tương Đình Tổ hợp nhất với bánh đúc lạc. Thử tương rồi, nhất định phải ăn bánh đúc lạc chấm tương mới thấy hết cái tinh túy của chúng bổ sung cho nhau tuyệt vời như thế nào.

< Bánh đúc lạc, món quê mùa nhưng ngon vô chừng.

Chẳng cầu nguyên liệu cao sang, chỉ từ hạt gạo làng quê với sự khéo léo của các mẹ, các chị xứ Kinh Bắc là khiến người ăn mê mẩn thứ bánh nhà quê này. Bánh đúc làm từ gạo tẻ ngâm với nước vôi trong, nghiền nhỏ thành bột cho vào nồi nấu và quấy thật đều tay. Lúc gần được thì cho lạc rang vào trộn đều.

Khi bánh được đổ ra mẹt lót lá chuối, chờ nguội thì xắt từng miếng chấm cùng tương. Bánh đúc lạc Bắc Ninh không nát bấy mà giòn giòn, cầm không hề dính tay, mịn, bóng. Cái bùi của lạc rang, cùng với vị gạo thanh thanh và đậm đà, beo béo của tương hòa vào nhau vừa dung dị, vừa gợi nhiều cảm xúc về một vùng đất rất đỗi bình yên.

Bánh tẻ làng Chờ

Lại là một món ăn nghèo mà ngon nữa của người Bắc Ninh. Bánh tẻ làng Chờ vừa dai, vừa giòn, vừa thơm, vừa mát mà lại no bụng.

Đến một trong bảy làng trong tổng Chờ ngày xưa: Phú Mẫn, Nghiêm Xá, Trung Bạn, Ngân Cầu (thị trấn Chờ), Ngô Nội, Tiên Trà, Phù Lưu (xã Trung Nghĩa) bạn sẽ khó mà quên vị riêng của bánh tẻ.

Nguyên do là bởi ở các làng này trồng được thứ gạo ngon nhất, hợp nhất khi làm bánh tẻ. Do có vị thanh đạm nên bánh tẻ thường được làm vào các dịp lễ tết để giải ngán cho ê hề cỗ bàn.

Bánh tẻ ngon nhất khi ăn lúc còn nóng, từng miếng bánh xắt ra rắn rỏi, đẹp đẽ bởi màu trắng gạo ngon, nhân nổi lên ở giữa. Khi ăn, vừa thấy giòn, vừa thấy vị muối quyện chung nhân béo ngậy, và mùi lá gói ngoài đặc trưng, khác tất cả bánh tẻ ở địa phương khác.

Bánh đa Kế

Nói đến Bắc Ninh thì chẳng thể nào bỏ qua bánh đa Kế. Nó mang đủ trong mình cái hương vị đậm đà của Kinh Bắc. Màu vàng hấp dẫn với mùi thơm ngửi thôi đã thèm và vị bùi, giòn, ngon đến não lòng của bánh đa kế khiến đây trở thành thứ quà không thể thiếu cho ai ghé ngang Bắc Ninh.

Vẫn từ gạo tẻ, thứ nuôi sống từng con người xứ này thôi, nhưng với cách chế biến khác, người dân đã tạo nên đặc sản của riêng mình. Qua bàn tay khéo léo của người làm, vừa phải nhẹ nhàng, vừa dứt khoát lại đều tay, trăm cái như một khi tráng, các mẻ bánh được thành hình.

Rồi sau đó, họ phải quạt để tạo hình yên ngựa cho chiếc bánh. Do làm thủ công bằng than hoa nên người thợ phải có kĩ năng tuyệt vời để cho ra từng chiếc bánh đa kế nở đều, không bị méo. Khi ăn, bánh giòn tan trong miệng, thơm lừng và bùi ngậy lạc, vừng, khoai lang…

Bánh khúc

Từng chiếc bánh tròn nhỏ nhìn ngoài như nắm xôi khiến bao người con đi xa rồi cứ nhớ mãi vị của “hương đồng có nội” này.

Bánh khúc - đặc sản Bắc Ninh - nóng hổi ăn chung với muối vừng hay muối lạc thì khó có món sơn hào hải vị nào sánh bằng. Cái cảm giác dẻo dẻo, khi cắn, thơm mùi nếp ngon cộng với vị bùi mà thanh mát của nhân đỗ bên trong và cái béo ngậy thịt mỡ, thơm cay hạt tiêu thật khiến người ta đê mê, khoan khoái.

Bánh khúc nóng hổi ăn chung với muối vừng hay muối lạc thì khó có món sơn hào hải vị nào sánh bằng. Cái cảm giác dẻo dẻo, khi cắn, thơm mùi nếp ngon cộng với vị bùi mà thanh mát của nhân đỗ bên trong và cái béo ngậy thịt mỡ, thơm cay hạt tiêu thật khiến người ta đê mê, khoan khoái.

Bánh khúc còn được làm với nhân hành khô thơm kết hợp với mộc nhĩ giòn, thêm thịt ba chỉ băm nhỏ, hạt tiêu, rau răm đem lại hương vị khá đặc biệt. Cả hai loại bánh này đều có mùi lá khúc trong vị gạo đặc trưng.

Bánh khúc được làm rất khéo, vỏ mỏng thôi nhưng chẳng bao giờ lộ nhân bên trong. Vì thế, bánh khúc ngon phải do những bàn tay phụ nữ khéo léo, đảm đang nhất mới làm ra. Về Bắc Ninh, ghé qua làng Diềm sẽ được biết đến loại bánh khúc ngon nhất chắc chắn sẽ chẳng bị thất vọng.

Bánh phu thê

Cái tên hạnh phúc của loại bánh nổi tiếng xứ Bắc này cũng là món ăn cầu hạnh phúc thịnh vượng cùa người dân nơi đây. Bánh phu thê xưa kia chỉ dành cho nhà quyền quý giàu có, nhưng giờ đây ai ai cũng có thể thưởng thức vị ngon của nó.

Ẩn bên trong lớp vỏ bánh thô kệch, giản dị là ruột bánh sang trọng, kiêu kì. Bánh vàng trong suốt, lóng lánh lấm tấm vừng bên ngoài nhìn thấy rõ nhân bánh vuông vắn bên trong thật đẹp.

Bánh làm từ gạo nếp với nhiều công đoạn và quy trình phức tạp. Đặc biệt, màu của bánh phải là màu của nước quả chứ không dùng màu hóa học. Bánh phu thê ăn dẻo bột, mà lại giòn đu đủ xanh, cắn sâu vào sẽ thấy vị ngậy bùi mà vẫn rất thanh của đổ xanh nhuyễn với cùi dừa beo béo, vị hạt sen man mát và cái ngọt lan tỏa.

Bánh phu thê làm thủ công, tốn nhiều nhân lực nhưng là thứ khó thiếu trong đám hỏi, đám cưới và nhiều dịp tết lễ của người dân. Tất nhiên, nó còn là món quà đầy ý nghĩa cho bạn bè, người thân nếu bạn đi du lịch Bắc Ninh mới về.
Xem thêm >

Theo Tạ Ban (Eva.vn)
Du lịch, GO!