(TBKTSG) - Du khách đến Bạc Liêu cúng bà Nam Hải thường viếng thăm miếu Chúa Xứ Thủy Tề cách đó không xa. Miếu Bà tọa lạc trên một sở đất rộng, thoáng đãng và sạch sẽ, thuộc phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu. Ngôi miếu này được xây dựng vào năm 1919 bắt nguồn từ những huyền thoại và tín ngưỡng bản địa của cư dân ven biển Bạc Liêu.

Truyện kể rằng, ngày xưa, có nhóm ngư dân giong thuyền ra biển đánh cá, bỗng dưng gặp cơn giông bão, thuyền có nguy cơ bị đắm, các ngư dân trên thuyền hết lòng cầu nguyện, cầu bà Chúa Xứ, bà Thủy Tề có linh thiêng hãy phù hộ độ cho họ được tai qua nạn khỏi.

Mặc dù mưa gió bão bùng, thuyền của các ngư dân này chỉ chao đảo chứ không chìm, lần hồi chống chọi với cơn bão, thuyền của họ cũng cặp bến an toàn. Họ tin rằng, mình được an toàn là do bà Chúa Xứ, bà Thủy Tề phù hộ nên kêu gọi dân làng gom góp tiền bạc, công sức xây dựng ngôi miếu ở nơi thuyền họ cập bến an toàn. Từ đó, nơi đó có ngôi miếu Chúa Xứ Thủy Tề cho đến nay.

Thực ra, đây là dạng tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam có nguồn gốc từ miền Bắc, miền Trung theo dấu chân của những di dân vào Nam bộ. Khi các lưu dân vào khai khẩn vùng đất hoang Nam bộ, họ mang theo trong tâm thức của mình vốn văn hóa cội nguồn của dân tộc, trong đó có cả tín tưởng thờ Mẫu - tín ngưỡng gắn liền với cuộc sống của cư dân nông nghiệp.

Trong quá trình Nam tiến, ở những chặng đường dừng chân, cư dân Việt đã có sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa với các cư dân bản địa. Ở khu vực miền Trung, họ tiếp xúc với một nền văn hóa Chămpa rực rỡ. Đó là tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y Ana (Por Inư Nagar) chính là vị Thánh Mẫu tạo dựng vương quốc Chiêm Thành. Trước vẻ đẹp rực rỡ của một nền văn hóa Chămpa, trước sự vĩ đại, nhân từ của bà Por Inư Nagar, cùng với sự tương đồng về tín ngưỡng, người Việt cảm thấy gần gũi hơn nên gọi Mẹ là Bà Chúa Ngọc.

Đến khu vực Nam bộ, những lưu dân Việt lại tiếp xúc và giao lưu với nền văn hóa Khmer. Trong tín ngưỡng Khmer có tục thờ nữ thần, như nữ thần coi sóc một vùng Néang Khmau (Bà Đen), nữ thần Néang MéSar (Bà Trắng)...

Trước những tín ngưỡng đó, sẵn với những hình tượng mẫu có trong tiềm thức, người Việt đã phủ tín ngưỡng thờ Mẫu của mình lên thần linh bản địa. Vì vậy, họ chấp nhận một pho tượng đá dù biết rằng mình không phải là chủ nhân, sau đó thờ phượng và sơn phết lại cho mang nét nữ tính để phù hợp với tín ngưỡng của mình. Đó là tín ngưỡng thờ Mẫu.

Miếu Chúa Xứ Thủy Tề tuy không lớn nhưng hết sức trang nghiêm, tạo một cảm giác bình an trong lòng du khách. Khi đến đây, điều đầu tiên du khách cảm nhận là cổng miếu được xây rất chắc và đẹp, với dòng chữ miếu Chúa Xứ Thủy Tề ở bên trên. Bên trong cổng là một khoảng sân rất rộng, ước chừng hơn một công đất được tráng xi măng sạch sẽ. Bên tay phải của du khách là miếu Thần Hổ. Bên trái là gian chính điện của miếu.

Miếu được xây dựng khá đơn giản. Mái được lợp ngói đỏ hình vảy cá. Trên mái được chia làm ba lớp theo hình chữ tam. Ở mỗi nóc mái có tượng rồng chầu ngôi bảo tháp. Hàng cột trước gian chính điện được đắp nổi hình rồng đang quấn lấy thân cột. Hai bức vách phía trước của ngôi miếu có đắp nổi hình rồng phượng rất lộng lẫy.

Gian chính điện được chia làm ba gian. Gian giữa là bàn thờ của hai vị Chúa Xứ và Thủy Tề. Tượng hai vị thần này cao lớn, được phục sức lộng lẫy, đặt trong khánh thờ. Trên khánh thờ có buông rèm, trang trí hoa văn, họa tiết làm cho ngôi miếu càng mang vẻ tôn nghiêm hơn. Hai gian hai bên là bàn thờ tả ban và hữu ban. Miếu cũng có đông lang và tây lang. Một bên dùng để thờ các vị phật, như Thích Ca, Địa Tạng..., một bên dùng làm phòng nghỉ cho khách đường xa.

Hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng 3 âm lịch, Ban trị sự của miếu tổ chức lễ vía hai bà. Trong ngày vía này, không chỉ có ngư dân mà còn có dân làng địa phương và du khách gần xa. Tất cả thành kính dâng hương cúng bà, cầu mong hai bà phù hộ cho mình được bình an và khỏe mạnh. Ngoài ngày vía ra, trong những ngày thường, ngôi miếu cũng đón một lượng lớn khách thập phương đến đây tham quan, cúng viếng. Nhất là vào những ngày cúng bà Nam Hải, phòng khách của ngôi miếu lúc nào cũng đặc kín người bởi những đoàn tham quan từ Tp. Hồ Chí Minh cũng như từ các tỉnh trong khắp nước.

Tuy không phải là một ngôi miếu bề thế, nhưng miếu Chúa Xứ Thủy Tề thật sự là một nơi để mọi người gởi gắm đức tin, tìm kiếm sự bình an cho mình. Cho nên miếu Chúa Xứ Thủy Tề không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mà đây còn là một nơi để du khách gần xa đến đây tham quan, chiêm bái, cầu mong chút yên bình giữa cuộc sống xô bồ nơi chốn hồng trần.

Theo Trần Kiều Quang (The Saigon Times) + ảnh internet
Du lịch, GO!