(TTH) - Dưới triều Nguyễn (1802 - 1945), ở Huế có rất nhiều phủ đệ của các ông hoàng bà chúa. Phủ là nơi ăn ở của một hoàng tử và đệ là nơi ăn ở của một công chúa sau khi họ được dựng vợ gả chồng.

< Tam quan phủ Tuy Lý vương.

Các phủ đệ nằm ở những xóm phường yên ả trong Thành Nội và các làng mạc ở ven đô, nhưng tập trung nhất là ở Kim Long, Vỹ Dạ, Gia Hội và bên bờ sông An Cựu. Phủ đệ nào cũng đã được quy hoạch và xây dựng theo nguyên tắc kiến trúc truyền thống, giống như bao nhiêu khu nhà vườn khác trong dân gian.

Một trong những phủ đệ tiêu biểu nhất hiện nay là phủ Tuy Lý ở Vỹ Dạ. Cơ ngơi này đang mang địa chỉ số 140 đường Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế. Tên chính thức của nó là "Tuy Lý Vương Từ" như được ghi trên một bức hoành phi sơn son thếp vàng treo ở ngôi nhà chính bên trong khuôn viên. Bốn chữ ấy có nghĩa là nơi thờ Tuy Lý Vương. Tuy nhiên, dân chúng địa phương thì chỉ quen gọi đó là phủ Ba Cửa, vì ở mặt tiền của khuôn viên phủ này, ngày xưa có đến ba cái cửa: 1 cửa chính và 2 cửa phụ.

< Phủ thờ bà Tiệp dư Lê Thị Ái, thân mẫu Tuy Lý vương trong khuôn viên của phủ Tuy Lý.

Tuy Lý Vương sinh năm 1820, tên thật là Nguyễn Phúc Miên Trinh, con thứ 11 của vua Minh Mạng (1820 - 1840); có tên chữ là Khôn Chương và Quý Trọng, hiệu là Vỹ Dạ và Tịnh Phố. Tuy Lý Vương là tước được vua ban về sau. Năm 13 tuổi, ông đã nổi tiếng giỏi về thơ, cho nên, người đương thời gọi ông là "Ông hoàng thơ".

Năm 1851, ông được giao trông coi Tôn Học Đường là trường học dành riêng cho các con em trong hoàng tộc. Năm 1865, ông được cử kiêm nhiệm chức Hữu Tôn Chánh. Đó là những chức vụ cao cấp trong Tôn Nhơn Phủ, cơ quan quản lý hoàng tộc.


< Án thờ vọng, hoành phi, đối liễn trong phủ thờ Tuy Lý vương.

Năm 1883, sau khi vua Tự Đức thăng hà, ông được triều đình vua Hiệp Hòa ủy nhiệm giao thiệp với tòa Khâm sứ Pháp. Đây là thời điểm phe phủ chiến trong triều đình Huế gây ra cảnh lật đổ các vua nhà Nguyễn như trở bàn tay (tứ nguyệt tam vương), làm cho nhân tâm dao động. Cũng trong năm đó, người con thứ 6 của ông là Hồng Sâm tỏ thái độ chống đối sự chuyên quyền của hai quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường.

Hồng Sâm và một số người bị bắt, bị giết. Tuy Lý Vương bị truy nã. Ông phải trốn xuống một tàu chiến Pháp ở Thuận An nhờ che chở, nhưng bị phe chủ chiến đòi lại, rồi bị đưa vào an trí tại Quảng Ngãi. Sau khi vua Đồng Khánh lên ngôi (1885), ông mới được trở về sống ở Huế. Vào đầu thời Thành Thái (1889), ông được cử làm Phụ chính thân thần. Đến năm 1897, vì tuổi cao sức yếu, ông xin về vui thú điền viên ở phủ riêng tại Vỹ Dạ, rồi qua đời vào cuối năm ấy, thọ 78 tuổi, được con cháu chôn bên cạnh mộ của mẹ ông tại làng Dương Xuân.


< Phủ thờ Tuy Lý vương.

Tuy Lý Vương là em cùng cha khác mẹ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Đều rất sành thơ văn, hai ông thường lui tới thăm nhau, cùng liên ngâm xướng họa và đã lập ra Mạc Vân Thi Xã, hội thơ nổi tiếng một thời ở đất Thần kinh. Ông để lại một khối lượng thơ văn khá đồ sộ bằng chữ Hán và chữ Nôm. Văn ông thường đề cập đến vấn đề đạo đức, luân lý. Thơ ông phần nhiều nói lên cảm xúc trước thiên nhiên, đối với người thân và bạn bè. Một số là những bài thơ thù tạc hoặc nói về sinh hoạt nhàn nhã của giới quý tộc.

Về thơ văn chữ Hán, ông để lại bộ "Vỹ Dạ hợp tập" gồm 11 quyển cả văn và thơ, được khắc in năm 1875, trong đó có một bài thơ trường thiên nhan đề là "Nam cầm khúc" đã được con là Hồng Sâm dịch ra chữ Nôm theo thể lục bát.


< Án thờ và chân dung Tuy Lý vương.

Về thơ Nôm của Tuy Lý Vương, ngoài những bài xướng họa với các danh sĩ đương thời, hiện còn truyền lại các tác phẩm "Nữ phạm diễn nghĩa từ", "Nghinh tường khúc" và "Hòa lạc ca" (làm chung với anh là Miên Thẩm và em là Miên Bửu).

Văn tài của ông cũng như của anh ông đã được nhiều văn nhân Việt Nam và Trung Quốc ca ngợi, chẳng hạn như trong câu: "Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán. Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường". Sự nghiệp văn chương của ông đã được ghi vào trong tất cả sách văn học sử của nước nhà và trong các bộ từ điển danh nhân Việt Nam xuất bản trong mấy chục năm qua, kể cả bộ "Từ điển văn học" ấn hành vào năm 1984.
Khuôn viên của phủ Tuy Lý rộng 4 sào 6 thước 3 tấc, tức là hơn 2000m2.

Lúc sinh thời, ông ở với mẹ là bà Lê Thị Ái trong một ngôi nhà tranh ở vườn Tịnh Phổ. Mẹ ông mất vào năm 1863; sau 3 năm mãn tang, vào năm 1866, ông xin vua Tự Đức cho cải tạo ngôi nhà tranh thành nhà gỗ lợp ngói để thờ mẹ. Biết ông là người rất có hiếu với mẹ, nhà vua y cho và ngôi từ đường được xây dựng xong ngay trong năm ấy. Đây là ngôi nhà rường một gian hai chái đã trải qua 140 năm (1866 - 2006), hiện nay vẫn còn, bên trong treo tấm hoành phi đề dòng chữ "Tiền triều Lê tiệp dư từ".

< Bình phong cổ ở phủ Tuy Lý Vương.

Cách sau đó một cái sân là ngôi nhà mang tên "Tuy Lý Vương Từ", nơi thờ ông. Đây là ngôi nhà rường ba gian hai chái được làm theo kiểu nhà kép, gồm hai bộ mái được nối lại với nhau bằng trần thừa lưu. Ở dải cổ diêm và các bờ nóc bờ quyết được trang trí bằng mảnh sành sứ với nhiều đề tài cổ điển rất phong phú, đặc biệt là hình ảnh: long, lân, quy, phụng. Ở nội thất, ngoài các bàn thờ và khám thờ Tuy Lý Vương, còn thiết trí khá nhiều đồ tự khí, các hình ảnh của ông và một số hiện vật quý báu liên quan, đặc biệt là hơn 150 mộc bản đã từng được khắc in một số tác phẩm thơ văn của ông.

< Tủ Mộc bản triều Nguyễn tại Di tích văn hóa phủ Tuy Lý Vương.

Hai bên sân trước của tòa nhà này còn có hai ngôi nhà nhỏ hơn, gọi là Tả vu và Hữu vu nằm đối diện nhau, dùng làm nơi hào soạn trong những dịp cúng kỵ; nhưng đã hư hỏng từ lâu, nay chỉ còn móng nhà. Ở bên phải nhà thờ bà mẹ của Tuy Lý Vương, có một ngôi nhà xây bằng bê tông để thờ một bà vợ thứ của ông là bà phủ thiếp Nguyễn Thị Lựu.

Vì phủ Tuy Lý là một công trình kiến trúc mang những giá trị cao về lịch sử văn hóa và văn học nghệ thuật, cho nên, nó đã được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1991.
Các thế hệ con cháu của "ông hoàng thơ" là cả một dòng chảy văn chương nghệ thuật không dứt cho đến ngày nay.
Xem thêm >

Theo Thuathienhue.gov - ảnh internet
Du lịch, GO!