(VnExpress) - Hãy ở lại một đêm, thay vì đến và đi trong ngày, để tận hưởng màn đêm tĩnh mịch và buổi sáng trong lành ở ngôi làng Việt cổ chỉ cách Hà Nội khoảng 50 km.

< Cổng làng cổ.

Thong thả một chiều, tôi đạp xe về Đường Lâm. Thay vì những ồn ã ào ào của chiếc xe máy trên con đường quốc lộ, đi xe đạp có cái thú riêng của nó. Không vội vã, những guồng quay đều đều. Thời tiết dễ chịu, chỉ có những cơn gió mát lành cùng ánh mặt trời nhàn nhạt trên đầu. Cứ chạy một mạch qua đủ ruộng vườn, qua đủ các làng nghề hay hay, cuối đường là đến đất Sơn Tây.

Gần 2 tiếng chạy quãng đường 50 km, tôi cũng đến được với làng Mông Phụ cổ kính. Đã thấy bóng cổng làng thấp thoáng xa xa. Ai chưa từng về Đường Lâm, nhìn cánh cổng đặc trưng bên gốc đa cũng biết, còn ai đã đến làng nhiều lần, thế nào cũng dừng xe từ xa ngắm nghía một chút mới bước qua cổng.

Chạy zíc zắc xe xuyên trong những con ngõ nhỏ, tôi có một cảm giác thú vị khác với những lần mình lang thang dạo bộ trong làng những lần trước. Bánh xe bám con đường lát gạch cũ kỹ, chạy theo đuôi một đàn cô bé cậu bé đang trên đường đến trường.

< Ngày mùa, cả ngôi làng thơm hương rơm rạ.

Trên những ngả đường hình xương cá với những ngõ nhỏ thông nhau, dù bạn có xuất phát từ đâu và đi qua ngõ nào thì điểm gặp nhau cũng là đường chính của làng. Những con đường làng lát gạch được làm nên bởi lệ xưa ở đây mỗi chàng trai muốn lấy vợ thì phải mang gạch lát đường làng. Sau mỗi đám cưới, lại có thêm những đoạn đường làng lát gạch mới trong ngõ phố.

Tạt qua một con ngõ, tôi dừng xe vào thăm ngôi nhà nổi tiếng với món chè lam thơm phức và tương bần ngon hảo hạng. Trong ngôi nhà rộng rãi và thoáng mát này, những giàn hoa leo đang vươn mình đón nắng. Giữa sân rộng, hơn chục chum tương lớn nhỏ đứng xếp hàng trong một đội hình vui nhộn. Những vị khách ăn thử món chè lam nóng hổi vừa ra lò và uống chè xanh bằng bát sứ trên những chiếc chõng tre.

Đường Lâm còn có tục danh là Kẻ Mía và có một ngôi chùa mang tên chùa Mía (làng Đồng Sàng). Đây là ngôi chùa có nhiều tượng nghệ thuật nhất nước ta và đã được đưa vào sách kỷ lục Việt Nam. Hiện chùa còn lưu giữ 287 pho tượng thờ. Nổi bật nhất là pho tượng Phật bà Quan Âm. Người Đường Lâm có câu ca dao: “Nổi danh chùa Mía làng ta. Có pho tống tử Phật bà Quan Âm”.

Giờ thì tôi đang ngồi đây, trong quán nước chè xanh đầu đình Mông Phụ. Vẫn chiếc chõng tre đơn giản, vẫn những món hàng ấy: bánh tẻ, kẹo dồi, chè lam, vừa thõng chân trần đong đưa vừa phe phẩy chiếc quạt nan. Ánh nắng xiên xiên trong buổi trưa tĩnh mịch. Chiếc xe đạp cũng đang nghỉ những vòng quay.

Tối nay, tôi xin ngủ lại Đường Lâm trong ngôi nhà đơn giản, để có một đêm tĩnh mịch với ngôi làng cổ xưa nhẹ nhàng này.
Xem thêm >

Theo Lam Kinh (Dulich.VnExpress)
Du lịch, GO!