Đền thờ Trương Hán Siêu nằm trên địa bàn phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình). Đền được xây dựng cạnh chân núi Non Nước nơi ngã ba sông Đáy và sông Vân.

Đền được xây dựng năm 1998, có cấ tạo hình chữ đinh gồm 3 gian bái đường và 2 gian hậu cung. Hai tầng mái lợp bằng ngói ta, với các góc có các đầu đao cong vút. Nhìn bán diện rìa mái cuộn lên ở hai đầu như hình ảnh một chiếc thuyền rồng ngoại mục. Trên nóc đền là hai con rồng chầu mặt nguyệt.

Mặt tiền của đền có tấm đại tự bằng chữ Hán ''Trương Thăng Phủ Từ''. Bái đường có cửa võng, hương án và hai giá ở hai bên cắm bát bửu. Gian cuối của hậu cung có hương án để bài vị của Trương Hán Siêu.

Trương Hán Siêu (1354) người xã Phúc Thành, huyện Yên Ninh, Ninh Bình.  Ông là người có tài văn, võ; từng là môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, sau làm quan ở các triều vua từ Trần Anh Tông đến Trần Dụ Tông, được các vua Trần tôn kính gọi bằng “thầy”. Trương Hán Siêu cùng với Nguyễn Trung Ngạn đã soạn ra Bộ Luật “Hình thư” và sách “Hoàng triều đại điển”, đặt nền tảng cho chế độ phong kiến Việt Nam vận hành theo pháp luật.

Ông còn là một nhà văn hoá, có tầm nhìn du lịch sớm nhất Việt Nam. Khi ông mất đã được lập đền thờ ở phía Đông Nam gần mộ ông. Nhưng trải qua thời gian do chiến tranh, đền Trương Hán Siêu đã bị san lấp.
Đầu năm 1993 trong quá trình thi công xây dựng nhà ở phường Vân Giang, nhân thị xã đã phát hiện ra bài vị đá và những tấm bia đá, chân cột, bậc thềm đá của đền vùi sâu trong lòng đất. Ngày 24/4/1998, công trình xây dựng đền thờ Trương Hán Siêu đã chính thức khởi công tại khu đất phía Tây Nam núi Dục thuý.

Ngôi đền là một công trình văn hóa thể hiện lòng tôn kính, niềm tự hào của nhân dân Ninh Bình đối với danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu. Đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu là điểm sinh hoạt tâm linh của đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình; nhân dân trong tỉnh cùng khách thập phương xa, gần và con cháu dòng họ Trương trong cả nước đã đóng góp kinh phí cùng thành phố tu sửa khuôn viên đền và đúc tượng thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu. Bức tượng được đúc bằng đồng với tỷ lệ 1/1, đặt ngồi trên bệ trong trang phục triều Trần, được đưa vào thờ tự tại Đền Trương Thăng Phủ.

Du lịch, GO!