(Vietnam+) - Quần thể thắng cảnh chùa Hương bao gồm mười tám đền, chùa, hang, động nằm rải rác ở bốn thôn: Yến Vĩ, Đục Khê, Hội Xá và Phú Yên thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội.
Các chùa, động ở đây phần lớn được phát hiện và xây dựng vào các thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Đa số dựa vào sườn núi hoặc nằm dưới thung lũng, những nơi có địa thế đẹp để kiến tạo.
Mười tám điểm được chia thành bốn khu như sau:

1- Khu Hương Thiên có tám di tích là: Động Hương Tích, Chùa Thiên Trù, Đền Trình Ngũ Nhạc, Chùa Giải Oan, Đền Cửa Võng, Chùa Tiên Sơn, Chùa Hinh Bồng và Động Đại Binh.

2- Khu Thanh Hương gồm Chùa Thanh Sơn và Động Hương Đài.

3- Khu Long Vân gồm bốn điểm: Chùa Long Vân, Động Long Vân, Động Cây Khế, Hang Thánh Hóa.

4- Khu Tuyết Sơn gồm bốn di tích: Chùa Bảo Đài, Động Ngọc Long, Chùa Ngư Trì (Chùa Cá), và Đền Trình Phú Yên.
Nếu có đủ thời gian quý khách phải đi trọn ba ngày mới hết.

Chùa Thiên Trù

Được khởi dựng từ thời Lê Thánh Tông, năm Đinh Hợi (1467) niên hiệu Quang Thuận, thứ 8 đến niên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1686), Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang tái thiết. Đến năm 1942 thì toàn bộ công trình hoàn chỉnh trở thành một lâu đài tráng lệ “Biệt chiếm nhất Nam thiên”.

Trong kháng chiến chống Pháp, thực dân đã tàn phá ba lần vào những năm 1947, 1948, 1950. Ngày 11 tháng 2 năm Kỷ Tỵ (1989), Ban Xây dựng Chùa Hương khởi công xây dựng lại. Đến ngày 11 tháng Giêng năm Tân Mùi (1991) thì khánh thành.

Hiện nay, với quần thể kiến trúc nguy nga, hoành tráng khiến Thiên Trù trở thành trung tâm của thắng cảnh Hương Sơn.

Chùa Giải oan

Chùa Giải oan nằm trên sườn núi, phía trái đường đi Hương Tích do sư tổ Thông Dụng khai sáng vào thời Lê Thuần Tông năm Ất Mão (1735), niên hiệu Long Đức thứ 4 ở trên núi Long Tuyền. Đầu năm 1928, Đại sư Thanh Tích tôn tạo lại theo thế “Ỷ bích sơn”.

Năm 1955, Ban Xây dựng Chùa Hương trùng tu. Quanh chùa có am Phật tích động Tuyết Kình, am Từ vân. Đặc biệt trong chùa còn có giếng thiên nhiên Thanh Trì nước trong suốt và không bao giờ cạn. Tương truyền Phật Bà Quán Âm đã tắm ở giếng này để tẩy bụi trần, nghỉ ngơi tọa thiền trước khi vào cõi Phật.

Động Hương Tích

Động này vốn có từ thời kỳ vận động tạo sơn, được phát hiện vào thế kỷ XI và đưa vào thờ Phật năm 1687. Phật thoại truyền rằng: đức Quán Thế Âm Bồ Tát ứng thân làm công chúa Diệu Thiện, con vua Diệu trang Vương ở nước Hưng Lâm, tu hành 9 năm và thành đạo quả ở động này nên đặt tên là Hương Tích (dấu vết thơm tho).

Đặc biệt ở đây có pho tượng Phật Bà Quán Âm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đã nhấp nhô với biết bao hình thù kỳ lạ. Thuyết phong thủy cho rằng động Hương Tích là con rồng chúa đang há miệng vờn ngọc. Đây là điểm chính của thắng cảnh thường gọi là chùa chính.

Chùa Tiên Sơn

Chùa Tiên Sơn có từ trước từ thời Lê – Trịnh. Năm Canh Dần (1770) Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đã đề một bài thơ bát cú ca ngợi cảnh đẹp của động này. Sau đó động bị đất đá và cây rừng che lấp. Năm Qúy Mão (1903) Hội Thiện thôn Yến Vỹ tìm thấy và mở lại.

Năm Giáp Thìn (1904) đục thêm cửa đá lối vào bên phải. Năm Đinh Mùi (1907) tạc ba pho tượng đá trắng như bạch ngọc và đến năm Tân Hợi (1911) tạc thêm hai pho nữa. Về sau một số công trình nhân tạo bị giặc Pháp tàn phá.

Năm 1962, Hội Thiện này đã cúng về nhà chùa sát nhập vào danh mục khu di tích để quản lý. Năm 1994 đến năm 1996, Ban Xây dựng Chùa Hương phục hồi và tôn tạo Tổ đường, Bảo điện và Tả Hữu vu. Trong động thờ Phật và thân quyến đức Chúa Ba (dựa theo truyện Phật Bà chùa Hương).

Đền Cửa Võng

Đền Cửa Võng còn gọi là Đền Trấn Song, Vân Song do Đại sư Thanh Tích khai sáng vào năm 1908 ở thế giá mắc võng cửa sơn xuyên, trước mặt có dãy núi “rồng chầu mặt nguyệt”. Năm 1993 và 1995 Ban Xây dựng Chùa Hương trùng tu lại và mở rộng sân đền.

Nơi đây thờ Thanh Y công chúa, tục gọi là Bà Chúa Thượng Ngàn, ý là: Sơn Tinh Triều Mường công chúa Lê Mại Đại vương và 12 thị nữ tiên cô là người dân tộc thiểu số. Đền này còn là nơi ở của các tiên nữ thường xuyên mang tin tức từ chùa ngoài vào chùa trong.

Động Đại Binh

Động Đại Binh còn gọi là Thần Binh được khai sáng vào ngày mùng 2 tháng 3 Tân Mùi (1991) do ông Nguyễn Văn Bạo và ông Bùi Văn Xế chủ trương. Ngày mùng 6 tháng Giêng năm Quý Dậu (1993) hai cư sỹ nói trên viết đơn cúng cho nhà chùa và sát nhập vào khu di tích của Giáo hội Phật giáo.

Động này vốn có từ lâu, lưu dấu tích một đạo quân người dân tộc thiểu số do hai ông Đinh Công Tráng và Đinh Công Vân khởi nghĩa chống Pháp, sau bị vây hãm và tuẫn tiết ở nơi này. Ông đã cho khắc hai chữ “Đại Binh” lên cửa động để ghi dấu. Cho nên cũng có tên là hang Nghĩa Quân.

Động Hinh Bồng

Năm Nhâm Thân (1932), Hội Thiện thôn Yến Vỹ khai sơn một tòa động nhỏ trên ngọn núi cao ở thung lũng Cây Gạo gọi là động Hinh Bồng với sự tài trợ của bà Hải Khoát, Phật tử thuần thành ở Hải Phòng. Năm sau tạc tượng Phật bằng đá trắng để phụng sự.

Năm Giáp Tuất (1934 ) thỉnh Ni sư Đàm Tuyết về trụ trì. Ngày 18 tháng 7 năm Quý Dậu (1993) xây dựng thêm chùa Bồng Doanh ở bên cạnh duy trì khu thánh tích này.
Xem thêm >

Theo Thượng tọa Thích Viên Thành (Vietnam+)
Du lịch, GO!