Tại TP Cần Thơ, hiện có khá nhiều ngôi chùa cổ trên 100 năm tuổi. Ngoài nét độc đáo kiến trúc cổ xưa, những chùa này còn gắn bó mật thiết với lịch sử cách mạng địa phương, là di tích văn hoá lịch sử quốc gia, thu hút rất nhiều khách đến tham quan.

< Cổng chùa Nam Nhã tại Cần Thơ.

Năm 1895, lão thái Nguyễn Giác Duyên dẹp bỏ tiệm thuốc Bắc hiệu tiệm là Nam Nhã để lập chùa Nam Nhã (còn gọi là chùa Minh Sư hay Đức Tế Phật Đường) tại làng Long Tuyền nay thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa.

Từ năm 1907-1940, chùa Nam Nhã là trụ sở chính của phong trào Đông Du, là nơi hội họp, hoạt động chỉ đạo chống Pháp của Phan Bội Châu, Nguyễn Hào Vĩnh...

Đây còn là nơi hoạ thơ, bình thơ, xuất bản nhiều áng văn, thơ kêu gọi chống Pháp, mở mang sự học, đòi hỏi sự tiến bộ công bằng, tiêu biểu nhất là văn phẩm Đạo Nam Kinh bị Pháp lùng sục cấm đoán ngày đêm. Trong đó, diễn ca có đoạn:

“Trăm ngành học, học chi cũng được,
Học Thiên văn, rồi học Địa dư.
Học Toán pháp, học Binh thư,
Canh nông học hoá, lập thư viện đường”.

Chùa Nam Nhã toạ lạc trên diện tích hàng chục héc-ta, được xây dựng khá đẹp và cổ kính, trồng nhiều cây trắc, tùng, cổ thụ, cây cảnh hàng trăm tuổi. Chính điện có năm gian, bên phải là Đông Lan Đường giành cho nam giới, bên trái là Tây Lan Đường giành cho nữ giới.

Chùa chủ trương an chay nhưng tu sĩ không cạo đầu, không mặc áo nâu sồng, sản xuất tự lực để bảo đảm cuộc sống  trọn vẹn đường tu. Năm 1991, chùa được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Chùa Hội Linh từng một thời nuôi chứa cơ sở hoạt động cách mạng, trở thành địa chỉ đỏ được công nhận di tích lịch sử văn hoá năm 1993. Chùa được xây dựng năm 1907 trên diện tích một héc-ta tại thôn Thái Bình, Tổng Định Bảo, nay là phường Bùi Hữu Nghĩa. Trước đây, chùa có tên là Xẻo Cạn do có con rạch cạn trước cửa nhưng nay đã bị lấp. Năm 1914, chùa mới có tên là Hội Linh Cổ Tự.

Nét độc đáo của chùa là sự lưu giữ bố trí khá nhiều hiện vật cổ rất có giá trị giữ gìn bản sắc văn hoá Việt như: trình tự sắp xếp mai, lan, trúc, sen, hồng hay long, quy, phụng, hươu...

Ấn tượng nhất là bộ binh khí 16 món vũ khí sáng choang, 66 bức tượng các loại bằng gỗ, xi-măng, thạch cao, đồng, bàn ghế cẩn xà cừ; các cột gỗ có đường kính 25 cm được bào bóng loáng...
Chính điện của chùa thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tượng Phật, trước và sau có miễu thờ thổ thần, có ao sen, bảo tháp...

Từ năm 1941 đây là địa chỉ đỏ nuôi chứa cán bộ cách mạng hoạt động nội ô Cần Thơ, tiếp đón, phục vụ trên 200 gia đình đến thăm nuôi chiến sĩ ta bị tù đày tại trại tù của địch. Đặc biệt, năm 1941, để bảo vệ an toàn cán bộ ta, hoà thượng trụ trì đã đốt cháy một phần chánh điện (sau này đã được trùng tu).

Chùa Hội Linh còn là địa chỉ tổ chức nhiều hoạt động xã hội từ thiện như: giúp đỡ người nghèo, học sinh gặp khó khăn có đủ điều kiến đến trường, xây dựng nhà tình thương, chỗ nghỉ và ăn uống cho các sĩ tử đến Cần Thơ dự thi đại học, cao đẳng hằng năm. Đây còn làm điểm để sinh hoạt giáo dục truyền thống cách mạng cho rất nhiều thanh - thiếu nhi tại địa phương.

Chùa Long Quang có từ thời Vua Minh Mạng thứ 5 (năm 1825). Chùa nằm trên khu vực Bình Nhựt B, phường Long Hoà, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ, cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 10 km. Chùa lúc đầu là một am nhỏ được nhà sư Võ Văn Quyền tự lập, đến năm 1835 phát triển thành ngôi chùa đặt tên “Long Trường Tự”.

Năm 1860-1861 tên chùa đổi lại là Long Quang Tự. Năm 1966 xây dựng lại và đổi tên chùa là “Long Quang Cổ Tự”. Long Quang Cổ Tự tính đến nay đã trải qua 180 năm, là công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo cũng như nhiều ngôi chùa khác, nhưng bên trong nội thất có hệ thống tượng Phật bằng gỗ được chạm trổ rất độc đáo. Tiêu biểu là nhóm tượng Phật La Hán được coi là nhóm tượng quý, đẹp, được cấu trúc, bố cục hài hoà, vững chắc trên chất liệu gỗ, là công trình điêu khắc mang tính riêng, lạ và độc đáo.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Long Quang còn là nơi nuôi chứa, là điểm liên lạc của nhiều cán bộ hoạt động ở vùng ven và ngoại thành Cần Thơ. Ngày 21/6/1993, chùa Long Quang được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Du lịch, GO! - Theo Triệu Mỹ Ngọc (báo Cà Mau), ảnh internet