Từ Đồng Hới (Quảng Bình), theo Quốc lộ 1A, chúng tôi tiến thẳng đến đoạn đường lượn khúc chữ chi, ranh giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nơi cách nay trên 400 năm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chỉ cho Nguyễn Hoàng dựng cơ đồ “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.

Đây là đoạn cuối cùng của dãy núi giáp biển trông ra phía Đông và là điểm thấp nhất mà ông cha ta đã chọn làm cửa ngõ giao thông, gọi là đèo Ngang. Phía Tây là những vách núi kỳ vĩ trông như bức trường thành dài hun hút lẩn khuất giữa ngàn xanh, vùng đất nầy cũng là nơi đáng ghi nhớ trên đường mở nước của nhân dân ta.

Lịch sử còn ghi lại, năm 1825, vua Minh Mạng đã cho xây Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo và 17 năm sau, vua Thiệu Trị lại cho dựng thêm văn bia cách đó 20 m tạo cho đèo Ngang trở thành một vùng linh khí và thuỷ tú sơn kỳ. Đây là một công trình kiên cố với hàng ngàn bậc đá lên xuống tận chân đèo giữa một vùng núi non trùng điệp, nay đã trở thành hoang phế.

Lên tới đỉnh đèo, du khách ngỡ ngàng trước bốn phương trời lộng gió, nước non bao la hùng vĩ, lòng ai nấy đều dâng lên niềm cảm xúc dạt dào. Chiều xuống, sương mây nặng dần trên đỉnh núi mang theo cái se lạnh của đất trời, nhiều người đứng ở độ cao nhìn xuống dòng sông lượn khúc như một dãy lụa trắng xoá nằm vắt ngang chân núi tạo nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình.

Năm tháng trôi qua nhưng bức tranh “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”(Bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan) vẫn còn đó, xa xa hiện lên những đồi thông trầm mặc đẹp đến nao lòng.

Tuy nhiên, hình ảnh “Lom khom dưới núi tiều vài chú” không còn nữa, mà là những chàng trai, cô gái đi lên rẫy, bên cạnh là những đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ trông thật thanh bình. Vẫn còn đó “Lác đác bên sông rợ mấy nhà” nhưng không phải chỉ có mái tranh vách lá đơn sơ mà còn ẩn hiện những mái tôn và mái ngói giữa những vùng trùng điệp núi non ngồn ngộn sắc màu. Ngày nay, Bộ Giao thông vận tải đã xây xong một con đường hầm hiện đại ngay dưới chân đèo nên việc qua lại không còn hiểm trở như xưa.

Qua khỏi đường hầm, xe đi một đoạn dưới chân đèo sẽ gặp một cây cầu gọi là “Khe Hổ” cho tới nay vẫn còn mang một sự tích ly kỳ, cảm động. Chuyện kể rằng có một bà mẹ đi bẻ măng bị hổ vồ, bà quỳ xuống lạy “Xin ông hãy tha mạng vì con tôi còn nhỏ dại không ai nuôi dưỡng”.

Hổ nghe nói thế bèn bỏ đi và kể từ đó, không bao giờ đến chân đèo Ngang tìm người ăn thịt nữa… Xa hơn nữa là môt khoảng đất trống với nhiều bệ đá khói hương nghi ngút do những người đi đường đốt để tưởng niệm những chiến sĩ giao thông và những người tử nạn trong quá trình khai sơn phá thạch trên đoạn đường nầy .

Giờ đây, dưới chân đèo Ngang đường sá rộng thênh thang, xe cộ qua lại dập dìu, nhiều tấm pa-nô, quảng cáo rực rỡ sắc màu nhưng cảnh quan, môi trường thiên nhiên vẫn giữ nguyên mảng trời thơ mộng “Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”.

Thêm vào đó là rừng cây bạt ngàn cùng với cây công nghiệp xanh tươi đang đem lại ấm no cho hàng ngàn cư dân bản địa mà mới năm nào họ vẫn còn phải đối phó với sơn lam chướng khí, bệnh tật, thú dữ, chiến tranh và đói nghèo lam lũ.


Đèo Ngang - Thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung
Dạo bước đèo Ngang

Du lịch, GO! - Theo Tấn Thành (báo Cà Mau), internet