Hà Giang có rất nhiều chợ: chợ Phố Cáo, chợ Phó Bảng, chợ Sủng Là, chợ Lũng Phìn, chợ Ma Lé, chợ Đồng Văn, chợ Mèo Vạc, chợ Sà Phìn…

Đa phần trong số đó là những phiên 'chợ lùi' và chỉ có ở Hà Giang - vùng đất địa đầu Tổ quốc mới có những phiên chợ lùi độc đáo đến vậy. Chợ lùi họp một tuần một lần, là thời gian vui nhất trong tuần với bà con các dân tộc thiểu số vùng cao xa xôi này.

Trong các phiên chợ ấy, chỉ có chợ Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc được họp phiên cố định vào ngày chủ nhật, còn lại là những phiên chợ lùi. Nghĩa là chợ họp luân phiên một tuần một lần và tuần sau lùi lại một ngày so với tuần trước.

< Người dân bản làng từ núi cao nô nức xuống chợ.

Chẳng hạn tuần này chợ họp vào chủ nhật, thì tuần sau sẽ họp vào thứ bảy, tuần tiếp theo sẽ họp vào thứ sáu, tuần sau nữa sẽ họp vào thứ 5... cứ thế lùi dần.

< Những sạp hàng bán đủ thứ thiết yếu nhất. Từ những gói gia vị cho đến những gói mì tôm, đồ ăn vặt cho đám trẻ.

Nếu tính theo kiểu chợ lùi, thật khó để xác định ngày đến chợ cho chuẩn xác vì độ lệch cao. Nhưng có một cách tính khác để bạn đến chợ đúng ngày và đây cũng chính là cách tính của bà con các dân tộc vùng cao này.

< Mỗi phiên chợ đều diễn ra từ lúc mặt trời chưa mọc đến quá trưa.

Nói là lùi nhưng chính xác là Chợ 6 ngày, có nghĩa là trong 12 con giáp nó chỉ rơi vào 2 con giáp.

Chợ Lũng Phìn : Ngày Dần - Ngày Thân.
Chợ Sà Phìn : Ngày Tỵ - Ngày Hợi.
Chợ Phó Bảng : Ngày Tý - Ngày Ngọ.
Chợ Ma Lé: Ngày Tý – Ngày Ngọ.

Chợ lùi họp từ lúc mặt trời chưa tỉnh giấc cho đến khi cao đến tầm con sào thì tan. Các bản làng từ núi cao nô nức xuống chợ.

Từ tờ mờ sáng, đã thấy bóng người bóng ngựa xa xa. Những mái đầu nhấp nhô rồi dần hiện rõ trên con đường, người đi xe máy đến chợ, kẻ dắt ngựa, người đi theo gia đình, theo bạn bè, hay cùng chồng cùng con lên chợ.

Ai cũng xúng xính những chiếc váy đẹp nhất, thồ theo đằng sau đủ thứ mang đến chợ từ con gà đến đàn lợn líu ríu dưới chân, từ những chiếc váy đến con dao mài sắc. Họ đi bộ từ sớm, xúng xính váy áo, tranh thủ ngày chợ mua thứ nọ thứ kia mang về. Lũ trẻ được đến chợ thỏa thích nô đùa. Có đứa túm tụm lại với đám bạn, đứa trông hàng cùng mẹ, đứa còn ẵm ngửa cũng được địu đến chợ. Tiếng hò hét nô đùa náo động cả khu chợ.

Dù là dân tộc nào, trên tay họ vẫn có chung một chiếc suốt làm sợi đay, từ những cô thiếu nữ 14-15 cho đến cụ già đã ngoại lục tuần móm mém. Cả khu chợ như một vườn hoa di động, luân chuyển liên tục, màu sắc cứ hết từ nơi này sang nơi nọ, trong ánh nắng chan hoà buổi sớm. Những sạp hàng bán đủ thứ thiết yếu nhất. Từ những gói gia vị cho đến những gói mì tôm, đồ ăn vặt cho đám trẻ. Món ăn sáng có thắng cố, mì tôm với sốt vang và sắn đựng trong những chiếc gùi. Những quả óc chó hay gừng tươi được bán nhiều.

Trong một góc chợ, một cụ già đang khâu giày trên chiếc đe, ở một góc khác một sạp hàng may với chị thợ đang luôn tay cắt váy cho khách. Nhưng hấp dẫn nhất với đám khách hiếu kì chính là những sạp bán khăn thổ cẩm và váy. Với giá 20.000 đồng cho một chiếc khăn sặc sỡ, chúng tôi ai cũng mua vài chiếc về làm quà.

Chợ đến gần trưa bắt đầu vãn. Những chiếc gùi đã đựng đầy những mặt hàng thiết yếu, con ngựa thồ đủng đỉnh ra về, theo sau thế nào cũng là một ông chồng đã say sưa khật khưỡng và bà vợ lặng lẽ phía sau. Phiên chợ đơn giản và bình dị như chính cuộc sống của những bà con dân tộc vùng cao nơi địa đầu tổ quốc này.

Du lịch, GO! - Theo Ngôi Sao, Vietnamnay...