Đồng Tháp nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là một trong ba tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười.

< Trên đường vào Xẻo Quýt chúng ta dễ bắt gặp những hình ảnh đặc trưng Nam Bộ như cầu ván, bến nước, đường làng thơ mộng.

Đất đai Đồng Tháp màu mỡ bởi phù sa do hai con sông Tiền và sông Hậu cung cấp hàng năm, xóm làng trù phú giữa bốn bề cây cối xanh tươi. Vì thế Đồng Tháp được biết đến như một vựa lúa của cả nước.
Đến Đồng Tháp, nếu bạn chưa biết sẽ đi đâu, tham quan gì, thì những điểm đến dưới đây sẽ là một vài gợi ý cho bạn.

Nếu đi từ TP.HCM dọc theo quốc lộ 1A về hướng Vĩnh Long, Cần Thơ, đến ngã ba An Hữu (trước chân cầu Mỹ Thuận) quẹo phải, bạn đã bắt đầu đặt chân vào địa phận Đồng Tháp.

Khu di tích Xẻo Quýt

Từ An Hữu vào thành phố Cao Lãnh, bạn sẽ bắt gặp ngay Khu di tích Xẻo Quýt thuộc địa phận hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh với diện tích 50ha, trong đó có 20ha là rừng tràm.

< Không gian um tùm bởi những dây leo khiến lối đi trở nên huyền bí.

Vốn là một khu căn cứ quân sự, từ năm 1960-1975 của cơ quan Tỉnh ủy Đồng Tháp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Quýt ngày nay đã là một khu du lịch nổi tiếng. Những hầm tránh bom chữ A, hầm bí mật cá nhân hình chữ L, công sự chiến đấu hình chữ Z,… của lực lượng cách mạng đã được phục chế nguyên vẹn như trước.

< Chị Tuyết Nhung - nhân viên bơi xuồng hướng dẫn tham quan - khi có thời gian rảnh sẽ đan thêm giỏ, túi xách theo đơn đặt hàng của các xưởng hàng mĩ nghệ để tăng thu nhập.

Ở đây môi trường sinh thái cũng hết sức đa dạng với hơn 170 loài thực vật: tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng… và 200 loài động vật hoang dã - trong đó có 13 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như: trăn mốc, rắn hổ trâu, rái cá, rùa hộp… Vì vậy mà người ta gọi Xẻo Quýt là Đồng Tháp Mười thu nhỏ.

Xẻo là “lạch con” - tạm hiểu như con rạch nhỏ, dòng nước nhỏ, quýt là tên cây. Chúng ta có thể khám phá khu du tích này bằng cách đi bộ theo đường mòn, hoặc bơi xuồng theo những con lạch nhỏ.

Địa danh Cao Lãnh

Địa danh Cao Lãnh được người dân địa phương giải thích như sau: Ông Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh, không rõ quê quán ở đâu, chỉ biết ông và vợ từ miền Trung vào lập nghiệp tại làng Mỹ Trà (nay thuộc P.2, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vào khoảng năm Đinh Sửu (1817), dưới triều vua Gia Long. Sau nhiều năm chăm chỉ khai hoang và ươm trồng, gia cư ông dần khấm khá nhờ có nguồn thu từ vườn quýt. Vườn quýt nhà ông ở nơi thuận cả đường sông và đường bộ nên người dân xa gần thường tụ tập đến đây để đổi chác, mua bán.

< Hoàng hôn ở Cao Lãnh.

Cái tên chợ Vườn Quýt có từ khi ấy. Và cũng vì hay giúp đỡ người nghèo, cộng thêm tính tình cương trực, nên ông được dân làng cảm phục, cử làm chức Câu Đương để lo việc phân xử những việc kiện cáo nhỏ tại địa phương. Năm Canh Thìn (1820), nạn dịch tả bỗng dưng hoành hành rất dữ. Ông và vợ đã bất chấp cả tính mệnh mình để ra sức cứu chữa cho người dân. Sau khi ông và vợ mất, người dân đã lập miếu thờ. Tên Cao Lãnh là đọc trại của Câu Lãnh - chức và tục danh của ông. Miếu Ông chủ Bà chủ tọa lạc gần chợ Cao Lãnh chính là thờ hai vị ấy.

Lăng cụ Phó Bảng

Khu Di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (nơi thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh) được khánh thành ngày 13-12-1977. Khu di tích nằm trên đường Phạm Hữu Lầu, cách trung tâm ở TP Cao Lãnh 1km. Hiện công trình này được mở rộng thêm 6,3ha (nâng tổng diện tích Khu di tích lên hơn 9ha) với tổng kinh phí 95 tỷ đồng bao gồm các hạng mục: nhà trưng bày về thân thế và sự nghiệp của Cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhà làm việc, hoa viên, phục dựng lại một góc của làng Hòa An xưa (nay là phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh) - nơi lần đầu tiên cụ Nguyễn Sinh Sắc đặt chân tới sống và làm nghề bốc thuốc trị bệnh cho nhân dân….

Lai Vung - thiên đường của quýt hồng

Đến xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành, huyện Lai Vung, bạn sẽ như lạc vào một thiên đường quýt hồng. Từ hơn 100 năm trước, quýt hồng đã được trồng ở xứ này. Nhờ khí hậu, nước, đất phù hợp, quýt hồng nơi đây luôn cho nhiều trái to, tròn, mọng nước hơn quýt những vùng khác. Đa phần quýt hồng quả to mà bạn nhìn thấy được bày bán từ Bắc vào Nam, đều là quýt hồng Lai Vung.

Quýt hồng khoảng 2 năm “tuổi” thì bắt đầu cho trái. Một cây quýt trưởng thành có thể “tặng” nông dân từ 200 - 400kg trái/năm (4 - 5trái/kg). Hoa quýt trổ đều vào tháng năm. Sau 9 tháng, quýt bắt đầu chín vàng cây. Nhưng hiện tại người nông dân đã biết cách xử lí cho quýt ra trái quanh năm.

Chợ âm phủ một thời

Xã Định Yên thuộc huyện Lấp Vò - Đồng Tháp đã có nghề dệt chiếu lâu đời. Trước đây do ban ngày bà con bận bịu việc đồng áng hoặc miệt mài dệt chiếu nên đến tối mới rảnh rỗi và có chiếu bán. Thương thuyền ghe lái cũng thế, ban ngày buôn bán nơi khác tối về buông sào neo lại để mua.

Do vậy chợ chiếu thường họp vào ban đêm trong làn khói đuốc mỏng manh và hơi gió lành lạnh trên sông. Trong sân chùa cổ kính, dưới ánh đèn dầu leo lắt, những người họp chợ đi qua lại lặng lẽ mờ ảo như những bóng ma... Vì thế, chợ chiếu Định Yên còn được gọi là chợ ma, chợ âm phủ. Nhưng hiện nay, việc lưu thông buôn bán thuận tiện hơn rất nhiều nên "chợ ma" làng chiếu đã vãn. Về Định Yên, du khách chỉ còn được tham quan làng chiếu vào ban ngày.

Đường cổ Phan Bội Châu

Nếu nghỉ chân lại Sa Đéc, bạn nên chọn thuê nhà nghỉ, khách sạn tại Đường Phan Bội châu, con đường thơ mộng nhất thị xã Sa Đéc. Dọc theo đường là con rạch Cái Sơn rộng chừng 5m. Bên này có hàng liễu buông mình soi tóc xuống dòng nước. Bên kia là chùa Kim Huê cổ kính được xây dựng từ năm 1806. Chiếc cầu nhỏ cong vút nối hai bờ với nhau. Bạn sẽ có cảm giác mình đang là nhân vật trong một bộ phim cổ trang nào đấy.

Ngoài ra Đồng Tháp còn có các “điểm nhấn” khác: khu du du lịch Gáo Giồng, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, làng nem Lai Vung, làng hoa Tân Qui Đông...

- Di chuyển.
Đồng Tháp cách Sài Gòn 170km và cách Hà Nội 1.862km. Có thể đến Đồng Tháp bằng đường bộ hay hàng không.

Bằng phương tiện công cộng:
Từ Sài Gòn, có thể mua vé xe đi Đồng Tháp tại bến xe miền Đông hay của các hãng xe uy tín trên đường Lê Hồng Phong. Giá vé dao động từ 120.000 – 200.000 đồng, tùy chất lượng xe.

Phương tiện cá nhân
Nếu khoảng cách tương đối, bạn hoàn toàn có thể phượt bằng xe máy hay xe con đến Đồng Tháp.
Nếu xuất phát ở Sài Gòn thì từ Q.6 (vòng xoay An Lạc) hay Q.7 (cao tốc Trung Lương), đều đến được QL 1A. Từ QL1A, chạy thẳng tới cầu Mỹ Thuận có ngã ba chỉ Đồng Tháp thì rẽ phải theo hướng đó, chạy khoảng 20km nữa qua thị trấn Lai Vung, gặp ngã ba lớn rẽ phải thêm 25 km nửa thì đến Cao Lãnh.

Lưu ý khi di chuyển bằng xe cá nhân là mang đầy đủ giấy tờ, chấp hành đúng luật an toàn giao thông đường bộ.

- Khách sạn, nhà nghỉ
Khách sạn, nhà nghỉ tại Đồng Tháp có mức giá tương đối dễ chịu (từ 150.000 – 500.000 đồng). Một số cái tên có thể tham khảo như khách sạn Thiên An, Sông Trà, Thiên Ấn, Mộng Yến…

- Đặc sản Đồng Tháp
Các món nên ăn thử gồm lươn nấu trứng kiến, cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, hủ tiếu Sa Đéc, các món ăn từ cá linh và bông điên điển, chuột đồng, chuột cống nhum Cao Lãnh, sen Tháp Mười, hạt sen hấp, thịt chim.. Các món mua về làm quà quýt hồng Lai Vung, hồng sen tửu, nhãn Châu Thành, bánh phồng Tôm Sa Giang, nem Lai Vung…

Du lịch Đồng Tháp

Du lịch, GO! - Theo Tri Thức Trẻ, Tin tức Du lịch...