Mùa mưa tháng 7 cũng là lúc những cánh rừng ở Kbang hào phóng ban tặng cho con người nhiều sản vật, trong đó có măng lồ ô. Và lúc này, trong góc bếp của người Tày, Nùng ở đây cũng thường xuyên xuất hiện món ăn truyền thống dân tộc: món măng nhường.

“Măng của cây nứa tép hoặc măng vầu làm món măng nhường là nhất hạng. Ở đây rất hiếm khi có loại măng này nên chúng tôi thường làm bằng măng lồ ô. Mưa xuống, măng lồ ô bạt ngàn khắp các cánh rừng …”- người phụ nữ dân tộc Tày Hoàng Thị Nga (xã Lơ Ku) nói về nguyên liệu để chế biến món ăn truyền thống.

Chị cũng cho biết thêm, măng le vùng này cũng nhiều vô kể nhưng loài măng này đặc ruột nên không dùng để chế biến được.

Được yêu cầu bất ngờ, lại chiều khách, nên dù nhà không sẵn măng lồ ô, chị Nga nhanh chóng tìm được loại măng khác để thay thế, măng Điền Trúc. Quanh quẩn trong góc bếp của người phụ nữ Tày chừng 45 phút, vị giác đã được đánh thức bởi hương thơm của đĩa măng nhường nghi ngút khói. Chị Nga cho hay, đây là món ăn dân dã nên chế biến không cầu kỳ, không mất nhiều thời gian, nhất là rất bổ dưỡng cho sức khỏe sau những lao động vất vả trên nương rẫy.

Quy trình chế biến món măng nhường rất đơn giản: măng Điền Trúc được luộc chín, vớt ra để nguội, cắt khúc. Đôi tay chị Nga khéo léo lách lưỡi dao sắc ngọt theo chiều ngang khúc măng tươi thành những “lá” măng mỏng tang. Vừa làm chị vừa giải thích: “Nếu là măng lồ ô không cần công đoạn này, chỉ cần luộc chín, khoét ruột và cắt khúc là có thể bỏ nhân vào ruột hấp chín”.

Nhân của món măng nhường được làm từ thịt ba chỉ băm nhuyễn, trộn với trứng gà và hai loại rau thơm là ngò tàu và tía tô. Đặc biệt không thể thiếu gia vị quan trọng, đó là một loại bột nếp được rang chín. Nhanh tay trộn các gia vị làm nhân cho món măng nhường, chị Nga lý giải: “Nhất thiết phải là tía tô và ngò tàu mới mang lại hương vị đặc trưng cho món ăn. Người Tày bao đời nay vẫn duy trì cách chế biến cho món ăn truyền thống này theo đúng công thức đó”.

Sau bước chuẩn bị nguyên liệu, chị Nga khéo léo cuốn những cuốn măng nhường thành từng khúc, bỏ vào nồi hấp.

Khách lạ hoàn toàn có thể gọi đây là món măng nhồi thịt. Nhưng khi thưởng thức miếng măng nhường có màu tươi vàng, thơm ngậy của bản hòa tấu các loại gia vị, có cảm giác đang ăn món ăn lạ lùng. Vị của tía tô, ngò tàu, bột thính, thịt ba chỉ quyện vào nhau, thấm tháp vào vỏ măng tươi ngọt lừ, khiến khách không ngừng những lời cảm thán, thấy đã ngon lắm.

Vậy mà người phụ nữ có những nếp nhăn hóm hỉnh ở đuôi mắt khiến gương mặt lúc nào cũng như cười, vẫn chưa hài lòng: “Nếu chế biến măng nhường từ măng lồ ô sẽ ngon hơn nhiều, vỏ măng mỏng và mềm. Ông bà mình nghĩ ra món này dân dã là thế nhưng cách chọn măng lại khá cầu kỳ. Không ai biết món ăn này có từ khi nào nhưng không người phụ nữ Tày nào không biết làm”.

Những con người ở miền sơn cước luôn đón nhận tặng vật của rừng để sáng tạo nên những giá trị ẩm thực riêng có, đặc trưng. Cứ như cách chị Nga sử dụng măng Điền Trúc làm nguyên liệu thay thế khi không sẵn măng lồ ô đủ thấy sự linh hoạt trong cách sống của người phụ nữ Tày. Họ có thể biến tấu món ăn truyền thống theo từng cách riêng, phù hợp với hoàn cảnh.

“Mùa măng lồ ô có khi rẻ nhất chỉ 2.000 đồng/kg, đắt cũng chỉ 5.000-7.000 ngàn đồng/kg. Chúng tôi thường phơi khô để dành, đến mùa hết măng mang ra chế biến. Ông bà mình hồi xưa chỉ dùng măng tươi, nhưng mình dùng măng khô ngâm nước rồi luộc lên cho mềm, chế biến món măng nhường vẫn giữ được hương vị’- chị Nga nói.

Tuy là món ăn dân dã có trong bữa ăn hàng ngày, nhưng theo chị Nga, nếu trong ngày đại tiệc mà thiếu món măng nhường, người ta sẽ lập tức thấy nhớ…

Du lịch, GO! - Theo Hoàng Ngọc (Gia Lai Online) + internet