Những ngày này, mỗi ai có dịp đi qua đoạn quốc lộ 1A thuộc thôn 4, xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), sẽ bắt gặp bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc của những ao sen nở rộ. Màu sắc rực rỡ, hương thơm dịu nhẹ, khiến mỗi ai qua đây đều phải ngóng lại ngắm nhìn, thưởng thức vẻ đẹp bình dị của những cánh sen hồng.

Nơi đó không chỉ có không gian thoáng đãng, bình yên với cánh đồng lúa rộng mênh mông, xen lẫn những rẫy vườn thanh long xanh bạt ngàn, mà điểm nhấn chính là màu sắc của những ao sen đua nhau nở, tỏa hương khắp cả vùng quê. Từ lâu, địa danh bàu Sen (thôn 1) khu vực xã Hồng Sơn được biết đến đối với nhiều người dân trong xã cũng như khu vực lân cận.

Nhưng đó chỉ là một cái bàu rộng hơn 1.000m² do người dân trong thôn tự trồng trong thời kháng chiến chống chống Mỹ. Năm tháng trôi qua, bàu Sen đó đi vào cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân ngày càng sâu nặng.

Những năm gần đây khi giá trị của sen được nâng lên, người dân lại mở rộng trồng ở các hồ, ao dọc đường - đoạn từ trung tâm UBND xã Hồng Sơn hướng về thành phố Phan Thiết. Gia đình ông Phan Thanh Hà (72 tuổi) ở thôn 4, được mệnh danh là người gắn với những ao sen.

“Ngày đó từ bàu Sen ở thôn 1, tôi mua về 100 gốc để trồng trên diện tích ao nước ở trước sân nhà. Sau thời gian trồng, sen thi nhau mọc và vươn mình, sau đó nở bông màu hồng rất đẹp, tôi tiếp tục nhân rộng ra vài ao kế tiếp. Từ đó sen sinh sản nhanh và lan rộng, người dân xung quanh cũng xin về trồng và gây thành những ao sen liên tiếp đến ngày hôm nay”, ông Hà kể lại.

Từ chỗ trồng một ít ở ao trước nhà, đến nay ông đã nhân rộng thành những ao sen trên diện tích hơn 3.500m2. Theo vị chủ nhân này thì trước đây vài năm, chỉ có vài ao, mỗi năm cho nở hoa một lần vào dịp giữa mùa mưa, còn bây giờ sen nở bốn mùa, có được là nhờ nguồn nước từ hồ Suối Đá dẫn về. Sau mỗi đợt bông, thu hoạch hạt, họ lại cắt bỏ phần thân, cho nước vào nhiều và bón phân để mọc cây mới tiếp tục phát triển cho bông.

Theo tính toán của ông Hà thì trên diện tích trồng sen này, mùa bông nào ông cũng thu hoạch cao gấp 3 lần so với sản xuất lúa. Mỗi khi sen nở vào các ngày rằm hay mùng một, cắt bán với giá 2.000 đồng/ bông. Còn nếu để lấy hạt tươi bán giá 20.000  đồng/ kg, sen hạt phơi khô bán giá 45.000 đồng/kg.

Những ao sen nơi đây cứ đơm bông, kết hạt từng mùa, gắn với bao kỷ niệm, chuyện đời thăng trầm của cuộc sống người dân. Vào những buổi sớm mai ngày sen nở, những khách du lịch trong và ngoài nước khi đi ngang qua đoạn quốc lộ này đều dừng chân ngắm nhìn, ghi lại khoảnh khắc bằng những tấm hình tuyệt đẹp.

Đây cũng là nơi để các tay nhiếp ảnh gia từ Phan Thiết, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng… tìm đến say mê sáng tác chủ đề về sen. Hay những đôi uyên ương  chọn làm ngoại cảnh cho  bộ album cưới đầy lãng mạn. Ý nghĩa hơn, nhiều người đến đây để tìm kiếm một cảm giác yên bình, thanh thản, tránh đi cái xô bồ, ồn ào nơi phố thị.

Thời gian cứ trôi, đoạn đường quốc lộ 1A qua đây cũng không hề thay đổi, có chăng là sự đổi thay khung cảnh vào những ngày sen nở. Không thể nào tả hết sắc hồng của những cánh sen. Mỗi thời điểm một màu sắc, khi thì rực rỡ khi ngã màu nhạt hơn.

Những đóa sen hồng khẽ đưa trên nền xanh của lá, càng tô thêm bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc. Nhìn từ xa, cạnh ao sen là mấy ngôi nhà mang vẻ xưa cũ, ẩn mình bên hàng trúc lồ ô vàng đang đu đưa, càng làm cho khu vực nơi đây thêm đẹp.

Du lịch, GO! - Theo Khai Tâm (Bình Thuận Online), internet