Tôi dự kiến kết thúc chặng đường các tỉnh phía bắc Trung Bộ tại Đèo Ngang, điểm cuối cùng của Hà Tĩnh, nơi tiếp giáp Quảng Bình.

< Bình minh trên bãi biển Hoành Sơn, biến vắng trong ánh ban mai. Chỉ có những con sóng tràn lên bờ cát, lên những bãi đá. Phía xa là dải Hoành Sơn xanh mờ nhô ra biển.

Dãy núi Hoành Sơn được tách ra từ dãy Trường Sơn, cao 256m, dồn đuổi nhau từ Tây sang Đông, chạy dài ra tận biển. Ngày xưa, cũng chính nơi đây là ranh giới tự nhiên của hai nước Đại Việt và Chiêm Thành và nay là mốc địa giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.


< Trên đỉnh đèo Ngang.

Theo sử cũ thì đường thông qua Đèo Ngang đã có 1000 năm nay từ thời vua Lê Đại Hành (980 - 1005) nhưng phải đến 500 năm đầu thì Hoành Sơn - Đèo Ngang mới được biết đến nhiều và trở thành điểm xung yếu chia cắt Đàng Ngoài - Đàng Trong.

Từ thời vua Lâm ấp đã xây luỹ Lâm ấp để chống giữ quân Tấn thì đến thế kỷ XVII, quân Trịnh lại một lần nữa xây dựng một hệ thống đôn luỹ ở đây, gọi là luỹ Đèo Ngang hay luỹ ông Ninh.

< Hoành Sơn Quan có từ thời vua Minh Mạng.

Đến khi Quang Trung Nguyễn Huệ thống nhất đất nước, Đèo Ngang là cửa ngõ vào Nam ra Bắc. Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn Quan (cửa Hoành Sơn) ở đỉnh Đèo Ngang, cao hơn 4 m, hai bên có thành đăng dài hơn 30m, ở trên cửa đắp nổi ba chữ Hoành Sơn Quan. Hai phía Hoành Sơn Quan đào núi thành 1000 bậc. Nay Hoành Sơn Quan vẫn còn, không nguyên vẹn nhưng vẫn uy nghi, phong trần nơi đầu núi góc biển.

Dưới chân đèo về phía Bắc vốn xưa là cửa biển Xích Mộ. Cửa biển nay đã bị bồi lấp, nhưng bù lại, ngược lên phía Tây, cùng dưới chân đèo, mộ hồ khá lớn đã được xây dựng, quanh năm đầy nước.

Đèo Ngang là con đèo vượt dãy Hoành Sơn, là một chốt hiểm yếu trên con đường thiên lý Bắc – Nam. Đèo Ngang nổi tiếng không chỉ vì yếu tố lịch sử mà còn là một thắng cảnh nổi tiếng của dải đất miền trung đầy nắng gió. Ngày nay, Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo vẫn đứng sừng sững qua bao mưa nắng thời gian và đèo Ngang trở thành một huyền thoại đi vào văn chương, thi ca.

< Bình minh trên bãi biển Hoành Sơn, biến vắng trong ánh ban mai. Chỉ có những con sóng tràn lên bờ cát, lên những bãi đá. Phía xa là dải Hoành Sơn xanh mờ nhô ra biển.

Ngược về phía Bắc đèo khoảng 3km là con Đèo Con, tuy thấp hơn nhưng lại nằm sát ngay trên biển Đá Nhảy. Gọi vậy vì ở đây một bãi đá khá lớn từ núi ăn lan ra biển, to nhỏ, nhấp nhô với rất nhiều hình dạng khác nhau. Đây cũng chính là bãi biển Hoành Sơn.


< Thấp thoáng bóng dáng những ngư dân trên sóng biển Hoành Sơn.

Sóng biển đập vào bãi đá, ta cứ có cảm giác đá và sóng cùng nhảy, cùng nô đùa với nhau để cùng nhau tận hưởng vẻ đẹp kỳ thú của rừng và biển.

< Khi con sóng rút đi…

Tìm một chặng nghỉ chân trước khi vượt qua con đèo và dãy Hoành Sơn, tôi đã dừng lại ở bãi biển Hoành Sơn. Nằm ngay dưới chân đèo Ngang, đúng hơn là nằm ngay ngã ba từ tuyến quốc lộ 1A đi sát biển phân nhánh – một nhánh lên đèo theo con đường xưa cả ngàn năm, một nhánh đi xuyên hầm Đèo Ngang qua núi, bãi biển Hoành Sơn hoang sơ và lẩn khuất…

< Buổi chiều, biển như bình yên và vắng lặng hơn.

Bãi Hoành Sơn thuộc địa phận xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cách chân đèo Ngang chưa tới 2km (theo hướng quốc lộ Bắc – Nam), phía bên kia là địa phận Quảng Bình. Có lẽ ở nơi “tận cùng” này, mọi thứ vẫn còn hoang sơ như con đèo và dãy Hoành Sơn hùng vĩ.

< Một bức tranh của biển để lại.

Bãi biển Hoành Sơn được dãy núi bao bọc che chở nên kín đáo và lặng gió; nước trong, xanh ngắt. Nơi đây thừa hưởng khí hậu cũng như phong cảnh của cả biển và núi rừng. Ở bãi biển có thể nhìn thấy dãy Hoành Sơn – dãy núi chạy từ dải Trường Sơn – kéo ra tận biển Đông. Ở đó cũng có những bãi đá lô xô lan từ núi ra biển như như bãi “đá nhảy” như nhiều bãi biển miền Trung…

< Bãi đá và những mảng rêu cũng lặng lẽ.

Bãi biển Hoành Sơn nhỏ, hẹp, không thể là những bãi tắm hoành tráng mang tính công nghiệp du lịch ở miền trung như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An)… nhưng lại gây ấn tượng bởi sự hùng vĩ và hoang sơ của thiên nhiên, sự giản dị của cuộc sống con người.

Bãi biển Hoành Sơn chắc chắn sẽ hấp dẫn những người ưa phiêu lưu, khám phá. Thử xem, một buổi chiều trên bãi biển, trời man mác, không có ai và bất chợt một… đàn bò hiện ra. Dải Hoành Sơn đâm ra biển xanh mờ, những con sóng chồm lên bãi đá… Và thử xem, buổi chiều lên con đèo và xuống khi trời muộn; vẳng nghe thơ Bà Huyện Thanh Quan: “Một mảnh tình riêng ta với ta…”.

Ngày nay, Đèo Ngang với hai bãi tắm Hòn La (Quảng Đông) và Đèo Con - bãi Hoành Sơn (Hà Tĩnh) trở thành hệ thống du lịch thiên nhiên tuyệt vời, đang vẫy gọi bàn tay con người đến đầu tư khai thác. Sau khi đi hết con đường mòn rợp bóng thông trên đỉnh đèo. Cái nắng cháy người, cái rát của gió Lào tuyệt nhiên không còn ở đây, một không khí mát mẻ bao trùm tất cả.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ VOV, Wikimapia...