Có ở Hà Nội vào những ngày hè mới biết nó nóng bức ra sao. Đài báo nhiệt độ chừng 34 - 35 độ C, giống như trong Nam, nhưng khí trời ngoài đó hừng hực như chảo lửa. Mồ hôi lúc nào cũng tươm đầy các lỗ chân lông dù thành phố nầy phủ nhiều bóng mát cây xanh. Hà Nội có nhiều con phố rợp bóng cây sấu. Trái sấu tròn nhỏ cỡ ngón chân cái, lủng lẳng trên cành.

Sấu hái về, người ta chế biến thành vài món ăn thú vị. Giải quyết ngay tức thời cơn khát không gì bằng ly nước sấu bán trong những quán cóc ven đường. Cái thứ nước chua chua ngọt ngọt nầy, càng uống càng mê. Trái sấu còn được các nhà sản xuất chế biến thành nhiều thứ ô mai: chua giòn, chua cay, chua mặn, chua ngọt, chua gừng... loại nào cũng được các cô nàng tuổi mới lớn “hâm mộ”.

Nhưng trong các bữa ăn hàng ngày mùa nầy, người Hà Nội thường nấu trái sấu thành một món canh khoái khẩu, có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Chỉ cần một số trái sấu gọt vỏ rửa sạch, cho vào nồi nước đang sôi cùng một ít thịt nạc dăm bằm. Khi nước sôi trở lại, nêm nếm vừa ăn, múc ra tô, rắc hành lá xắt nhuyễn cùng một ít tiêu xay là cả nhà vừa ăn những chén cơm bốc hơi nghi ngút vừa xì xụp húp những muỗng canh nóng sốt, khỏe người. Khỏe người vì bao nhiêu mồ hôi túa ra, nhễ nhại nhưng mát làm sao.

Ngoài món canh sấu đơn giản như vậy, người Hà Nội còn có những bữa cơm với canh trái sấu đậm đà hơn, thi vị hơn, tất nhiên cầu kỳ hơn. Đó là tô canh sườn bung dọc mùng (bạc hà) trái sấu. Sườn mua về chặt từng miếng vừa ăn, trụng nước sôi, cho vô nồi xào cùng chút gia vị. Sau đó cho nước vào nồi, ngập phần thịt, nấu trên ngọn lửa nhỏ, nước sôi, hớt bọt. Dọc mùng tước vỏ, rửa sạch, xắt từng lát vừa ăn cho vào rổ thưa với chút muối, bóp nhẹ, để chừng năm phút, rửa lại bằng nước ấm. Sau đó vắt nhẹ cho nước trong dọc mùng ra hết. Trái sấu gọt vỏ cùng với cà chua xắt lát rửa sạch; hành lá bỏ rễ rửa sạch, xắt nhỏ.

Bắc nồi thịt lên bếp lửa nhỏ, hầm chừng nửa tiếng thì thịt mềm, cho sấu, cà chua vào, đậy nắp vung. Khi nồi canh sôi lại thì nêm nếm gia vị vừa ăn. Sau cùng cho dọc mùng vào, vặn lửa lớn để nồi canh sôi bùng. Tắt bếp, múc canh ra tô, rắc hành lá xắt nhỏ lên. Món canh nầy ăn với cơm đã ngon, nhưng trong ngày hè oi bức ăn với bún mới là điều thú vị, vì vừa xua đi cái nóng nực, ngột ngạt của tiết trời khắc nghiệt, vừa cho ta vị chua thanh của sấu, mùi thơm của thịt hầm với những miếng dọc mùng giòn mát trong miệng lưỡi.

Nhưng nếu mua được con cá nheo thì món canh kiểu nầy càng thêm ý vị. Cá nheo là giống cá sông, khá lớn con, giống cá trê, cá ngác trong Nam. Cá mua về, làm sạch, lọc lấy phi lê, cắt từng miếng vừa ăn, để ráo. Sau đó đem thịt cá xào với nghệ, khi nấu sẽ cho món ăn có màu vàng hấp dẫn. Nấu món canh nầy cũng giống cách nấu sườn bung dọc mùng, nhưng khi gần thành món người ta cho thêm một ít thì là vào.

Thịt cá nheo khi ăn săn chắc, có vị ngọt, đượm vị chua của sấu và cà chua nên rất ngon, lại càng “quyến rũ” đôi đũa thực khách nhờ mùi thơm sảng khoái khứu giác của thì là. Đây còn là một món ăn bài thuốc. Sách Dược tính chỉ nam cho biết cá nheo có tên là niềm ngư hay di ngư, có tác dụng bổ khí, chữa thiếu máu ở những người vừa lành bệnh, phụ nữ sau khi sinh, suy nhược cơ thể, đau bao tử...
Cho nên, ăn tô canh sườn bung dọc mùng hay tô canh sấu cá nheo tuy dân dã nhưng đem lại hiệu quả giải nhiệt cho cơ thể con người trong mùa hè oi ả.

Du lịch, GO! - Theo Thesaigontimes, ảnh internet