Tại Quảng Nam, trái mít ngoài để ăn chín còn được dùng để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như mít non luộc xắt phay chấm mắm ruốc, mắm cái hoặc làm gỏi mít; mít già xắt phơi khô để ghế (xáo) cơm; mít chín ngào gói trong mo cau cất nơi gác bếp là thứ “kẹo dẻo” khiến trẻ con luôn mê mẩn.

Đặc biệt, món mít hông là món ăn tuy dân dã nhưng cực kỳ hấp dẫn mà khi nói tới, người viết đã nghe nước bọt “râm ran” trong miệng.
Nghe nói ở thành phố Tam Kỳ có mấy quán bán mít hông rất hấp dẫn nên chúng tôi hăm hở “đánh” xe máy đi gần 60km để được thưởng thức.

Quán mít hông nằm khiêm nhường ở số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng. Trên dĩa mít hông còn có đậu phụng (lạc) rang giã giập, dừa nạo, dầu phụng đã phi thơm…
Ăn lúc nóng, múi mít hông ngọt ngào bốc hơi thơm lừng nơi mũi, hoà quyện lan toả của các vị ngọt, béo, bùi… đáng nhớ làm sao.

Chủ quán là anh Nguyễn Văn Kế (46 tuổi) vừa cho chúng tôi xem nồi hấp vừa cho biết cách chế biến: chọn những trái mít già “khú đế” hoặc trở tiếng (gần chín), lấy dao xắt chuối gọt vỏ, lấy lá chuối khô chùi mủ sạch sẽ, rồi xẻ trái mít ra làm nhiều miếng, cắt cùi, tách múi.

Lúc này, những múi mít già có màu vàng ngà trông rất bắt mắt. Sau đó, dùng dao rạch từng múi mít để bóc lấy hạt và lớp vỏ lụa ra ngoài. Nhân bỏ trong múi mít có thể làm bằng đậu xanh hoặc hạt mít luộc chín rồi đổ ra rổ rá cho nguội.

Dùng dao xếp lột vỏ lụa của từng hạt mít. Đem hạt mít này cho vào cối xay nát, sau đó lấy muỗng múc ra thau và dùng đũa bếp đánh cho tơi ra. Bấy giờ mới trộn các loại gia vị như tiêu bột, mì chính, muối hầm, rau ngò tàu... với tỷ lệ ước lượng theo kinh nghiệm từng người. Công đoạn này có tính chất quyết định phẩm chất của món mít hông.

Sau khi trộn cho các loại gia vị thấm đều, lấy xoong đổ dầu phụng (lạc) phi hành tỏi cho thơm rồi cho nhân vào xào khoảng năm phút thì được. Nhân nguội, dùng muỗng xúc cho vào từng múi mít. Công đoạn cuối cùng là sắp xếp những múi mít vào xửng và hong cách thuỷ chừng ba mươi phút cho chín. Khi sắp mít hông vào đĩa, nhà quán thường rắc lên trên đậu phụng (lạc) rang giã giập, dừa nạo, dầu phụng đã phi thơm…

Anh Kế còn cho biết, mít già anh mua mỗi ký là 11.000 đồng, trung bình mỗi trái mít già cho chế biến từ 20 – 30 dĩa mít hông, giá bán mỗi dĩa khoảng 10.000 đồng. Ngày thường trung bình mỗi ngày anh bán khoảng 5 – 6 trái; ngày lễ, tết bán khoảng 8 – 10 trái. Người ăn đa phần là học sinh, sinh viên từ khắp vùng miền đều ghiền món này.

Ngày nay, đời sống kinh tế của cư dân xứ Quảng cũng khá dần lên, cảnh những nồi cơm ghế mít thơm lừng, những nồi mít hông thơm ngào ngạt do bà mẹ quê chế biến cũng đã mất dần trong sự ra đi của những người già về bên kia thế giới. Cho nên, anh Kế cho hay, hai quán bán mít hông này chỉ có duy nhất ở thành phố Tam Kỳ, và có thể là cả nước.

Du lịch, GO! - Theo Hòa Vang (TuoitreQuangnam), internet