Một người bạn ở Quảng Hòa (Quảng Trạch, Quảng Bình) nói với tôi nơi đây còn hơn 100 ngôi nhà gỗ cổ phủ bóng rêu phong. Căn nhà cổ nhất đã hơn 300 năm tuổi, “trẻ” nhất cũng đã 200 năm soi bóng với sóng nước sông Gianh.

Nhà xưa soi bóng

Cư dân Quảng Hòa, anh Nguyễn Văn Thái, một tay máy ảnh có tiếng trong vùng giới thiệu với chúng tôi về những căn nhà cổ có một không hai bên bờ sông Gianh: “Nhiều vùng ven bờ sông hiền hòa này đã cơ bản bê tông hóa đường sá, vườn tược nhưng vùng Quảng Hòa này còn giữ được những ngôi nhà cổ độc đáo là một sự lạ hiếm nơi nào có được”.

Nghe lời anh, chúng tôi tìm về Quảng Hòa bữa đầu mùa nóng, cái nắng chao chát rát mặt, vậy mà vào một ngôi nhà xưa còn lại, không khí mát rượi không đặc quánh như bao căn nhà bê tông cốt thép khác. Đó là nhà cụ Nguyễn Phương (83 tuổi). Cụ nằm trên chiếc chõng tre đầu hồi, có người vào cụ vẫn minh mẫn đứng dậy, ngồi cạnh chiếc bàn cổ rót nước đãi khách. Biết chúng tôi tìm hiểu về căn nhà, cụ lần giở từng trang gia phả bằng ký tự cổ rồi kể: “Căn nhà đã hơn 350 năm, làm thượng chua, hạ mít. Cụ tổ căn nhà này vốn là một quan tri huyện miền trong, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quan trường, được hồi gia, xuất tiền vào Lệ Thủy mua nhà của một địa chủ cự phách, chở bằng thuyền buồm, đi đường biển, vào cửa Gianh, giong buồm lên Quảng Hòa cất nóc, từ đó đến nay chưa sửa chữa một cái đòn tay nào”.

Bí quyết của căn nhà rường chắc chắn này theo cụ Phương là ở chỗ nó được tẩm chất chống mối mọt bằng thủ công từ ngày xưa, một loại chất đã thất truyền cũng ngót nghét trăm năm. Nhà cụ Phương 3 gian, những cột những kèo, những đòn tay, rui mè vẫn còn bóng dáng thuở xưa, chạm tay vào thớ gỗ nào cũng mát mịn. Các chạm khắc tinh xảo, từ đầu rồng, công phượng đến trúc, sen hoa huệ đều được chăm chút mài giũa tỉ mỉ.

Rời nhà cụ Phương, chúng tôi vào căn nhà ông Đinh Phan Dần, một bóng dáng lộng lẫy thuở trước kéo về. Tòa nhà 5 gian trong một khu vườn rộng thoáng. Trước người làng gọi đó là lầu ngang dãy dọc, bởi có một gác nhà ngang ở hồi phía Đông làm 2 lầu, bằng gỗ rất đẹp nhưng sau do chiến tranh, bom đạn cày xới khiến tòa lầu cầu kỳ này bị cháy.

Cụ Trương Hiền (87 tuổi) chống gậy ra nói chuyện: “Tui hồi nhỏ lớn lên thấy căn nhà này đẹp nhất vùng, nó có tòa nhà 5 gian rộng, lại có tầng lầu phía Đông khiến ai đi đâu trên sông Gianh cũng lấy nó làm chuẩn, bởi nó đẹp và cao ráo nhất vùng”. Những hoa văn chạm khắc vẫn còn lộ rõ dưới lớp bụi lưu cữu lâu ngày không được lau chùi dọn dẹp, tuy ngôi nhà hiện vắng bóng chủ nhưng nhìn vào vẫn thấy bản sắc Việt nền nã trong một khu vườn màu xanh.

Người am hiểu về các ngôi nhà rường vùng Quảng Hòa là thầy giáo Đinh Xuân Thắng ở xóm Vĩnh Phú, bởi từng một thời ông rất giỏi nghề mộc. Tuy đã 70 tuổi nhưng khi nói về các căn nhà rường, ông tỏ ra nhanh nhẹn: “Ở đây tính sơ sơ cũng có cả trăm căn nhà rường cổ. Nhà tui đây cũng ngót hơn 200 năm. Ở trong những căn nhà như ri, mùa hè nóng nực, có mất điện cũng dễ thở, bởi nó mát và dịu vô cùng. Cha ông xưa thiết kế mẫu nhà rường này là để hút gió và hút hơi nước ngoài đồng hoặc từ sông Gianh vào để làm mát, từ đó mà con cháu giữ gìn cho đến hôm nay”.

Bí quyết tường nhà

Quảng Hòa xưa vốn là làng của thợ mộc, nổi tiếng ra cả Hà Tĩnh và vào đến Thừa Thiên - Huế. Người làng kể, có nhiều thợ cả của làng đã từng tham gia dựng nên lầu son gác tía, phủ đệ ở cố đô Huế. “Chính vì thế mà nhà rường Quảng Hòa đẹp và còn lưu lại thế gian cả trăm gian cho tận hôm nay”, ông Thắng nói. Theo thầy Thắng, nhà rường Quảng Hòa có 2 loại, loại dành cho quan lại và địa chủ cự phách, đó là loại nhà chạm trỗ tinh xảo, hoa văn cầu kỳ; loại khác là nhà rường của con dân, không chạm trỗ gì ngoài việc bào nhẵn rui mè, lóng gỗ và cột kèo, tuy nhiên loại nhà của dân giản dị thế nhưng vẫn bền đến hôm nay.

Bí quyết để ngôi nhà tồn tại lâu bền qua thời gian, theo ông Thắng là nằm ở các bức tường. Nhà xây thấp nhằm tránh bão quần dập và tường xây dày để chống nắng, làm mát lúc hè, cũng như giữ ấm cho con người vào mùa đông. Căn nhà của cụ Phương có tường xây bằng gạch vồ thủ công và vữa xây là từ sợi dây tơ hồng trộn lẫn đất sét cùng với mật mía, tường xây dày đến gần 0,5m. Qua bao dâu bể đổi dời, nhà của cụ Phương vẫn vững chãi với bụi thời gian, bao nhiêu trận lũ càn, những bức tường vẫn trơ vững, ôm ấp bộ rường nhà.

Căn nhà của thầy cả Thắng hiện chở che trong đó ba đời người, gồm ông, các con và cháu nội. Ngôi nhà có mái ngói cổ còn lại nguyên vẹn đến tận hôm nay, ngói đóng dấu chỉ của vùng gốm Ngọa Cương vang bóng một thời từ 200 năm trước. Thời gian đã phủ bao mưa nắng nhưng cốt ngói vẫn còn bền chắc đến lạ.

Tuy nhiên, người làng vẫn canh cánh một nỗi lo, bên cạnh những ngôi nhà còn người ở là các ngôi nhà đã tàn lạnh khói hương. Rất nhiều ngôi nhà rường xưa đang bỏ hoang bởi chủ nhân đã về với tổ tiên, để lại cho cháu con nhưng vì nghiệp mưu sinh, con cháu của họ tứ tán khắp ngả. Nhà của cụ Đinh Phan Dần là một ví dụ, hôm chúng tôi đến, trộm đột nhập từ nóc nhà lấy mất bộ lư hương cổ, ngôi nhà đầy bụi bặm vì vắng bàn tay chăm sóc, hoang lạnh đến nao lòng. Cụ cả Thắng nói: “Nay ở trong những căn nhà rường này là người già, trẻ đi làm ăn xa, đa phần khó khăn nên không có điều kiện sửa chữa. Nay cũng mong muốn địa phương kiểm đếm lại để có cách bảo tồn nhằm dự tính cho lâu dài, mong thế mà có ai đoái hoài đâu”.

Rời Quảng Hòa, bóng hoàng hôn phủ xuống phía núi ở thượng nguồn sông Gianh, qua bên kia sông, những mái nhà xưa dần mờ bóng, bụi thời gian chắc chắn tiếp tục làm mờ bao căn nhà cổ. Một gia tài hiếm có đang dần bị lãng quên!

Du lịch, GO! - Theo Minh Phong (Sàigòn Giải Phóng), ảnh internet