Làng nghề sơn mài Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội có hơn 200 năm lịch sử. Bên cạnh việc kế thừa truyền thống của cha ông để lại, những người con của làng Hạ Thái bằng sự cần cù, chịu khó, sáng tạo của người thợ thủ công đã đem lại cho làng nghề từng bước phát triển mới.

Theo những nhà nghiên cứu thì làng nghề sơn mài Hạ Thái có từ thế kỉ thứ XVI. Nơi đây được biết đến bởi bàn tay khéo léo và tài hoa của người thợ thủ công đã tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ sang trọng và đẹp mắt. Theo những người thợ thủ công cho biết, nói đến nghề sơn cổ truyền là nói đến việc sản xuất, chế tác các sản phẩm sơn quang dầu hoặc sơn mài.

< Khâu tráng đất phù sa Sông Hồng.

Nghề sơn mài tuy ra đời muộn hơn các nghề cổ truyền khác nhưng nó đã nâng nghề sơn lên thành nghệ thuật bởi sự công phu, cầu kỳ trong quá trình sáng tạo để làm nên sản phẩm.

Xưa kia những người thợ thủ công chỉ tập trung vào sản xuất hàng sơn son thiếp vàng, chủ yếu dùng các loại sơn ta, cách pha theo kinh nghiệm cổ truyền. Loại sơn này lấy từ Phú Thọ, đặc tính của nó rất độc vì vậy trong quá trình pha chế nếu không cẩn thận sẽ bị ăn lở, sưng húp cả mặt. Chính vì vậy, công đoạn pha chế sơn có vai trò đặc biệt quan trọng, nó quyết định đến sự thành bài của sản phẩm. Giai đoạn này đòi hỏi người thợ thủ công phải hết sức khéo léo, tỉ mỉ, kiên nhẫn và phải có kinh nghiệm từ khâu nấu sơn cho đến khâu thử sơn chính.

< Khâu tráng bạc đòi hỏi sự tinh tế và tỉ mỉ của người thợ thủ công.

Để ra đời một sản phẩm, người thợ phải kiên trì với phương pháp thủ công kéo dài, phải cầu kỳ, điêu luyện.. thậm chí hàng tháng trời mới hoàn thành xong một sản phẩm. Sản phẩm mang vẻ đẹp tài hoa của những người thợ, sự óng ánh của màu sắc đến lộng lẫy, kiêu sang và sự tinh tế, duyên dáng của các họa tiết đẹp một cách tuyệt vời.

Chính những điều này đã tạo nên thương hiệu sơn mài Hạ Thái mà không chỉ trong nước mà bạn bè quốc tế cũng biết đến, đem lại cho cuộc sống của người dân nơi đây những thay đổi rõ rêt.

< Khâu khảm trứng - vỏ trứng là trứng vịt đã ấp thành con, vịt con đã ra khỏi vỏ trứng kéo theo lớp màng mỏng, lúc này trứng mới có thể hút sơn và bám vào sản phẩm.

Tuy nhiên vài năm trở lại đây do sự phát triển của kinh tế, cũng như các làng nghề truyền thống khác, khó khăn của làng nghề sơn Hạ Thái là chi phí đầu vào của sản phẩm. Nếu trước kia 1kg sơn ta có giá là 300 nghìn đồng thì hiện nay đã tăng gấp đôi. Vì vậy không ít hộ kinh doanh phải sản xuất cầm chừng, duy trì nghề là chính. Một số hộ thì đã chuyển sang làm đồ thờ cúng. Trong khi đó thị trường trong nước thì tiêu thụ chậm, còn thị trường ngoài nước thì số đơn đặt hàng cũng giảm rõ rệt thêm vào đó là yêu cầu cao về chất lượng, thời gian hoàn thành sản phẩm nhanh… đã khiến không ít hộ sản xuất gặp khó khăn.

Mặt khác các sản phẩm làm ra đòi hỏi nhiều kiểu dáng mẫu mã mới nên làng nghề đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào việc pha chế, thay đổi công đoạn phủ sơn, tạo cho sản phẩm độ bóng, bền và đẹp. Mỗi sản phẩm tráng từ 15-16 lớp sơn, ít cũng 10 lớp thì mới đảm bảo được độ bong và bền của sản phẩm. Người Hạ Thái thường dùng loại sơn dầu hạt điều trộn với đất phù sa Sông Hồng theo một tỉ lệ nhất định để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Qua bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước ta được tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn mà vẫn giữ được một nét duyên dáng, đằm thắm của làng quê Việt Nam. Hay những tà áo dài thướt tha trong gió… cũng được tái hiện một cách sinh động và nên thơ.

Một sản phẩm được hoàn thành phải trải quan rất nhiều công đoạn, đầu tiên là tạo cốt (nguyên liệu chính) để phủ sơn mài người thợ phải hết sức tinh tế. Muốn sản phẩm bóng mịn màng nhưng lại giữ được độ bền lâu, người thợ thường dùng chất liệu gốm, tre hoặc gỗ dán để tạo cốt. Sau công đoạn tạo cốt sẽ là hàng chục các công đoạn được nối tiếp ít nhất trong vòng 25 ngày để hoàn thiện sản phẩm. Khâu phơi sản phẩm cũng là một khâu đặc biệt quan trọng bởi nếu chỉ cần một hạt bụi, hạt cát bay vào sản phẩm vừa được vẽ, phủ sơn, sẽ làm hỏng độ bóng, độ mịn của nước sơn.

Theo khảo sát hiện nay làng nghề Hạ Thái có hơn 800 hộ gia đình nhưng đến nay chỉ còn trên dưới 400 hộ sản xuất, vì vậy số lượng đơn đặt hàng cũng như doanh thu giảm còn 50-60%. Hiện nay làng Hạ Thái đã được thành phố quy hoạch là một trong 6 điểm làng nghề du lịch, nhưng thời gian qua ngoài chuyển được các cơ sỏ sản xuất lớn ra vùng quy hoạch khu công nghiệp, thì đến nay làng vẫn chưa thể thu hút được các tour du lịch ngoài các khách đơn lẻ tự tìm về với làng nghề.

Theo bà Nguyễn Thị Hồi – Giám đốc cơ sở sơn mài mỹ thuật Hồi Quyết cho biết: “Trong bối cảnh khó khăn chung của nhiều làng nghề, Hạ Thái cũng không ngoại lệ, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, thì chính các doanh nghiệp làng nghề phải tự nỗ lực khắc phục khó khăn, điều chỉnh cho hợp lý nhu cầu sản xuất để không phải chuyển đổi kinh doanh hay đóng cửa mà vẫn giữ được làng nghề truyền thông của ông cha”.

Với hơn 200 năm là quãng thời gian không dài so với một làng nghề truyền thống ở Việt Nam như Hạ Thái, nhưng đó cũng là ngừng ấy thời gian mà gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Nhì gắn bó 3 đời với nghề sơn mài này, ông tâm sự: “làng nghề sơn mài Hạ Thái cho đến giờ cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm, vào những năm cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước hay các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó Hạ Thái cũng đã từng trải qua, đến nay ngoài một số cơ sở chuyển sang ngành nghề khác thì nhiều gia đình vẫn nặng lòng bám giữ nghề cho làng”.

Khó khăn là vậy nhưng người làng Hạ Thái vẫn tin tưởng vào tươg lai của nghề sơn mài. Với những bàn tay khéo léo Hạ Thái nhiều năm nay đã trở thành địa chỉ có uy tín xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…

Du lịch, GO! - Theo Đông Tuyết (ANTĐ), internet