Chợ Bình Tây (còn được gọi là Chợ Lớn, Chợ Lớn Mới) với lối kiến trúc cổ, mang đậm phong cách Á Đông, được thành lập trong những năm đầu tiên hình thành vùng đất Sài Gòn xưa. 

< Chợ Bình Tây mang lối kiến trúc độc đáo phương Đông.

Nơi đây là điểm buôn bán, giao thương quan trọng giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như với một số nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Thái Lan…
Chợ Bình Tây được khởi công từ năm 1928 và hoàn thành năm 1930. Chợ được xây dựng bằng xi măng cốt thép theo kỹ thuật phương Tây nhưng lại mang đậm nét kiến trúc Á Đông.

< Kiến trúc cổng chợ gần giống với một tháp chùa, bốn mặt có bốn chiếc đồng hồ lớn.

Cổng chợ có hình một tháp lầu cao, kiến trúc gần giống kiểu cách của một ngôi chùa, mái lợp ngói âm dương, bốn phía có đồng hồ lớn, trên góc mái và đỉnh tháp có hình rồng đắp nổi, mặt trước có bức phù điêu khảm sành màu xanh hình “lưỡng long chầu châu”. Bốn góc chợ có 4 chòi nhỏ, toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng. Chính giữa chợ có khoảng sân trời rộng rãi, thoáng mát.

< Hình rồng đắp nổi bằng gốm trang trí trên nóc chợ.

< Đài phun nước hình đôi kỳ lân bên trong chợ.

Chợ Bình Tây bốn phía tiếp giáp với đường Lê Tấn Kế, Tháp Mười, Trần Bình, Phan Văn Khỏe. Chợ có 12 cổng nhỏ thông ra bốn hướng và một cổng chính nhìn về xa lộ Tháp Mười, trực diện bến xe Chợ Lớn, là cửa ngỏ về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thuận lợi cho giao thông, vận chuyển hàng hóa.

Chợ Bình Tây có 2.358 sạp hàng. Riêng khu vực nhà lồng có 1446 sạp, trong đó tầng trệt có 698 sạp, tầng lầu có 748 sạp. Trong chợ có khoảng 876 gian hàng chuyên về thực phẩm và gia vị, đây là mặt hàng chiếm tỉ lệ cao nhất ở chợ. Ngoài ra còn có các mặt hàng về đồ dùng gia đình, hàng may sẵn, lương thực và các ngành hàng khác.

< Một sạp hàng vải trong chợ Bình Tây.

Hàng hóa trong chợ phần lớn được phân phối dưới hình thức bán sỉ cho mối lái các tỉnh và những tư thương mua về bán tại các chợ nhỏ trong thành phố. Chợ Bình Tây là nơi làm ăn buôn bán chính của đồng bào người Hoa ở Tp. Hồ Chí Minh, nhất là người Hoa ở các quận 5, 6 và 11. Tại đây, số lượng tiểu thương người Hoa chiếm khoảng 25% tổng số lượng hộ kinh doanh buôn bán.

< Chợ Bình Tây gồm có hai tầng, tầng trệt có 698 sạp, tầng lầu có 748 sạp.

Chợ hoạt động từ 3 giờ sáng đến 9, 10 giờ đêm. Tờ mờ sáng, chợ đã bắt đầu náo nhiệt với những gian hàng thực phẩm, quần áo. Người bán, kẻ mua từ khắp nơi đổ về rất nhộn nhịp và sôi động. Tiểu thương người Việt và người Việt gốc Hoa kinh doanh buôn bán ở chợ Bình Tây có truyền thống tương trợ, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.

< Giữa chợ có một công viên xanh và tượng thờ ông Quách Đàm, người có công lớn trong việc xây dựng chợ Bình Tây.

Dọc theo khuôn viên chợ, có những quầy ăn uống bày bán nhiều món ăn Nam Bộ với giá rất bình dân để phục vụ khách đi đường và tiểu thương trong chợ. Thức ăn ở đây cũng phong phú và không kém phần hấp dẫn như các món cháo, bún măng, bánh ướt, vịt tiềm… Đặc biệt, các sạp bán thức ăn ở đây rất biết chiều lòng thực khách bằng cách thường xuyên thay đổi món cho phù hợp với khẩu vị.

< Một góc chợ đêm Bình Tây phía đường Lê Tấn kế.

< Ngoài chức năng giao thương buôn bán, Chợ Bình Tây còn là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách nước ngoài.

Về đêm, chợ Bình Tây cũng nhộn nhịp và thơ mộng dưới màu đỏ của những chiếc đèn lồng đong đưa trước gió. Lúc này, du khách có thể đi dọc bên hông chợ để xem những quầy trái cây bày bán rất nhiều loại đặc sản được đưa từ miền Tây về như: xoài cát Hoà Lộc, bưởi Năm Roi, chôm chôm Vĩnh Long...

Không chỉ là nơi giao thương quan trọng, chợ Bình Tây còn là một trong những điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều công ty du lịch đã đưa chợ Bình Tây vào danh mục tuor tham quan của mình. Vì vậy, hàng năm, chợ Bình Tây đón khoảng trên 100.000 lượt khách du lịch nước ngoài đến đây tham quan, mua sắm và thưởng thức nghệ thuật ẩm thực đất phương Nam.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Oanh - Nguyễn Luân (Báo Ảnh VN)