Du khách đến Huế, có dịp lên Hải Vọng Đài - Bạch Mã ở độ cao 1.450m, sẽ thấy cả xứ Huế non xanh nước biếc, phá Cầu Hai bạt ngàn sóng nước và thiền viện Trúc Lâm uy nghiêm, trầm mặc giữa hồ Truồi.

< Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã giữa hồ Truồi.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, nằm trong quần thể khu du lịch Bạch Mã, tọa lạc trên bán sơn đảo của xã Lộc Hòa, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trúc Lâm Bạch Mã thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là thiền viện đầu tiên tại miền Trung do Hòa thượng thiền sư Thích Thanh Từ sáng lập.

Từ Huế, theo đường Quốc lộ 1A xuôi về Nam chừng 30km, đến cầu Truồi rẽ phải thêm 9km nữa sẽ thấy sừng sững trước mắt là đỉnh Bạch Mã quanh năm chìm trong mây trắng, mênh mang dưới chân Bạch Mã là hồ Truồi xanh biết chạy dài hết tầm mắt. Bên kia bờ nước, thấp thoáng giữa ngọn linh sơn là những lầu chuông, phương trượng, chánh điện, tháp xá lợi của thiền viện... sáng rực lên một cách lung linh huyền ảo trong nắng chiều.

< Đường lên thiền viện.

Đường vào thiền viện quanh co nhưng khá dễ đi. Qua hết con dốc, đến lưng đồi là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp: những sơn đảo trùng điệp, kỳ vỹ phủ mây trắng thong dong giữa hồ Truồi mênh mông. Từ đây, xuống thuyền đi tiếp khoảng 500m là qua bên kia thiền viện.

Bước xuống chuyến phà của nhà chùa luôn luôn chờ sẵn, băng ngang lòng hồ mênh mông nước, bao nhiêu bụi trần như được giũ bỏ hết trước khi đặt chân tới chốn thiền môn. Giữa bao la nước thênh thang trời, con người thật nhỏ bé và thấy lòng nhẹ tênh khi bước vào cửa thiền.

Sang đến bờ bên kia, cao vút trước mắt là 172 bậc tam cấp như thử thách cuối cùng cho khách hành hương. Sừng sững phía trên cùng là cổng Tam Quan của chùa. Đứng trước cổng phóng tầm mắt nhìn xuống bắt gặp một vùng non nước xứ Truồi in bóng trời mây. Mặt nước hồ Truồi lung linh như dát vàng, dát bạc.

Theo đại đức Thích Tâm Hạnh, trụ trì thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, đây là vùng đất “án sơn - thủy tụ”. Cuối dãy Bạch Hổ là mỏm núi Lưỡi Cái. Cuối dãy Thanh Long là đỉnh núi Truồi. Quả đồi thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã hiện lên giữa lòng hồ Truồi như một đóa hoa. Nơi đây, hội tụ cả hai luồng gió: lục địa và biển Đông, nhiệt độ thường ngày khoảng từ 19 - 21°C.

Bước chân vào chùa, khách hành hương như ngẩn ngơ trước vẻ hùng vĩ và trang nghiêm của những chánh điện, tổ đường, trai tăng... Những mái chùa cong vút in hình trên nền trời xanh hay những ngọn núi mây trắng vờn quanh.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nối dòng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam với các thiền viện Yên Tử, Tây Thiên, Đà Lạt. Xứ Huế nay có thêm một địa chỉ cho khách hành hương tìm về với cố đô.

Công trình thiền viện được chia thành ba khu vực: ngoại viện, tăng viện và ni viện với trên 20 hạng mục lớn nhỏ gồm chánh điện, tổ đường, cổng tam quan, lầu chuông, tháp trống. Khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng Phật Thích Ca làm bằng đá cao 24m, nặng 1.500 tấn đặt trước chùa.

Vượt hết dốc thoải bên lưng đồi, một bức tranh thủy mặc sinh động bất ngờ hiện ra trước mắt : Núi núi chập chùng, ngọn mờ, ngọn tỏ như có như không soi mình trong gương nước. Muôn chim đua hót, hòa cùng suối reo giữa đất trời thênh thang. Con người như bị thu nhỏ, tan biến vào cõi thênh không vô tận.

Nằm giữa hai miền đất nước, nơi mảnh đất Thần Kinh, Bạch Mã hiển hiện trầm hùng, kỳ vỹ mà ôn hòa, như mang cái mát lành của cao nguyên Đà Lạt về trên xứ Huế. Cuối dãy Bạch Hổ là mỏm núi Lưỡi Cái. Cuối dãy Thanh Long là đỉnh núi Truồi, lấy ngọn Trì Giang làm Án Sơn. Quả đồi nơi thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tọa lạc hiện lên giữa lòng Hồ Truồi như một đóa hoa, gối đầu vào núi rừng Bạch Mã trải dài đến hút mắt, có Long chầu Hổ cứ, có thủy bảo sơn bao.

Ở độ cao 1.450m, cách biển đông 5km đường chim bay, nên ta có thể thưởng thức cả hai luồng gió của hai lục địa và biển đông. Nhiệt độ thường từ 19 oC đến 21oC. Bạch Mã được xem là một trong những vùng có khí hậu lý tưởng. Vì là cái rốn giữa Trường Sơn, giao lưu giữa hai miền Nam - Bắc, nên nguồn động vật và thực vật ở đây rất phong phú. Cảnh sắc lại không kém phần ngoạn mục. Mây trắng phủ đầu non, khi thì trầm mặc, lúc lại bồng bềnh, khi thì thong dong tự tại.

Đứng từ độn Trì Giang hay từ cầu Lương Điền, hoặc nhìn từ Ngự Bình Huế, mây trắng lửng lờ có dáng như hình con ngựa hiện rõ. Vì thế mà gọi Bạch Mã. Với người Tây phương, Bạch Mã được xem như là mặt trời.

Mùa cao điểm mỗi ngày có khoảng 5.000 người đến thiền viện, chủ yếu là khách hành hương và các tăng ni Phật tử về nghiên cứu, tu tập. “Xây dựng thiền viện nhằm khơi dậy tinh thần cao quý của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tại danh thắng Bạch Mã. Đây là nơi tu học lý tưởng, phục vụ việc tu thiền cho tăng ni, Phật tử cũng như góp phần tôn tạo cảnh quan thiên nhiên gắn liền với khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bạch Mã”, đại đức Thích Tâm Hạnh chia sẻ.

Xuống thuyền, rời thiền viện, du khách như còn nghe văng vẳng tiếng chuông vọng núi rừng. Tạm biệt thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, khách như mang theo sự an định của tâm hồn vô ưu.

Năm 1932, một kỹ sư Công Chánh người Pháp Gacques Girard đã khám phá núi Truồi và tiến dần lên vùng Bạch Mã. Năm 1945, thành phố Bạch Mã được xây dựng gần hoàn chỉnh với 139 ngôi biệt thự. Nơi ấy có chợ, bưu điện, bệnh viện v.v

Sau, do chiến tranh thành phố bị tàn phá, Bạch Mã tưởng chừng đã ngủ yên trong lòng dân Huế. Nhưng Bạch Mã đã hồi sinh trở lại. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã - ngôi thiền viện đầu tiên được xây dựng ở miền Trung, thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Hòa Thượng Tôn Sư Thượng Thanh Hạ Từ sáng lập - đã chính thức cử hành Lễ Đặt Đá, khởi công xây dựng vào ngày 30/3/2006 (nhằm ngày mùng 2 tháng 3 n ăm Bính Tuất), là ngày giỗ Đệ nhị Tổ thiền phái Trúc Lâm.

Ngày nay, thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã trang nghiêm đang sừng sững giữa núi rừng Bạch Mã, sống động giữa lòng hồ Truồi. Như dòng thiền Trúc Lâm đang sống dậy trong lòng người dân xứ Huế. Hồn thiên Yên tử hay suối thiền Trúc Lâm như đang hòa quyện, tuôn trào cho linh hồn Bạch Mã càng thêm sống động.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Phunuonline, Mytour và nhiều nguồn khác.