Thung lũng Hang Kia nằm trên tuyến đường QL6 đi Mộc Châu, tuyến đường không còn xa lạ với những người yêu du lịch Việt Nam bởi sự hấp dẫn còn nguyên nét hoang sơ của cung đường xuyên qua vùng Tây bắc. Qua đèo Thung
Khe quanh co uốn lượn với những cơn gió tạt chao tay lái, đổ ào xuống ngã ba Mai Châu rồi cứ đà ấy lướt thêm chừng hơn 20km trên con đường thênh thang lưng núi.
Đến xã Pà Cò, rẽ trái trên con đường vào chợ Pà Cò rồi lại ngược dốc mà đi tiếp chừng 7km, khi đến đỉnh dốc là đã có thể nhìn thấy phía bên kia núi, bản Hang Kia, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
< Thung lũng Hang Kia buổi xế chiều.
Sở dĩ có tên gọi “Hang Kia thung trắng” là bởi cứ mỗi độ xuân về, từ trên đỉnh dốc nhìn xuống dưới thung chỉ một màu trắng toát. Hoa mận, hoa mơ đón cái hơi ấm áp đầu tiên của mùa xuân đua nhau nở trắng rừng.
Từ trên đỉnh núi, cả một vùng bát ngát dưới thung chỉ một màu trắng bạc, thỉnh thoảng điểm xuyết lên tấm thảm màu bạc ấy, một mái nhà bằng gỗ sậm nâu, phất phơ khói bếp mỏng tang, ấm áp giữa không gian bàng bạc như tranh.
< Trẻ thơ tại Hang Kia.
Đến Hang Kia một ngày phiên cuối năm, trong màn sương mờ phủ dày đỉnh núi trên cung đường ấy, trong cái giá rét căm căm của vùng cao. Những dòng người trong bộ váy áo mới, nhiều màu sắc của dân tộc Mông thuộc hai xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) xuống chợ phiên ngày chủ nhật với những sản vật của núi rừng. Trong tiết trời lạnh giá, không gian xung quanh khu chợ rực rỡ sắc màu hoa mơ hoa mận báo hiệu mùa xuân đã về trong bản.
Len lỏi giữa những quầy hàng đông đúc, những cô gái người Mông xúng xính trong bộ trang phục rực rỡ sắc màu. Trên con đường dốc đứng về bản Hang Kia, những cô gái người Mông cúi rạp người với những gùi nặng trĩu đồ dùng cho ngày tết, tươi tắn bước đi trên con đường hoa trắng. Những đứa trẻ túm tụm thành từng nhóm dăm bảy đứa cùng nhau vui đùa, leo trèo trên những cành mận trắng rung rinh.
Chợ Pà Cò thường họp rất sớm và cũng nhanh tan. Chưa đến 6h sáng, nhưng bà con từ các thôn, bản Hang Kia, Loóng Luông, Pà Cò đã tụ tập về chợ, đi chợ mà đông, mà vui như đi hội. Du khách như lạc vào một chợ Tết dưới xuôi.
< Chợ phiên Pà Cò.
Chợ bày bán đủ các mặt hàng từ nông sản, vật nuôi, vải vóc, đồ thổ cẩm, nông cụ… cho đến cả đồ gia dụng, điện tử, đĩa nhạc, mỹ phẩm…
Các gian hàng chỉ tuềnh toàng cái bàn gỗ, ít dây hay thanh gỗ dài vắt ngang vắt dọc treo sản phẩm, thậm chí là mảnh bao tải gai trải giữa nền đất nhưng khách mua cứ vẫn kéo tới nườm nượp, chật cứng vòng trong vòng ngoài. Nơi đẹp nhất chính là khu vực bán hàng thổ cẩm. Du khách sẽ không thể cưỡng lại sắc tím lung linh của những xấp vải dệt văn hoa nổi bật mà chen qua đám đông sờ tận tay.
Đi qua “rừng” tím, khách sẽ lạc vào “rừng” thổ cẩm xanh, đỏ với những đường thêu tinh túy, nổi bật. Những người phụ nữ Mông vừa vui vẻ chào mời khách trong khi đôi bàn tay khéo léo xuyên từng đường kim mũi chỉ lên tấm vải màu. Bên cạnh những gian hàng thổ cẩm, các cô gái trẻ bị hút hồn bởi những chiếc cặp tóc trang trí hạt đá lung linh hay thử son môi đo đỏ trong quầy hàng.
Đến Phiên chợ Pà Cò, thăm thung trắng Hang Kia, cùng tận hưởng cái không khí rộn ràng, nơi hội họp, giao lưu mua bán và chia sẻ những câu chuyện cuối cùng trong năm nơi buổi chợ. Cùng ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên vào xuân rực rỡ, những rừng mơ, rừng mận nở trắng thung, rồi hòa mình vào cuộc sống mộc mạc bình dị của người vùng cao nơi phiên chợ. Không ít du khách tới đây khám phá chỉ muốn ở mãi nơi đây.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ An Ninh Thủ Đô, internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.