Ngoài hai chục năm kể từ lần đầu đặt chân tới Việt Nam, anh Frédéric Tiberghien Frédo, tên Việt Nam là Frédo Bình đã thỏa chí khát khao quảng bá hình ảnh Việt Nam đất nước, con người bằng con đường làm du lịch sinh thái.

< Một góc khu du lịch sinh thái của Frédo Bình.

Dự án khu du lịch sinh thái của Frédo Bình, người đàn ông mang hai dòng máu Pháp-Việt bắt đầu bằng mảnh vườn nhỏ của một gia đình người Dao bên cạnh hồ Thác Bà (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Cả khu vườn được trồng toàn cây ăn quả, điều mà Frédo Bình thích nhất trong khu du lịch của mình.

< Mỗi khi có khách đến tham quan khu du lịch, Frédo Bình đều khoe những cây ăn quả mà mình mới “tậu” được trong vườn sinh thái.

Bởi vậy, mỗi khi có khách đến thăm khu du lịch, Frédo Bình đều khoe những cây ăn quả mà mình mới “tậu” được trong vườn sinh thái, những căn nhà sàn bình dị của người Việt xưa, hướng dẫn khách nói tiếng Dao, uống rượu gạo và hát những bài dân ca bằng tiếng Dao…

< Frédo Bình học dệt thổ cẩm từ chính các nhân viên người Dao làm việc trong khu du lịch.

Nhớ lại những ngày đầu làm du lịch, Frédo Bình kể: "Năm 1994, anh đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, đến những khu du lịch, những nơi có phong cảnh hữu tình và bất chợt nảy sinh ý tưởng làm du lịch để sinh sống. Anh in các mẩu quảng cáo du lịch "bụi" lên giấy và dán ở một số khu vực có khách nước ngoài thường xuyên qua lại.

< Khu du lịch sinh thái của Frédo Bình là địa chỉ cho thuê xe đạp địa hình.

Không ngờ, việc này lại mang lại hiệu quả đến thế. Người nước ngoài đến Việt Nam đọc được mẩu giấy quảng cáo đó đã gọi cho anh, họ thuê một chiếc Minsk cà tàng rồi yên trí theo anh đi du lịch... ".

Sinh ra giữa Thủ đô Paris hoa lệ nhưng cái duyên đã níu chân anh ở lại Việt Nam. Mua một ngôi nhà sàn, sống ở đó cùng bà con dân tộc Dao, mặc quần cộc, uống rượu gạo, nói tiếng Dao…, không biết tự bao giờ, đất và người nơi đây đã "ăn" vào máu thịt anh một cách rất gần gũi và thân thiết…

< Từ ngày Frédo Bình kinh doanh du lịch, du khách đến bản của người Dao rất đông.

Cũng có lẽ, bởi bản Ngòi Tu còn giữ nguyên vẹn nếp sinh hoạt văn hóa nhà sàn, khỏi bếp sớm mai bảng lảng trên những đồi cọ xanh mướt, uốn lượn trên những con đường đất đỏ… Hàng ngày, ai cũng thấy anh hòa mình vào nhịp sống bình lặng của bản.

Nhắc đến cái duyên của Frédo Bình với Việt Nam có lẽ không chỉ dừng ở đó. Hơn chục năm ở Việt Nam, anh là người rất có ý thức trách nhiệm với cộng đồng nơi mình đang sinh sống.

< Du khách có thể theo đường bộ hoặc đường thủy đến khu du lịch.

Tại tỉnh Cao Bằng, anh đã thành lập một bảo tàng nhỏ, giới thiệu văn hóa bản địa. Tại tỉnh Lào Cai, anh tổ chức xây dựng cầu, giúp học sinh thuận lợi khi đến trường. Tại Bắc Cạn, anh lập trang trại cá. Ở Yên Bái, anh xây dựng trường mẫu giáo và nhà văn hóa cộng đồng…

Nhưng, có lẽ với Frédo Bình này thì nơi nặng tình, chốn níu chân anh nhất vẫn là bản Ngòi Tu bên lòng hồ Thác Bà.

< Du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại khu du lịch sinh thái của Frédo Bình.

Trò chuyện về điểm du lịch văn hóa bản địa tại Ngòi Tu, Ông Lương Xuân Hợi, Bí thư Đảng bộ xã Vũ Linh cho rằng, cuộc sống đã thay đổi nhiều nhờ có nghề làm du lịch. Trước đây, người dân làm nương bãi thu nhập đạt mức hơn 2 triệu đồng/tháng không hề đơn giản, giờ thì điều đó đã thành sự thật. Du lịch văn hóa bản địa không chỉ góp phần giữ gìn nét văn hóa mà còn mang lại thu nhập cho người dân bản địa.

Ở cái tuổi ngũ tuần, anh ước ao về thăm lại quê hương miền Tây nước Pháp. Nhưng, dường như đất Việt níu chân anh, khiến anh không dứt được. "Nếu có dịp về thăm nước Pháp, anh sẽ quay lại Việt Nam. Bởi đất Việt giờ đã là máu thịt rồi"- Frédo Bình nói.

Du lịch, GO! - Theo Bưu Điện VN