Vị thần trên trời xuống tắm, rồi vẽ lại những hình thù trên tảng đá. Những hình vẽ đó sẽ mang lại những điều tốt lành cho người dân.

< Tác giả bên những tảng đá có hình khắc bí ẩn trưng bày ở thủy điện Sơn La.

Công trình thủy điện Sơn La hùng vĩ đã khánh thành. Các tuốc-bin đã hoạt động, sản sinh ra dòng điện lớn cho đất nước. Rất nhiều du khách lên Sơn La, đều muốn chiêm ngưỡng công trình hoành tráng này. Ngay con đường vào đập thủy điện, là khu nhà trưng bày những cổ vật khai quật dưới lòng hồ thủy điện. Giữa sân là những tảng đá lớn, mà phải quan sát kỹ, mới thấy những hình khắc.

< Tác giả bên tảng đá có hình khắc ở bản Pá Màng gần 10 năm trước, khi chưa được đưa về thủy điện Sơn La.

Nhìn những khối đá cổ chuyển từ bãi đá Pá Màng (xã Liệp Tè, Thuận Châu, Sơn La) về đây, lòng tôi trào dâng cảm xúc. Cách đây gần 10 năm, tôi đã mất 2 ngày trời, vừa đi xe máy, đi bộ, đi thuyền, để được chiêm ngưỡng những tảng đá lúc chìm, lúc nổi bên sông Đà. Hành trình vất vả đó, chỉ với mong muốn được tận mắt những hình vẽ trên khối đá, trước khi nó biến mất vĩnh viễn dưới lòng hồ. Nhưng không ngờ, những tảng đá có hình khắc cổ xưa đã được khiêng về trưng bày ở ngay thủy điện Sơn La. Cảm giác được xem lại tác phẩm nghệ thuật của tổ tiên tưởng như sẽ biến mất thật khó tả.

< Mùa lũ, những tảng đá có hình khắc cổ lại chìm dưới lòng sông.

10 năm trước, con đường từ xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai) vào xã Liệp Muội quanh co, dốc ngược, khủng khiếp như đường… lên giời. Từ Liệp Muội phải cuốc bộ suốt ngày trời mới vào được xã Nậm Ét. Con đường mòn bé xíu hun hút trong rừng thẳm. Cuốc bộ từ sáng sớm đến chiều tối mới ra đến bờ sông Đà. Ngủ đêm ở bến sông, rồi hôm sau thuê thuyền xuôi sông Đà 2 tiếng nữa mới đến trung tâm xã Liệp Tè. Chỉ có 2 cách duy nhất vào xã Liệp Tè là cuốc bộ xuyên rừng hoặc cưỡi thuyền vượt thác.

< Hình khắc trên tảng đá Pá Màng.

Trung tâm xã Liệp Tè là chỉ có 3 ngôi nhà, gồm trụ sở ủy ban, trường học và ngôi nhà nghỉ chân của người lái đò cùng khách đi đò. Chủ tịch xã Tòng Xuân Sáng cùng các vị lãnh đạo chẳng có việc gì làm, nên ngồi uống rượu từ trưa đến xế chiều. Bao năm nay, các cán bộ và nhân dân sống trong cảnh phấp phỏng chờ nước ngập.

Ông Sáng bảo, ngoài cán bộ khảo sát, thì có thêm các nhà khảo cổ cất công tìm vào Liệp Tè nghiên cứu, đào bới. Lần đầu tiên các vị cán bộ xã được đón… nhà báo. Ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Lò Văn Sáy được phân công nhiệm vụ đưa nhà báo đi xem bãi đá cổ Pá Màng. Hóa ra, bãi đá Pá Màng nằm ngay mép sông, chỗ bến đò.

Ông Sáy bảo, ngay bãi sông, chỗ bến đò, các nhà khoa học đào được rất nhiều cổ vật. Năm 1996, người dân đào móng nhà, thu được vô số cổ vật bằng đá, bằng đồng, gốm. Những chiếc rìu, giáo, những lọ gốm cổ có đến hàng ngàn món. Dân đào đồ cổ thuê thuyền từ mãi Hòa Bình ngược lên đào bới, khuân đi vô số đồ cổ.

Những món đồ cổ bằng đá, đồng hiện vẫn có nhiều trong nhà dân. Các thầy mo, thầy cúng giữ rất nhiều đồ đồng, đồ đá. Họ coi đó là những vật thiêng tổ tiên để lại, nên cứ truyền từ đời trước đến đời sau cất giữ. Sau này, trao đổi với các nhà khoa học mới biết rằng, khu vực xã Pá Màng từng là một xưởng chế tác thủ công của người xưa. Theo lời ông Sáy, năm 1997, nghe tin phát hiện nhiều cổ vật ở Pá Màng, các nhà khảo cổ từ Hà Nội cũng đã đi thuyền ngược sông Đà lên đây căng dây, khoanh vùng, đào bới nhiều chỗ, mang về vô số cổ vật.

< Hòn đá khắc cổ được đánh số 1 bị vỡ mất một miếng. Hình khắc trên những hòn đá cổ vẫn là bí ẩn chưa được giải mã 

Nhóm nhà khảo cổ đó đến từ Viện Khảo cổ học Việt Nam. Là người trực tiếp khai quật, nghiên cứu về di chỉ Pá Màng, TS. Nguyễn Khắc Sử đánh giá về di chỉ này như sau: “Di chỉ khảo cổ Pá Màng là một di chỉ cư trú thềm sông có hai mức phát triển khác nhau.

Mức sớm nhất là lớp văn hóa nằm dưới độ sâu 1m, chứa công cụ cuội ghè đẽo, có thể trước văn hóa Hòa Bình, nhưng không hẳn là văn hoá Sơn Vi. Mức muộn hơn nằm ở bề mặt xuống đến 1m sâu chứa rất nhiều đồ gốm có khắc gạch, hoa văn cùng với bàn mài, thổ hoàng và sỉ đồng. Vì vậy, lớp văn hóa này thuộc sơ kỳ thời đại kim khí, cách ngày nay trên dưới 4.000 năm…”.

Cũng theo TS. Nguyễn Khắc Sử, việc phát hiện di chỉ Pá Màng đã chỉ ra sự phát triển sớm muộn của hai lớp cư dân trong cùng một di chỉ, trường hợp thật hiếm hoi ở miền Tây Bắc.

< Bãi đá Pá Màng mùa nước cạn.

Ông Sáy dẫn tôi ra mép sông Đà. Chúng tôi sắn quần lội bì bõm ra giữa sông. Ông Sáy chỉ mấy hòn đá nhô lên khỏi mặt nước và bảo đó chính là những hòn đá có hình khắc. Mùa lũ, nước sông Đà dâng cao, cuồn cuộn chảy, nhấn chìm những tảng đá này. Nhưng mùa khô, nước sông Đà cạn trơ đáy, tưởng như có thể lội qua sông được, thì những tảng đá có hình khắc nằm hẳn trên bãi sông. Những tảng đá đều sạch bong vì được nước sông rửa ráy mấy tháng trời.

Ông Sáy không biết ai khắc hình lên những tảng đá này. Tổ tiên ông Sáy cũng không biết. Nhưng đồng bào Thái nơi đây vẫn lưu giữ truyền thuyết về những tảng đá này. Người kể lại truyền thuyết về những tảng đá có hình khắc là cụ Lò Văn Hâu, là thầy mo uy tín của bản. Ông Hâu bảo rằng, những tảng đá đó là vật thiêng từ trên trời rơi xuống.

Ngày xưa, bãi sông Pá Màng có tới 40 tảng đá có hình khắc đen bóng nằm cạnh nhau. Vị thần trên trời xuống tắm, rồi vẽ lại những hình thù trên tảng đá. Những hình vẽ đó sẽ mang lại những điều tốt lành cho người dân.

< Những hòn đá có hình khắc bí ẩn được trưng bày ở thủy điện Sơn La.

Đồng bào Thái bản Pá Màng (Liệp Tè, Thuận Châu, Sơn La) không biết hình khắc trên những tảng đá nằm ven sông có từ bao giờ, nội dung ra sao. Họ tin rằng, những hình khắc đó là do vị thần trên trời xuống sông Đà tắm và để lại. Những hình khắc đó mang lại những điều tốt lành cho người dân.

Ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Liệp Tè Lò Văn Sáy cho biết, người dân bản Pá Màng rất tin vào truyền thuyết đó, vì nó được kể bởi thầy mo Lò Văn Hâu. Cụ Hâu thường kể huyền thoại này vào những đêm trăng, hoặc những ngày cuối năm bên bếp lửa cho người trẻ nghe. Tuy nhiên, cụ Hâu đã chết cách nay hơn 20 năm. Theo ông Sáy, cụ thọ tới 120 tuổi. Người dân trong bản rất tin truyền thuyết này, vì đoạn sông Đà chảy qua địa phận bản Pá Màng rất dồi dào tôm cá. Theo lời ông Sáy, cụ Hâu chính là thợ săn cá giỏi nhất vùng.

Mùa lũ, nước từ thượng nguồn sông Đà phóng như tên bắn, gặp đoạn gấp khúc ở Pá Màng tạo thành dòng xoáy mạnh, đục ngàu. Những ngày lũ lớn, nước đục quánh bùn đất, khiến những loài cá yếu nổi trương bụng, nhao nhao lên mặt nước. Đồng bào ở Pá Màng chỉ việc mang vợt ra bãi sông xúc được hàng tạ cá.

Cụ Lò Văn Hâu chính là thợ săn cá chiên tài ba nhất vùng. Mùa nước cạn, nước sông Đà trong vắt. Vũng nước qua Pá Màng sâu hoắm, tới cả chục mét. Những con cá chiên khổng lồ, nặng tới 50-60kg lởn vởn như những bóng ma trong các vụng sâu, xoáy nước. Cụ Hâu cầm theo xiên nhảy ùm xuống vụng xoáy, tìm bọn cá chiên. Cụ đâm thật mạnh vào gáy cá. Chú cá chiên khổng lồ đau đớn, vùng vẫy, rồi nổi bụng chịu chết. Săn được cá chiên khổng lồ, cụ Hâu chia cho cả bản cùng ăn.

Ở Liệp Tè cũng có một số thợ săn cá chiên rất giỏi. Tuy nhiên, loài cá khổng lồ này ngày một hiếm, vả lại công việc này rất nguy hiểm, nên cả chục năm nay, không có ai lặn xuống đáy sông săn cá kiểu tay không nữa. Giờ thủy điện Sơn La ngập nước, Pá Màng và quá nửa xã Liệp Tè đã chìm dưới lòng hồ, nước tĩnh lặng, trong vắt. Loài cá khổng lồ ưa sống ở vùng nước chảy đã ngược lên phía thượng nguồn.

Quay lại chuyện những tảng đá khổng lồ có hình khắc bí ẩn bên bãi Pá Màng. Theo lời cụ Hâu, cách đây 100 năm, bãi Pá Màng có tới 40 hòn đá có hình khắc. Tuy nhiên, trong lần thám sát dọc sông Đà của các nhà khảo cổ vào năm 1977, thì bãi sông Pá Màng chỉ còn 18 hòn đá có hình khắc. Nhưng thời điểm cách nay gần 10 năm, tôi và ông Lò Văn Sáy đếm mãi, mà chỉ thấy còn 5 hòn đá có hình khắc.

< Liệu đây có phải chữ viết cổ của người Việt?

Theo lời ông Sáy, có thể một số tảng đá đã bị mất cắp! Một số hòn đá bị trôi mất, hoặc chìm sâu dưới lòng sông do những chiếc thuyền khai thác vàng ngày đêm moi cát đá dưới lòng sông lọc lấy bụi vàng.

Các hòn đá có tranh khắc hình chim muông, thú, cảnh vật, hình phụ nữ, bông hoa... Niên đại xuất hiện bãi đá cổ được xác định khoảng cuối thời kỳ đồ đá mới - sơ kỳ thời đại kim khí (cách đây từ 5.000 đến 7.000 năm). Những tảng đá có hình khắc vẫn còn tồn tại đến ngày nay vì chúng là những tảng đá lớn, có chân đế sâu, chắc chắn, không thể đào lên được. Những tảng đá nằm ở nơi sơn cùng thủy tận mà cũng bị con người phá hoại, thật tiếc biết bao.

TS. Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học) là người nghiên cứu kỹ lưỡng về những di chỉ khảo cổ trong lòng hồ thủy điện Sơn La. Ông cũng là người từng có nhiều thời gian nghiên cứu những hòn đá có hình khắc ở bãi đá Pá Màng. TS. Sử đã đo đạc tỉ mẩn, vẽ, dập tiêu bản và chụp lại chi tiết các hình khắc trên các hòn đá để nghiên cứu và làm công tác lưu trữ. Tuy nhiên, TS. Sử cũng chưa đưa ra lời giải mã nào về những hình khắc bí ẩn này. Ông mới chỉ dừng lại ở việc mô tả những hình vẽ cổ như sau:

< Những hình khắc mang tính cách điệu cao.

“Hều hết các vết khắc tập trung ở mặt phía Tây Bắc của hòn đá, tức là hướng ra phía sông Đà hoặc chính mặt quay lên trời. Các hình khắc chủ yếu được thể hiện bằng các đường tròn tiếp giáp nhau, hoặc được nối với nhau bằng một gạch nối có thể thẳng, có thể cong.

Có những hình gần như hình người gồm một hình tròn làm đầu, một vạch thẳng làm thân nối với hai chân choãi cong ở dưới. Hình vẽ không thể hiện tay. Có những hình khắc con thú 4 chân. Có những hình tròn hay bầu dục có vết lõm ở giữa hay một vạch phân đôi. Phần lớn các hình khắc này được khắc lung tung, không tuân theo một trật tự nào.

Các nét khắc rộng, hẹp và nông, sâu khác nhau, chỗ rộng nhất tới 3cm, chỗ hẹp nhất 1cm, chỗ sâu nhất 1cm, chỗ nông chỉ 0,2cm. Những nét khắc này được khắc từ một dụng cụ cứng và có đầu nhọn sắc kiểu lưỡi đục hơn là mũi rìu, bởi vì phần nhiều chiều ngang vết khắc là ổn định trong kích thước 1,5cm và sâu 0,3cm.

< TS. Nguyễn Khắc Sử là người có nhiều năm gắn bó, nghiên cứu bãi đá cổ Pá Màng.

Điều đặc biệt là bản thân những đường khắc đó có tận dụng các đường nét tự nhiên của hòn đá như các lỗ lõm, các vết nứt tự nhiên để thể hiện đề tài”. Về nội dung hình khắc, có những hình thể hiện ý tưởng vô cùng phức tạp, kỳ dị, song có những hình khắc lại rất đơn giản, thô sơ.

Ở viên đá mà các nhà khoa học đặt tên theo thứ tự là hòn đá số 1 có hình khắc liên tục, trải dài từ thân bên này, vắt qua mặt rồi tràn xuống phần thân bên kia. Nhìn toàn thể, hình khắc đó giống con thú có một sừng, hai mắt, một tai. Tuy nhiên, khi hỏi ông Hâu, thì ông bảo, các cụ già người Thái cho rằng hình khắc đó thể hiện mình và đầu con rồng. Ngoài ra, nhìn vào phần thân “con rồng” thì lại thấy được hình tượng của dòng sông Đà đoạn từ xã Chiềng Bằng qua Liệp Tè với những khúc uốn lượn quanh co rất phù hợp.

Nhìn vào hình khắc này, ai cũng có thể có những liên tưởng nào đó, do vậy vấn đề này rất cần sự phân tích xác đáng của các nhà khoa học. Ở những hòn đá khác có rất nhiều hình học với đường nét không còn đối xứng chặt chẽ. Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được nội dung những hình khắc kỳ lạ nhưng rất kỳ công này.

< Các nhà khoa học phải cắt một phần tảng đá có hình khắc vì tảng đá lớn quá, không thể vận chuyển về được.

TS. Nguyễn Khắc Sử đưa ra giả thiết rằng những hình khắc có thể là một thứ chữ cổ, dạng tượng hình. Bước đầu ông suy đoán những ký hiệu này có thể là chữ Thái cổ hoặc ký hiệu riêng của thầy mo khắc khi tiến hành nghi lễ ở đây từ thuở xưa. Niên đại của những hình khắc có nhiều khả năng rơi vào thời đại kim khí hơn là thời tiền sử.

Hệ thống chữ viết trên bãi đá cổ đã thể hiện rằng, chủ nhân của bãi đá có nền văn minh rực rỡ. Nhưng điều quan trọng, những hình khắc thể hiện người Việt cổ đã sống ở đây rất lâu, có thể cả vạn năm, chứ không phải di cư từ nơi khác đến cách nay vài trăm năm. Những hình khắc, họa tiết sắc nét trên những tảng đá siêu cứng khẳng định trình độ chế tác của cư dân nơi đây rất đáng nể. Nghiên cứu những hình khắc trên những tảng đá này, sẽ giúp chúng ta hiểu thêm văn hóa cổ và tự hào hơn về nền văn hiến Việt cổ xưa.

Đã có một số nhà khoa học cắt rừng lội bộ vào Liệp Tè để nghiên cứu, song đều chưa giải nghĩa được các hình khắc kỳ cổ này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, hình khắc trên những hòn đá cổ ở Pá Màng mang tích cách điệu nhiều hơn so với hình khắc trên bãi đá cổ Sapa.


< Những tảng đá chứa thông điệp của tổ tiên là vô giá.

Điều cần giải mã, là những hình khắc trên những hòn đá cổ có quan hệ thế nào với chủ nhân di chỉ khảo cổ Pá Màng? Đó là điều thú vị mà những nhà khảo cổ học cần dày tâm nghiên cứu.

Gần 10 năm trước, tôi kỳ công vào Pá Màng, với mong muốn được lần cuối cùng tận mắt, tận tay những thông điệp của tổ tiên, trước khi nó vĩnh viễn chìm dưới dòng nước bạc.

Thế nhưng, may mắn thay, những thông điệp quý báu của tổ tiên ta đã được các nhà nghiên cứu, được chính quyền ứng xử đúng mức. Dù không ít người dè bỉu rằng thật ngớ ngẩn khi bỏ ra bạc tỉ để khênh những tảng đá vô tri đó về thủy điện, nhưng với những người yêu tri thức cổ, thì giá trị của những thông điệp đó, không thể tính bằng tiền.

Du lịch, GO! - Theo VTC New