(Tiếp theo)
Những ngày lang thang ở bản Thín (Xuân Nha, Mộc Châu, Sơn La), tôi nhận thấy rằng, đồng bào trong bản không ưa loài trăn, vì trăn xơi quá nhiều gà, vịt, lợn, dê của đồng bào.

Bản Thín là thung lũng bị kẹp giữa cao nguyên Mộc Châu và dãy Pha Luông huyền thoại. Mộc Châu quanh năm chìm trong mây mù, mùa Đông càng lạnh giá. Dãy Pha Luông cao vời vợi cũng lạnh cóng, trong khi bản Thín luôn ấm áp vào mùa Đông, nên trăn tụ cả về đây.
Xung quanh bản Thín có nhiều quả núi thấp, toàn núi đá, cây cối rậm rạp, hang hốc khắp nơi, là lãnh địa ẩn náu của loài trăn. Đồng bào Thái và Mường ở vùng đất này vừa kính trọng, vừa sợ, lại vừa ghét loài trăn.

Trăn cứu dân bản


< Điểm trưởng bản Thín.

Đồng bào kính trọng trăn, vì trong bản lưu truyền một huyền thoại vừa đẹp, vừa bí ẩn về loài trăn cứu người. Trưởng bản Vì Văn Đoài cho biết, độ chục năm trước, khi con đường vào Xuân Nha còn là đường mòn, bản Thín còn chìm trong đại ngàn hoang thẳm. Chỉ bước chân ra khỏi bản, là đã lạc vào rừng già. Thú hoang, trăn rắn quanh bản rất nhiều.

Bản Thín có 74 hộ dân, với hai dân tộc là Thái và Mường sinh sống. Người Mường mới di cư đến đây từ những năm 70 thế kỷ trước, nhưng người Thái đã định cư ở đất này từ lâu. Người già trong bản, hiểu nhiều truyền thuyết là cụ Vì Văn Đứng. Đứng bên mép ngôi nhà sàn, chỉ tay về phía dãy Pha Luông huyền thoại, cụ Đứng bảo, bản thân cái tên núi Pha Luông đã mang nhiều bí ẩn. Ngay dưới chân núi Pha Luông có núi Phạ Hằng, cách bản Thín mấy con dao quăng. Đây là quả núi rậm rạp cây cối, có vô số hang hốc, là vương quốc của loài trăn.


< Núi Phạ Hằng um tùm cây cối.

Cụ Đứng là người vinh dự được tham quan động Phong Nha trong Quảng Bình. Cụ bảo: “Dãy núi Pha Luông ở bản mình có vô số hang động đẹp không kém gì ở Phong Nha đâu. Cả đời mình, mấy chục năm lội rừng, trèo hang, nhưng vẫn chưa đi hết hang động núi Hằng, chứ đừng nói hàng ngàn hang động trên Pha Luông”. Từ người già đến con trẻ bản Thín đều tôn trọng núi Hằng, coi quả núi đó là chốn linh thiêng tuyệt đối, không ai dám xâm phạm. Đời các cụ đã thờ quả núi ấy, đời con cháu ra sức bảo vệ, nên núi Hằng mãi xanh tươi, cây cối cổ thụ rợp bóng.

Quả núi ấy có vô số hang động, hang nọ thông hang kia, đi cả thế kỷ không hết, nhưng hang đẹp nhất, thiêng nhất, chính là hang Hằng, lấy tên theo quả núi. Vì hang có nhiều trăn, nên lớp trẻ gọi đó là hang trăn. Đôi khi, gọi tên hang Hằng, thì lớp trẻ lại không biết đến.


< Đường vào núi Hằng.

Truyền thuyết kể rằng, thời trái đất còn hoang sơ, con người sống co cụm thành những bản nhỏ giữa rừng hoang, thì vùng đất này nổi tiếng nhiều thú dữ. Ban ngày, đồng bào kéo nhau vào rừng săn bắn, hái lượm, đêm chui vào những căn lều nhỏ, đốt lửa xua thú dữ. Trong bộ tộc có một tù trưởng là người đứng đầu. Tù trưởng là người giỏi săn bắn nhất bộc tộc.

Một hôm, thú dữ từ khắp nơi kéo bầy về khu vực bản Thín để tìm cách ăn thịt con người. Hổ, báo, chó sói hàng ngàn con gầm ghè khắp rừng hoang, vây kín bản nhỏ. Chúng chỉ chờ chực con người sơ hở là ăn thịt. Mặc dù trai tráng trong bản đều là những thợ săn giỏi, nhưng người ít, mà thú hoang thì nhiều, nên con người dần đuối sức, có nguy cơ trở thành mồi cho thú dữ.

Trước mặt dân bản là hàng vạn con thú dữ, sau lưng dân bản là vách đá dựng đứng, không có cách nào vượt qua được. Tiếng kêu khóc não nề cả rừng hoang. Giữa đêm tối mịt mùng và tuyệt vọng, bỗng một luồng ánh sáng từ trên trời soi xuống làm sáng bừng cả rừng hoang. Trong ánh sáng kỳ ảo đó, có một con trăn khổng lồ, thân to như cây nghiến, dài vắt từ thung nọ sang thung kia đang trườn đi. Con trăn khổng lồ đi đến đâu, những dải rừng dạt ra đến đó.

< Đường vào hang Hằng.

Nghĩ rằng Giàng đã cử con trăn xuống cứu dân bản, nên đồng bào đi theo con trăn. Vách núi dựng đứng bỗng nứt ra thành hang động. Con trăn chui vào hang và biến mất. Vị tù trưởng đã dẫn đồng bào chui vào hang. Miệng hang nhỏ, nhưng bụng hang rất lớn, lại có vô số ngóc ngách dẫn đi khắp nơi. Điều kỳ lạ là trong hang đó có vô số trăn. Bọn trăn khổng lồ vắt mình trên các mỏm đá, quấn quanh nhũ đá. Chúng hiền lành như cục đất, không sợ người, cũng không tấn công người.

Đi đến giữa hang, thì một con sông lớn hiện ra, nước chảy lấp lánh. Dưới lòng sông, trong bụng hang có vô số cá lớn, cá bé. Đồng bào đánh bắt cá và sống thoải mái trong hang động rộng lớn này.

Tấn công vào trong hang không được, con người lại không chịu ra, bầy thú dữ nản chí nên bỏ đi. Lúc đó, bộ tộc mới chuyển ra ngoài. Nhớ ơn cứu mạng của Giàng, nên tù trưởng mới gọi dãy núi này là Phạ Hằng, có nghĩa là trăng. Nhờ có ánh sáng của mặt trăng dẫn đường, cùng với trăn thần, mà mọi người tìm thoát được bầy thú dữ.

Cũng kể từ đó, đồng bào bản Thín coi loài trăn trong hang Hằng, trên núi Hằng là trăn thần. Vậy nên, đồng bào chẳng bao giờ dám trèo lên quả núi đó, chứ đừng nói chuyện vào hang, lên núi bắt trăn. Điều đó lý giải vì sao, từ xưa đến nay, ở núi Hằng có rất nhiều trăn khổng lồ. Các cụ già trong bản hiểu rõ truyền thuyết này thì vừa sợ vừa tôn kính loài trăn. Thậm chí, các cụ gọi là ông trăn, chứ không gọi là con trăn.

Tuy nhiên, thế hệ trẻ thì không hiểu rõ về truyền thuyết đó và cũng không sợ trăn. Núi Hằng là núi cấm, là lãnh địa thiêng, dân bản không dám vào, nhưng hễ trăn bò ra khỏi núi, tìm về bản bắt vật nuôi, là họ tóm sống làm thịt, nấu cao.


< Theo truyền thuyết, dân bản đã được con trăn thần khổng lồ dẫn đường vào hang Hằng trốn bầy thú dữ.

Ngoài ra, người dân ở nơi khác đến, không tin vào truyền thuyết trăn thần, nên họ cũng không sợ. Không ít người vì lòng tham, đã mò vào hang bắt trăn đem bán. Chính vì thế, loài trăn không còn đông đúc trong hang Hằng như xưa nữa.

Huyền thoại thợ săn giết trăn khổng lồ

Tôi đang trò chuyện với trưởng bản Vì Văn Đoài (bản Thín, Xuân Nha, Mộc Châu, Sơn La) thì trưởng bản bỗng lên cơn sốt, rồi kêu mệt. Theo lời anh Đoài, từ hôm tham gia mổ thịt, nấu cao, đánh chén con trăn trộm gà ở nhà bà chị Vì Thị Chuẩn, anh có cảm giác hay mệt, hay ốm.


< Cụ Đứng bảo rằng, những người già bản Thín hiểu rõ về truyền thuyết trăn thần, nên không bao giờ dám bắt trăn ở núi Hằng.

Loài trăn không có độc, bản thân anh Đoài cũng không tin chuyện tâm linh, trăn thần, nhưng nghe nhiều người dọa, anh cũng thấy hơi hãi. Vì vậy, tôi cất lời nhờ anh dẫn vào hang Hằng tìm trăn, anh Đoài nhất định từ chối.

Tuy nhiên, anh Đoài có cậu cháu tên Quang, là thanh niên thông thạo hang Hằng nhất bản Thín này. Trong khi đám bạn sợ trăn thần, rắn độc, sợ sự linh thiêng của núi Hằng, thì Quang không sợ gì cả. Từ nhỏ, Quang đã thám hiểm hang Hằng, thường xuyên bắt cá trong hang về ăn. Quang chui khắp các ngóc ngách, bò giữa bầy trăn mà không khiếp sợ.

Bữa đó, Quang đang lợp mái nhà cho một người dân trong bản. Điều lạ lùng ở bản Thín, đó là, việc làm nhà không phải của người già, của các nghệ nhân, mà là của đám thanh niên. Hễ nhà nào làm nhà, thanh niên cả bản kéo đến làm giúp. Mặc dù đang là nhân công chính dựng ngôi nhà sàn, song khi trưởng bản Đoài gọi, Quang dừng việc đi ngay. Mấy chục nam thanh nữ tú đều thích thú muốn khám phá hang Hằng, nhưng đều sợ hãi không dám theo chúng tôi.

< Trong lòng hang Hằng.

Chúng tôi nai nịt gọn gàng. Đèn pin mỗi người hai chiếc. Quang vác theo một cây gỗ dài tới 7m. Theo Quang, đường vào hang nhiều đoạn dốc đứng, nên phải cắm cây gỗ để có thứ mà bám vào tụt xuống. Đứng ở con dốc vào bản Thín, thấy núi Hằng hiện rõ, um tùm, nằm bên thung lũng, dưới chân dãy Pha Luông. Chúng tôi cứ nhằm con đường mòn cắt ngang thung lũng mà đi.

Quang bảo, từ bé, cậu đã được nghe nhiều cụ già trong bản kể truyền thuyết về trăn thần cứu người, về hang Hằng. Những đứa trẻ khác nghe xong thì sợ hãi, không dám bén mảng đến núi Phạ Hằng, nhưng riêng cậu thì thấy thích thú, muốn khám phá núi Hằng, muốn chui vào hang Hằng, xem có đúng là có nhiều trăn như trong truyền thuyết không.

< Núi Phạ Hằng.

Ông cha Quang kể rằng, người Thái sống ở vùng đất này đã lâu, kể truyền thuyết về hang Hằng hàng đêm bên bếp lửa, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai biết hang Hằng ở chỗ nào, vì chẳng ai dám vào núi Phạ Hằng rậm rạp. Về sau, người Mường di cư từ nơi khác đến bản Thín, dựng nhà, dựng cửa, sống cùng với người Thái. Người Mường rất giỏi săn bắn, và nhiều thợ săn không sợ núi Phạ Hằng.

Trong số những thợ săn đó, có lão Sung. Lão Sung nổi tiếng khắp vùng Mộc Châu vì tài săn bắn. Lão từng giết hàng chục con hổ, vật nhau với gấu giữa rừng. Chưa từng có loài mãnh thú nào sống sót trước mũi tên của lão. Chuyện lão thợ săn thiện xạ tên Sung cứ như huyền thoại, được lớp già kể lại trong những đêm bên bếp lửa, chứ thế hệ trẻ như Quang không còn biết lão Sung là ai nữa.

< Lão Sung là người tìm ra hang Hằng.

Một lần, lão Sung vác nỏ vào rừng, bắn trúng gáy con lợn lòi. Giống lợn rừng cực kỳ khỏe, nên một mũi tên không thể giết ngay được nó. Lão Sung lần theo dấu máu của con lợn rừng. Dù bị thương nặng, song con lợn rừng vẫn lê lết đến tận vách núi Hằng. Nhưng lạ thay, đến chân núi thì dấu máu biến mất. Con lợn to tướng như thế không thể bốc hơi một cách kỳ lạ như vậy.

Lão Sung vạch từng bụi cỏ, hốc cây bên vách núi tìm kiếm, thì phát hiện có một cửa động rất nhỏ, chỉ vừa người chui. Lão Sung chui vào trong động, thì phát hiện vũng máu đọng ngay phía trong động. Như vậy, con lợn lòi trúng tên đã chui vào hang động này. Tuy nhiên, hang tối quá, nên lão Sung phải quay ra.

< Tác giả chui xuống hang Hằng đi tìm trăn.

Lão Sung dùng dao tước mấy miếng gỗ thông đặc quánh tinh dầu rồi châm lửa đốt. Gỗ thông đượm tinh dầu cháy bùng bùng phát sáng cả vùng rộng lớn. Lão Sung cầm bó đuốc tiến vào trong hang. Đi được một đoạn, lão chợt khựng lại, khi trước mặt mình, trên vách đá là một con trăn khổng lồ, thân to bằng cột nhà, màu da loang lổ, chỗ vàng, chỗ đen.

Con trăn khổng lồ đã bóp chết con lợn lòi to tướng, nặng phải trên tạ. Đuôi nó quấn chặt vào mỏm đá trên vách hang, miệng đớp chặt đầu con lợn kéo tuột lên vách đá. Con trăn cuộn thân quấn chặt con lợn, rồi há miệng đớp đầu con lợn. Nó quằn quại một lát, đã nuốt trọn con lợn lòi vào bụng.

Ánh sáng lập lòe và sự có mặt của lão Sung không khiến con trăn khiếp sợ. Là thợ săn lão luyện, nên lão Sung không sợ hãi bỏ chạy. Lão đối mặt trăn rắn nhiều rồi, nhưng trong mơ lão cũng chưa từng gặp một con trăn lớn như thế. Lão muốn giết nó đòi lại con lợn, nhưng chưa chuẩn bị kỹ, lại không có vũ khí, nên lão rời hang đá trở về bản.

< Trăn lột xác trong hang Hằng.

Sau này, tôi gặp lại cụ Vì Văn Đứng, hỏi chuyện về lão Sung, cụ Đứng cũng xác nhận chuyện lão Sung phát hiện hang Hằng là thật. Theo cụ Đứng, hôm lão Sung về bản, kể chuyện chui vào hang, gặp trăn khổng lồ, nhiều người chế nhạo cho rằng lão Sung nhìn gà hóa cuốc, nhưng lão Đứng thì tin là thật. Lúc đó, lão Đứng mới hiểu vì sao trâu, bò, dê của dân bản hễ thả vào rừng là biến mất.

Đã có mấy lần, khi lão Đứng đi săn, đuổi theo bọn nai, hoẵng, khỉ, nhưng chỉ đuổi đến núi Hằng là lão dừng lại. Lão không dám mạo phạm đến quả núi thiêng này. Nhưng điều lạ là, khi bầy thú chạy về phía núi Hằng, thì bỗng có tiếng xào xạc, ào ào, khiến cây cối khu rừng rung lên bần bật. Lão Đứng cũng chỉ nghĩ trong khu rừng bí ẩn đó có loài mãnh thú nào đó, hoặc bầy khỉ nhảy nhót trên cành cây, chứ cũng không dám tin lại có loài trăn khổng lồ như trong huyền thoại.

Bị nhiều người châm chọc, nên lão Sung tức lắm. Lão Sung mài rựa, vót tên, lên rừng lấy nhựa độc tẩm mũi giáo và quyết chí vào núi Hằng tìm con trăn khổng lồ. Lão Sung rủ các thợ săn đi cùng hỗ trợ, nhưng chẳng ai dám đi, dù không ai tin chuyện trăn thần là thật.

Lão Sung một mình khuất dạng sau những tán cây. Mấy chục người dân trong bản chờ ở đầu dốc. Mọi người chờ đến chiều tối, mà chẳng thấy lão ra khỏi rừng. Vợ con bắt đầu kêu khóc. Ai cũng tin lão Sung đã bị con trăn nuốt chửng. Tuy nhiên, nhập nhoạng tối, lão Sung mò ra với khuôn mặt bơ phờ. Lão bảo đã giết hạ con trăn, nhưng chỉ lôi được đuôi nó ra đến miệng hang.

Lúc này, đám trai bản mới mạnh dạn cùng lão kéo đến cửa hang, lôi xác con trăn về bản. Con trăn khổng lồ dài ngót chục mét, nặng phải 150kg. Tất cả các cụ già trong bản kéo đến và ai cũng khẳng định từ bé đến giờ chưa từng gặp con trăn nào lớn như thế. Có người nhìn con trăn thì khiếp sợ vì nghĩ nó là trăn thần, nhưng có người thì hả hê vì trả thù được cho trâu bò, dê lợn nhà mình.

< Các cụ già trong bản thường kể chuyện hang trăn núi Hằng cho lớp trẻ nghe.

Sau lần bắt được con trăn khổng lồ đó, lão Sung như người mất hồn. Lão không đi săn nữa, cũng chẳng tiếp xúc với ai. Lão lầm lì trong nhà. Lão Sung kể với mấy bạn già rằng, từ hôm giết ngu phạ (tiếng Thái là trăn trời), đêm nào lão cũng mơ thấy trăn thần trong truyền thuyết của người Thái quấn lão đến ngộp thở, rồi nuốt chửng lão vào bụng.

Thi thoảng, người dân trong bản vẫn gặp lão Sung mang lễ vào núi Hằng khấn vái. Thời gian sau, lão về với tổ tiên. Chuyện lão chết thế nào không ai biết. Lão đã chết mất chục năm nay.

Còn tiếp
Đi tìm động trăn kỳ bí ở Sơn La (P1)
Đi tìm động trăn kỳ bí ở Sơn La (P2)
Đi tìm động trăn kỳ bí ở Sơn La (P3)

Du lịch, GO! - Theo Phạm Ngọc Dương (VTC)