Mật ong U Minh từ lâu trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước với nhiều công dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Nhưng ít ai biết được rằng, để lấy được mật ong đòi hỏi sự công phu và phải có kinh nghiệm…

< Một tổ ong rừng tràm U Minh.

Những người gắn bó với rừng hay từng sống ở U Minh (thuộc tỉnh Cà Mau và Kiên Giang) đều nghe và biết đến hai từ “càn ong”. Càn ong có nghĩa là càn trong rừng tìm mật ong. Đó là chuyện của cái thời U Minh còn hoang sơ, cư dân thưa thớt, cả xóm, cả ấp chỉ vài chục nóc gia.

< Ăn ong thường vào mùa khô.

Một lão nông cả cuộc đời gần 90 năm gắn bó với vùng đất U Minh, kể rằng khoảng 70 năm trước chẳng ai đi gác kèo ong bao giờ, bởi ong mật trong rừng có hằng hà sa số. Ong mật, ong ruồi làm ổ khắp nơi. Từ nhà lội ra vài chục bước là tới rừng.

Người ta chỉ lặn lội trong rừng vài tiếng “càn ong” có thể lấy được 5-7 lít mật. Mà hồi đó, mật ong đem về chỉ để dành làm thuốc chữa bệnh cảm cúm, đau bụng, đau bao tử, rơ lưỡi cho con nít mới sanh… hay lâu lâu đem chan cơm cho con nít ăn chơi, chứ không ai bán chác.

< Lấy mật ong phải đeo mặt nạ lưới chống ong đốt.

Hành trình càn ong hồi đó tuy băng rừng, vượt qua nhiều gai góc nhưng dụng cụ đi càn ong khá giản đơn. Người ta chỉ cần quấn vài bó vỏ dừa khô (lột từ trái dừa khô) đem phơi thật khô rồi xé ra cho tơi, quấn thành bó đuốc để hong khói xua ong bay lên rồi lấy mật. Với công cụ đơn giản, cùng với mục đích đi càn ong là chỉ lấy mật về xài trong nhà nên người ta cũng không chú trọng được nhiều hay ít. Nên chỉ cần rảo rảo vài vòng trong rừng là có thể lấy được đầy ấm mật là lội về nhà để lo đồng áng.

Đi càn ong là cái chuyện hồi mấy chục năm về trước của thế kỷ 20, khi U Minh còn thưa người, còn bây giờ đã trở thành hồi ức! Tất nhiên, hiện nay trong vườn nhà vẫn có ong về làm tổ, người ta vẫn có thể lấy được nhiều mật, nhưng so với ngày trước thì giảm đến hơn 8-9 phần. Để có được mật ong, người ta phải đi gác kèo trong rừng.

Kèo ong thường được giới thợ rừng chọn làm bằng cây tràm nhỏ hơn bắp vế người lớn (chừng 3 tấc hoành) dài khoảng 3 thước, đẽo cẩn thận theo kiểu như máng nước, bụng quay xuống phía dưới, lòng máng quay lên trên để rỏ nước mưa.

Để gác kèo, thợ rừng phải quan sát hướng gió, tìm “bãi đáp” cho ong, sau đó mới chọn vị trí gác cây kèo trên một nhánh cây thuận lợi nhất để bầy ong đậu vô. Nơi gác kèo còn phải vừa im ắng, vừa có ít nhiều bóng nắng rọi vào.

Con ong rất kén chọn, nó không thích làm tổ ở nơi rợp bóng cây, vì ở những nơi ẩm thấp bao giờ mật cũng có vị chua. Đây là kỹ thuật đòi hỏi bề dày kinh nghiệm mà không phải thợ rừng nào cũng có, bởi vậy cùng đi gác kèo, nhưng có người gác kèo nào cũng có ong đậu, còn có người gác cả chục kèo chưa có con ong nào lui tới, hoặc vả có ong đeo vào nhưng vài bữa là bỏ đi. Theo giới thợ rừng, đó là do “kèo chưa êm” phải gác lại chỗ khác.

Rừng tràm U Minh nở hoa vào mùa hanh khô, hoa tràm trắng xóa, hương ngan ngát quyến rũ ong từ các nơi khác kéo về hút mật. Theo nhiều thợ rừng, gác kèo nên chọn trước khi mùa hoa tràm nở, thường vào khoảng tháng 10-11 âm lịch, để cho những cơn mưa muộn rửa sạch dấu vết, mà nhánh kèo cũng đủ thời gian khô đi, giống như bao nhiêu cành khô khác. Chiếc kèo nào có dấu vết khả nghi là đàn ong tránh xa ngay. Gác kèo xong rồi thì chờ cho ong kéo đến làm tổ. Thợ rừng chỉ cần lui tới thăm nom, đợi khi đến lứa thì lấy mật mang về.

Tới kỳ lấy mật, thợ rừng phải chuẩn bị cây đuốc bằng vỏ trái dừa phơi khô hoặc lá dừa khô, đem nhúng nước hơi ướt để khi đốt lên tỏa ra nhiều khói, làm cho ong ngạt thở, sợ mà bay tản đi hết. Người thợ rừng chỉ cần trèo lên cây, đứng phía trên đầu gió mà đốt đuốc, có khi cột cây đuốc vào đầu cây sào dài đưa lên gần tổ ong.

Gặp khói cay mù mịt, bầy ong bay tỏa ra theo chiều gió xuôi và thợ ăn ong bắt đầu dùng con dao nhọn khoét “khúc mứt” cho mật chảy ra, trong khi người đứng phía dưới đưa chiếc thùng nhựa hứng lấy. Mật ong nguyên chất đặc quánh tuôn ra, cho đến khi nào hết mật mới thôi. Lấy mật xong, thợ rừng rút đi, bầy ong bay trên đầu lại trở về tổ cũ như chưa có chuyện gì xảy ra. Thợ rừng lại đến kèo khác tiếp tục công việc lấy mật. Đến kỳ, thợ rừng lại đến hong khói lấy mật, có tổ ong lấy đến gần chục lần, mỗi lần 2-3 lít mật, sau đó bầy ong mới bỏ đi. Tuy nhiên, cũng có người lấy mật bị “ong đánh” sưng vù mặt mày, đây là chuyện bình thường ở xứ rừng, và chỉ 2-3 ngày sau sẽ khỏi.

< Mỗi tổ ong cho khoảng 3 - 5 lít mật.

Do đề phòng cháy rừng, ngày nay thợ rừng không còn gác kèo ồ ạt như trước, mà thành lập thành nghiệp đoàn, khai thác theo quy trình, lấy mật phải có thời điểm thích hợp. Nhất là khu vực rừng bảo vệ nghiêm ngặt thì không được phép vào gác kèo. Mọi hoạt động phải đặt dưới sự quản lý của Kiểm lâm, Hạt quản lý rừng.

Một tổ ong mật ở U Minh cho từ 3-5 lít mật, thậm chí có ổ được mùa và thuộc loại to nhất chứa đến 10 lít mỗi lần lấy. Nên sau mùa gác kèo, mỗi thợ rừng thu đến hàng trăm lít mật là chuyện bình thường. Mật ong U Minh mang hương vị đặc biệt của hoa tràm nổi tiếng. Loại mật này trong và vàng như nước cam, để lâu năm màu hơi đậm lại và không biến chất, đặc biệt không bao giờ đọng chất đường.

Du lịch, GO! - Theo Báo An Giang, ảnh Đất Mũi, internet