Chuối rừng tập trung chủ yếu ở vùng núi Tây Bắc, Tây nguyên và miền Trung Việt Nam. Từ vỏ, cuống hoa và củ chuối đều có tác dụng chữa bệnh.

Hoa chuối rừng mọc thẳng đứng ở ngọn (khác với chuối trồng có hoa mọc thõng xuống). Hoa chuối đồng bằng thường có màu tím, hoa chuối rừng thường có màu đỏ tươi, cầm rất chắc tay và khá nặng, là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt hảo, tốt cho hệ tiêu hóa.

Nói đến hoa chuối rừng, người ta đã cảm nhận ngay cái thân quen, gần gũi mà mộc mạc, thứ quà của làng quê núi rừng Tây Bắc. Cũng bởi thiên nhiên không hào phóng để ai cũng được thưởng thức nên món nộm hoa chuối rừng đã trở thành "cao lương mỹ vị" giữa chốn phồn hoa đô thị.

Hoa chuối làm nộm vốn chỉ là thức ăn thay thế hoặc ăn ghém khi nhỡ bữa, nhưng giờ đã trở thành món đặc sản trong nhiều nhà hàng, quán xá không chỉ ở miền quê mà còn cả nơi đô thị.

Nhớ khi còn nhỏ sống tại quê nhà, mỗi lần lên rừng lấy củi bố tôi lại tìm bẻ vài bắp hoa chuối rừng để cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Bố bảo đi giữa rừng khát nước có thể chặt ngang một cây chuối và hứng nước, nó có thể cho vài lít nước trong một giờ - một thứ nước thiên nhiên tinh khiết. Còn những bắp hoa chuối rừng, qua đôi bàn tay khéo léo của mẹ đã trở thành món ăn hấp dẫn cho mọi người.

Hoa chuối mang về được mẹ tôi chế biến thành nhiều món: nộm hoa chuối, hoa chuối luộc chấm tương, hoa chuối xào... nhưng không hiểu sao tôi nhớ nhất là món nộm.

Cách làm nộm hoa chuối cũng khá đơn giản nhưng cần sự tỉ mỉ, chu đáo. Hoa chuối chọn lấy bẹ non, thái chỉ nhỏ như sợi miến. Để hoa chuối không bị thâm, sau khi thái ngâm luôn vào chậu nước có pha chút giấm. Những sợi hoa chuối ánh sắc tím ngâm mình trong nước cong tròn.

Để món nộm hoa chuối được ngon hơn, người ta thường nộm hoa chuối với thịt tai lợn. Tai lợn sau khi làm sạch,  luộc chín, thái miếng nhỏ cỡ ngón tay để nộm cùng hoa chuối. Bước cuối cùng là trộn các loại gia vị.

Cũng như các món nộm khác, nộm hoa chuối cần có thêm vừng lạc. Món nộm ngon phải có vị chua của chanh, chút ngọt của đường, hơi cay của ớt và tất nhiên không thể thiếu kinh giới, húng, mùi tàu. Các loại rau thơm sẽ làm cho món nộm có thêm màu xanh bắt mắt cạnh màu tím của hoa chuối, màu trắng của thịt, loáng thoáng màu đỏ tươi của ớt.

Hương vị đặc trưng của nộm hoa chuối là cái giòn sần sật của hoa chuối với hương nồng của các loại rau thơm, chất cay cay của ớt và vị bùi của lạc rang... Tất cả gắn quyện như một bản nhạc đa âm sắc, thưởng thức một lần lại thòm thèm muốn ăn nữa.

Ở các nhà hàng bây giờ nộm hoa chuối có thể được cộng thêm nhiều thứ nguyên liệu khác chứ không còn dân dã như xưa, nhưng hương vị đặc trưng của núi rừng thì không thể nào phai nhạt. Đưa một gắp nộm hoa chuối vào miệng, nghe hương vị thanh đạm, dung dị, mộc mạc ấy tan dần mà thầm cảm ơn núi rừng đã ban tặng cho con người một loại cây có nhiều ý nghĩa đến vậy.

Du lịch, GO! - Theo P.T.T (TTO)