Như một chuyến caravan, nhưng không chỉ để thử tay lái trên những cung đường đèo dốc hay để ngắm cảnh đẹp trong nắng hoe vàng, trong sương khói qua bao dặm trường lên Tây Bắc mà còn là chuyến đi từ thiện đến với những đứa trẻ người Mông, Mảng, Hà Nhì đang thiếu thốn nhiều thứ, nhất là con chữ.

Trong ánh sáng nhập nhoạng, những con dốc ngược ngoằn ngoèo làm phấn khích những tay “lái già” như Nakio, Phương ZJ… Xe dồn số, tiếng máy gầm lên đầy uy lực, chiếc xe cõng hàng hoá vun vút lao vào đêm tối mịt mùng.

Những gói chăn màn, quần áo đồng phục, sách vở… đã được đóng gói cẩn thận, xếp đầy những thùng hàng. Chiếc tủ đựng dụng cụ học tập được buộc chặt trên giá nóc. Tôi cùng những người bạn trên một diễn đàn ôtô thực hiện hành trình trở lại Nậm Ban trên chiếc pickup Navara AT.

“Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Nậm Ban, một xã giáp biên thuộc huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, nổi tiếng với những dãy núi cao ngút trời, những con đường chênh vênh trên vách núi, nơi những đứa trẻ người Mông, người Mảng, Hà Nhì vẫn ngày ngày chân trần áo mỏng đến trường trong cái lạnh cắt da thịt. Không điện, không đường giao thông, không sóng điện thoại, cuộc sống của người dân nơi đây với đầy những khó khăn, khắc nghiệt vẫn kiên cường bám đất, dựng bản, giữ vững sự bình yên nơi địa đầu tổ quốc. Lần này, chúng tôi trở lại Nậm Ban để khánh thành bảy lớp học mới được dựng lên nhờ những tấm lòng hảo tâm.

6 giờ sáng, đoàn xe đi Nậm Ban đã xếp hàng dài chờ xuất phát. Tiếng còi lệnh của trưởng đoàn Sơn “cua” đánh thức những con chiến mã đường trường. Đoàn xe 29 chiếc thẳng hướng Phú Thọ, qua Thanh Sơn, Thu Cúc trên quốc lộ 32 lừng danh kéo dài từ Hà Nội lên tới Lai Châu.

Thị xã Nghĩa Lộ hiện ra trước mắt sau hơn ba giờ hành trình cũng là thời điểm sự cố đầu tiên xảy ra. Chiếc Pajero đi đầu do anh Phương ZJ cầm lái trục trặc. Đoàn quyết định để lại hai xe hỗ trợ, còn lại vẫn tiếp tục lên Lai Châu theo dự kiến. Chúng tôi trong nhóm ở lại. Hỏng bơm xăng, sau gần ba tiếng loay hoay tháo lắp mà không có kết quả, rốt cục, chính chiếc bơm xăng cũ của xe lại làm xe chạy được.


< Những cung đường “chạm mây”.

Chiều đã nhập nhoạng, bên đường, những cậu bé vừa tan lớp ùa ra cùng những chiếc xe đạp gỗ tự chế. Đứa lái, đứa đẩy, phăm phăm đổ dốc về nhà. Chẳng biết từ khi nào, những xe đạp gỗ này đã trở thành món “đặc sản” của bọn trẻ con vùng cao. Xe làm bằng tre và gỗ là món đồ chơi hiếm hoi bạn có thể gặp được ở đây; chúng rất sáng tạo và thú vị. Nghe nói, nhiều dân dưới xuôi khoái thứ xe gỗ này, xin mua lại của bọn trẻ trên vùng cao mang về xuôi… chơi.

Tôi chợt nhớ đến những đứa trẻ người Mảng ở Nậm Ban trong chuyến đi tiền trạm đến một lớp học bé xíu treo trên lưng chừng núi, thực quá đỗi đơn sơ. Đứng bên sân, nhìn xuyên qua vách liếp, có thể nhìn thấy cả đám ruộng bậc thang đang trổ đòng xa xa. Những búi rạ lợp mái không chịu nổi mưa nắng vùng cao, thủng lỗ chỗ, trút nước ào ào xuống bàn học. Lũ trẻ con cuống cuồng ôm sách vở chạy dồn sang góc lớp. Chen chúc trên chiếc bàn hẹp, cô trò lại cùng nhau ngân nga i tờ.

Những cung đường “chạm mây”

Trời dần tối, chúng tôi vội vã tăng tốc đuổi theo đoàn. Bỏ qua thị trấn Tú Lệ kiều diễm với những chõ xôi nếp thơm lừng và hình ảnh những cô gái Thái đang thảnh thơi tắm suối, chúng tôi lên đèo Khau Phạ. 8 giờ tối, chúng tôi dừng chân bên Cổng Trời ở một quán ăn khá đẹp, nằm sâu giữa hai vách núi, huyền ảo trong tiếng suối reo và cả trong những đám mây vờn quanh đỉnh núi.

Rời Cổng trời. Xe đổ đèo, máy hơi gằn khi thả dốc. Chúng tôi băng qua Mù Cang Chải khi đồng hồ đã qua con số 10, ngậm ngùi bỏ qua những đám ruộng bậc thang nổi tiếng, đành hẹn những đám lúa vàng trong chuyến trở về. Bên dòng Nậm Kim, những nhà máy thuỷ điện nhỏ nối tiếp nhau rực sáng trong đêm.

Ào ào băng qua những con đường xóc, thành phố Lai Châu đã cận kề khi kim đồng hồ gặp nhau ở số 12. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, thành phố sáng rực đèn điện, lung linh giữa bốn bề ngút ngàn núi cao. Vào sân khách sạn Mường Thanh trong những cái ngáp dài mệt mỏi. Đoàn xe đến trước đã đỗ kín sân, các phòng đã tắt đèn đi ngủ từ lâu, chuẩn bị sức cho ngày mai xuống bản.

Đi dạo một vòng, hít căng lồng ngực cái không khí mát lạnh của vùng núi cao, thả mình trong tiếng dế, tiếng côn trùng rả rích. Sau chặng đường dài mệt mỏi, tôi vẫn không sao ngủ được. Một kẻ có “máu xê dịch” như tôi mà chẳng hiểu sao giờ này, lại thấy hồi hộp lạ. Có lẽ cái “trách nhiệm nặng nề” của chuyến đi từ thiện này làm tôi trăn trở. Lần đầu tiên tôi thấy mình không phải là kẻ “lông bông”, tôi trở nên hữu ích.

Ngày mai, cả đoàn sẽ đi Nậm Ban, rồi lên điểm trường. Nghĩ đến những con dốc đá ngoằn ngoèo chỉ nhỉnh hơn vệt bánh xe vắt qua hẻm vực dựng đứng dẫn lên những lớp học liêu xiêu bên dốc núi, tôi thấy háo hức...

Lên những lớp học mới trên đỉnh núi

Trời bắt đầu mưa. Lá cây rừng đọng mưa quất ràn rạt vào mặt. Mặt đất ngấm nước thành một đám bùn lỏng, trơn nhẫy. Cậu giáo viên chở tôi, tay gồng cứng giữ lái chạy trên con đường chỉ nhỉnh hơn vệt bánh xe.


< Trẻ con ở Nậm Ban.

Sự mệt mỏi của ngày hôm trước khiến năm tiếng ngủ đêm chỉ như một phút chợp mắt, chúng tôi lại chuẩn bị lên đường. 7 giờ, đoàn xe khởi hành theo đường 4D, bắt ra quốc lộ 12 đi Sìn Hồ. Những con đường Tây Bắc lúc nào cũng quanh co, uốn lượn, vắt qua từng ngọn núi; vút lên cao, chui vào trong những đám mây mù rồi bất chợt oà nắng khi lên tới đỉnh. Dù vội, cả đoàn vẫn dành đôi phút dừng chân, tận hưởng vẻ đẹp kỳ vĩ của những đỉnh núi cao nhấp nhô trong mây sớm.

Bên dòng Nậm Na

Quốc lộ 12 đi Điện Biên chạy dọc theo dòng Nậm Na hùng vĩ. Những cơn mưa cuối mùa làm dòng nước đỏ quạch, chảy ầm ào. Những chiếc xe bán tải chất đầy hàng nối đuôi nhau bò qua những đoạn đường phủ đầy đất đá do sạt lở. Cứ vài cây số đoàn lại phải dừng, chờ máy xúc, máy ủi gạt đất, san đường để đi tiếp.

Bên cây cầu treo đã cũ vắt qua dòng Nậm Na, một cây cầu bêtông đang dần hoàn thành. Quyết định thử cảm giác mạnh, tôi cho xe chạy qua cầu treo. Cách xa mặt nước gần 30 thước, chiếc xe đung đưa theo nhịp cầu như đu võng, sàn cầu lõm xuống theo vệt bánh xe lăn. Dừng xe, tôi tranh thủ chụp ảnh trước khi nó bị dỡ bỏ.


< Những đứa trẻ ở bản làng đang chờ nhận quà từ miền xuôi mang lên.

Đến trước cửa nhà anh Lý Hà Nhè, chủ tịch UBND xã Nậm Ban, điểm dừng chân của đoàn. Bữa trưa ăn sớm được triển khai chóng vánh với mì tôm và thịt hộp, rồi chúng tôi cùng châu đầu vào tấm bản đồ xã, chia tốp, chia hàng để đưa tới các điểm trường. Từng bao tải chăn màn, quần áo, giày dép, sách vở được gói kỹ, bọc trong nilông, chia đều ra 15 xe chở tới chân núi, nơi bắt đầu công cuộc gùi, thồ, cõng, vác…

Nghe chủ tịch Nhè chỉ lên đỉnh ngọn núi phía xa bảo: “Đường lên Nậm Vạc, Hua Bản mấy hôm nay trời mưa, khó đi lắm”. Người Mông, người Mảng ở Tây Bắc là những chuyên gia leo núi, nếu họ bảo, đường khó đi thì chắc là gian nan rồi. Nhưng mong muốn trao tận tay những em bé Nậm Ban từng bộ đồng phục, từng quyển vở, cây bút là khát khao của không chỉ mấy chục người trong đoàn, mà còn là của rất nhiều người hảo tâm khác đã gửi gắm. Tôi, anh Sơn Rack cùng anh Quang “đường trường” xung phong đi một trong những điểm xa nhất: Nậm Vạc, nơi cách chỗ chúng tôi dừng chân gần 40km đường núi.

Là một trường tiểu học của xã, sĩ số học sinh gần 900 em nhưng tiểu học Nậm Ban lại chia thành 15 điểm trường, nằm tít tắp trên cả chục đỉnh núi, cách xa nhau đến nửa ngày đường. Lớp học gần bản cốt để trẻ em Nậm Ban không đánh rơi con chữ, nhưng với những giáo viên dưới xã hàng ngày phải đi đi về về thì quả là vất vả.

Một tốp thầy giáo của trường đã ngồi sẵn trên xe máy, chờ đưa chúng tôi lên điểm trường. Tốp khác thì phi tới chân núi, chờ ôtô đổ hàng rồi “tăng bo” lên dốc.

Con đường “nín thở”

Cậu giáo viên chở tôi nhìn lên đỉnh núi xám xịt lẩm bẩm: “Mưa rồi anh ạ!” Lục tục mở cốp xe, ba cậu tài xế giáo viên lôi từ trong cốp ra mấy bộ xích quấn lốp. “Không có cái này thì chỉ có cách vác xe lên núi thôi!”, cậu giáo viên nói. Lại lên xe, hối hả lao vào con đường mòn cỏ lác um tùm.

Con đường mòn vắt vẻo hình chữ Z cứ nhỏ dần theo độ cao của núi, đường nhầy nhụa. Chẳng giúp được gì, tôi chỉ biết ngồi sát, ôm cứng lưng “tài xế”. Nín thở, không dám nhúc nhích mỗi khi xe vào cua tay áo, có lẽ chỉ cần tôi cựa mình là xe có thể mất lái.

Soạt… bánh sau trèo phải hòn đá to, nẩy lên, trôi mạnh. Theo phản xạ, tôi chống chân, cuống cuồng bám tay vào đám cây leo bên vách núi, hai anh em chân kẹp chặt xe, chầm chậm “cẩu” nó lên đường. Hú vía. Một túp lều nhỏ hiện ra bên lưng núi làm chỗ nghỉ chân, nhìn lên đỉnh núi, thấy căn lớp nhỏ xinh ẩn hiện trong đám mây mù mà lòng thầm phục những thầy cô giáo cắm bản, vẫn ngày ngày đi về trên con đường ấy.

< Cô giáo cùng học trò bản làng dùng cơm trưa ngay tại lớp học.

Con dốc ngược sát đỉnh núi làm xe chết máy, chúng tôi đành xuống đẩy xe lên. May sao, điểm trường đã hiện ra trước mặt. Một đám trẻ con chạy ùa ra đón chúng tôi – những nụ cười hồn nhiên, rạng rỡ. Tôi hồ hởi bắt tay từng người, bao mệt nhọc bỗng chốc trôi sạch.

Bên lớp học bằng gỗ vừa mới dựng lên, lũ trẻ con há hốc mồm nhìn những bao tải quần áo đồng phục, sách vở mới tinh tươm vừa được gùi lên. Chia đều quà cho từng em trong niềm vui râm ran, tôi bỗng thấy vui lây niềm vui học trò. Ngày mai, các em sẽ đến trường, xúng xính trong bộ đồng phục mới, những cuốn sách giáo khoa không còn mất góc, những quyển vở không còn ố vết nước mưa… Với các em, niềm vui đến trường sẽ lớn hơn, tức là sẽ có ít hơn những em nhỏ, vì khó khăn mà bỏ học. Nhìn vào ánh mắt lấp lánh của các em, tôi tin vậy.

Sau khi đi một vòng ngắm thành quả của bao tấm lòng hảo tâm, tôi đại diện đoàn cầm búa đinh đóng tấm biển “Kính tặng” lên mép cửa, chính thức khai trương lớp học mới. Nhìn lớp học nhỏ tươi màu gỗ mới nổi bật trong màu xanh cây rừng, ríu rít tiếng cười trẻ thơ, tôi chợt thấy lòng mình thanh thản lạ thường. Sẽ còn nhiều nữa sau chúng tôi, những trái tim rộng mở. Nhặt viên ngói nhỏ, tôi viết lên đầu tường gỗ dòng chữ “Chúng tôi sẽ trở lại Nậm Ban”.

Du lịch, GO! - Theo Hoàng Minh, Quang Trung (SGTT), internet