Tôi lên Hà Giang ôm theo một giấc mơ tam giác mạch, ấn tượng về ruộng bậc thang qua những bức ảnh, cuộc trường chinh của con người mở đường vào cao nguyên đá, những phiên chợ vùng cao đầy màu sắc mới lạ

Hà Giang – Mỏm cực Bắc

Đó là những con đường quanh co bao phủ sương mù với bên này là núi, bên kia là vực thẳm. Ngồi trên xe cảm giác sợ hãi đến thót tim khi xe chỉ có thể tiến chứ không có chỗ quay đầu. Không chỉ có thế, chốc chốc gặp những khúc cua khiến xe như muốn quay ngang ra khiến mọi người lại được phen hoảng hốt.

Nhưng Hà Giang với tôi còn có cả những ngày nắng đẹp, ánh nắng vàng lấp lánh như ruộm cả một vùng thung lũng bao la.

Những nấc ruộng ruộng bậc thang được ánh nắng chiếu vào nổi lên như tấm bản đồ Tổ quốc khiến đứa nào cũng phải trầm trồ “Chưa bao giờ thấy cảnh tượng nào đẹp hơn”! Tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang như từng đường gân của đất Mẹ nổi lên khiến người xem xúc động và trái tim như bật khóc trước vẻ đẹp của đất trời kia.

Hà Giang còn cho tôi thích thú với cảm giác được đi bộ trên miền núi cao. Quãng đường 1,5 cây số lên cột cờ Lũng Cú, khiến nhiều người trong đoàn thấy mệt mỏi nhưng vẫn thích thú đi tiếp.

< Cảnh sắc hữu tình như chốn bồng lai tiên cảnh.

Vượt qua hàng lan can inox chắn là một cây thông cao lớn mọc nhô lên và cả đoàn được ngắm những nấc ruộng bậc thang đợt xanh đợt vàng, trải dài trong khoảng thung lung. Ruộng cứ nối tiếp nhau ở lưng chừng núi, trượt xuống sâu và vắt từ sườn này qua sườn khác. Chính giữa là những hồ nước lấp loáng phản chiếu ánh mặt trời bỏng rát, cao lên phía trên thì vẫn là núi cao tiếp giáp với mây trời.


< Cột cờ Lũng Cú.

Vẫn thật xúc động khi nhớ lại cảm giác lúc lên đến phần cao nhất của cột cờ Lũng Cú, chân lá cờ rộng 54m2, để nhìn xuống giang sơn gấm vóc này, Tổ quốc của chúng ta đẹp như một bức tranh diễm lệ mà không bút pháp nào có thể miêu tả hết được vẻ đẹp hùng vĩ đó.

Cột cờ Lũng Cú - mỏm Lũng Cú tột Bắc là “nơi bắt đầu nét vẽ của bản đồ Tổ quốc”.  Là điểm cực Bắc của đất nước và cũng là niềm khao khát muốn được chinh phục của bao dân phượt - “một lũ nặng phong vân”. Và chúng tôi đã đến, đã hát vang “Tôi yêu Việt Nam” dưới chân cột cờ đó, đã chào cờ và cất lên tiếng hát “Quốc ca” từ trái tim mình, để lại thấy biết yêu hơn bao giờ hết đất Mẹ thân yêu!

< Dinh nhà Vương với kiến trúc lạ mắt.

Cũng không thể nào quên Dinh nhà Vương, quy mô tuy không lớn nhưng được giữ gìn và bảo tồn khá nguyên vẹn. Đoàn chúng tôi thực sự bị gây ấn tượng mạnh bởi cánh cửa gỗ kiểu cổ lại tồn tại bên cạnh cầu thang đá có lan can sắt tây, mái ngói âm dương lại song song với tường bê tông trong cùng một quần thể kiến trúc, thật độc đáo và khác lạ!

Vào những ngày cuối cùng của chuyến đi, đoàn tôi được đến thăm hồ Na Hang. Vừa được đi thuyền vừa ăn trưa trên thuyền với xung quanh cảnh vật nên thơ, phong thủy hữu tình.

< Hồ Na Hang.

Có đoạn thuyền tiến gần tới thác, đúng lúc ấy mọi người đổ dồn về mũi thuyền, ai cũng hướng về phía trước thì sương sà xuống trắng xóa mặt núi, núi ẩn mình xanh ngắt rừng cây. Mây là làn tóc của bà Trời phủ trên đầu ông Núi, cây là áo xanh của bà Rừng đan trên mình ông Núi. Một khoảnh khắc mà thiên nhiên hiện ra hùng vĩ và tuyệt đẹp! Tất cả quanh tôi đều đẹp đến ngỡ ngàng như lạc vào cõi tiên!

Con người ở Hà Giang – đó là những người dân bình thường mà tôi đã được gặp ở phiên chợ Yên Minh đầy sản vật lạ. Họ thân thiên, dễ gần, chất phác và mến khách, họ nồng nhiệt khi tôi chụp ảnh họ và muốn được chụp cùng tôi.

< Những con người hiền lành, chất phác của vùng "Cao nguyên đá".

Đặc biệt hơn, tại ngôi nhà là bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao”, làng văn hóa Lũng Cẩm, tôi đã gặp một cậu bé người Mông với sắc thái biểu cảm rất độc đáo. Không chỉ đôi mắt mà dáng ngồi, tất cả đều rất tự nhiên mà lại rất đặc biệt.

Dường như, nó không buồn cũng chẳng vui, không phấn chấn cũng chẳng sầu bi... Nó tư lự. Một cái tư lự rất thật! Nó không thể suy nghĩ được nhiều chuyện vì nó còn nhỏ quá, nhưng hình như nó biết cảm nhận cuộc sống xung quanh theo một cách rất riêng, bằng cái nhìn của chính nó! Điều ấy khiến nó khác biệt trong mắt tôi và khác với tất cả những đứa bé khác.

Bên cạnh đó, trên đường lên Hoàng Su Phì, đoàn tôi có đi bộ ngang qua ngôi nhà của một người Dao đỏ nằm kế bên các khoanh ruộng bậc thang. Nhà có một người phụ nữ đã luống tuổi đang ngồi nhóm bế.

Chưa kịp nói gì, bà bất ngờ bước ra ngoài, bàn tay nắm lên cánh cửa nhìn chúng tôi. Tôi đã gắng xin bà chụp một kiểu ảnh bà đẩy cửa ra, bởi đôi bàn tay mà tôi chưa từng được thấy. Đó là bàn tay của con người cả một đời làm ruộng nên móng tay chỉ còn một nửa vừa thâm vừa đen xì, to bè, vạm vỡ.

< Cậu bé người Mông khiến chúng tôi cứ nhớ mãi.

Nỗi xúc động, khi một bàn tay tôi-chưa-từng-được-thấy-trước-đây đã đẩy cánh cửa nhà họ để tôi thấy cuộc sống đồng bào tôi trên miền cao nguyên đã từng chỉ có đá và bây giờ thì không chỉ toàn là đá, thực không thể nào quên...

Trở về thủ đô giấc mơ tam giác mạch của tôi trên Hà Giang đã thắm sắc phớt hồng. Tôi vẫn còn chưa được chụp cánh đồng hoa tam giác mạch Sủng Là – một giấc mơ chưa nở hoa, phải trở lên lại thôi! Hẹn gặp lại một ngày không xa, Hà Giang nhé!

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Thành Trang (Dantri), internet