Thấp thoáng trong nắng chiều, thiếu nữ Thái mềm mại chải tóc dưới dòng Púng Hon ở Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La) khiến con suối trở nên huyền ảo, có lẽ thế nên người ta gọi đó là dòng sông tiên nữ.

< Các cô gái Thái đang khỏa mình trong dòng  nước.

Những ai đã đến với sông Mã, được ngắm nhìn những đường nét kiêu kỳ đó thường bảo, đây là tiên cảnh. Dòng suối Púng Hon chắt chiu nguồn mạch của mây núi để dệt cho dòng sông Mã thêm hùng vĩ, hoang sơ.

Hình ảnh cô gái Thái chải tóc bên dòng Púng Hon, thế thôi mà cứ như mê hoặc cả núi rừng lẫn lữ khách ngang qua. Dòng suối miệt mài chảy. Cô gái e ấp, chải vuốt mái tóc mềm mại như dòng suối cho đến khi bóng chiều hạ ánh sáng xuống núi.

Khói lam chiều bảng lảng đưa ta lạc vào xứ sở yên bình đến mơ màng. Cơm tối với cá bống suối Púng Hon nấu lá chua rừng. Và mâm cơm có giản dị đến mấy cũng không thể thiếu sâu chít chao lá chanh và côn trùng chiên giòn thơm nức.

< Những thiếu nữ người Thái đang tắm trên sông Đà sau buổi lên nương.

Là bản du lịch sinh thái, thế nên cộng đồng bà con người Thái đã biết tiếp cận với “nhịp đập” của “dân du mục” tìm đến khám phá. Chợt nhớ ra, trên dọc hành trình đến Mường Lèo ban chiều, qua những con suối bên khe núi thường bắt gặp những cô gái Thái tắm mình trong dòng sông để chải tóc, đó là cách làm đẹp hay chỉ để khỏa những nhọc nhằn sau một ngày dài lao động?

< Nụ cười tỏa nắng bên dòng nước mát lạnh. "Tắc nặm" (vác nước), "pây áp nậm" (đi tắm suối) trên những dòng sông, suối là việc thường ngày của người Thái..

Người chủ nhà không trả lời mà lại kể, xưa người Thái đen ở Mường Lèo đi săn thấy một con tê giác có 3 sừng, phường săn đuổi mãi, qua những ngọn núi quanh năm mây phủ, qua những tán rừng nguyên sinh thì thấy một vùng đất bằng phẳng.

< Tắm tiên trên dòng sông Đà.

Ở giữa vùng đất đó ở có một con suối nước trong xanh mà chiều chiều hươu, nai kéo từng đàn xuống uống nước. Biết là vùng đất tốt, tộc người ăn theo nước mới di dân đến khai khẩn dựng mường. Thời ấy, con người và muông thú cùng chung sống hòa thuận dưới cánh rừng đại ngàn năm này qua năm khác…

Có rất nhiều truyền thuyết khiến ta đặt câu hỏi mãi không thôi, như loài tê giác 3 sừng kia có nguồn gốc từ đâu… Song, những gì ta được tận “mục sở thị” gom lại trong mắt, trong trí nhớ, đã có thể cho ta câu trả lời, đó là sự yên bình và hoang sơ.

Lễ hội gội đầu dân tộc Thái trên sông Đà

Lễ hội gội đầu của đồng báo Thái. Đây là hoạt động nằm trong tuần văn hóa “Qua miền Tây Bắc”, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của đồng bào vùng di dân tái định cư thủy điện Sơn La.

Khi ánh nắng bừng sáng mặt sông Đà, lễ gội đầu được bắt đầu. Người chủ sự thông báo với dân bản: “Năm mới sắp đến, bà con dân bản hãy xuống bến nước chuẩn bị gội đầu”. Theo đó, nam thanh nữ tú trong bản khua trống, chiêng, kéo theo dòng người ra sông gội đầu.

Trong chậu nước gội đầu của mỗi người, được đun bằng bồ kết cùng vỏ cây xo xe và những cánh hoa rừng gồm hoa đào, hoa mận tạo ra một thứ nước thơm quyến rũ...

Đàn ông khoác súng kíp, đeo túi thổ cẩm trong có đựng bảo bối gọi là “thung xanh”. “Bảo bối” thực ra chỉ là móng vuốt hổ, vuốt gấu, đoạn sừng tê giác, châu ngọc hoặc có thể chỉ là của hồi môn, như: nhẫn vàng, vòng bạc...

Trong Lễ hội gội đầu còn có các nghi thức khác như múa xoè, làm nghi lễ cúng thần sông, thần suối, kèm theo là các trò chơi dân gian. Từ già trẻ, gái trai, mọi thành viên trong bản đều được tham gia lễ hội gội đầu.

Theo quan niệm của người Thái trắng, lễ gội đầu là để rửa trôi, tống tiễn bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ theo dòng nước (sông, suối), đi mãi không lặp lại; đồng thời cầu cho khi bước vào năm mới có nhiều sức khoẻ, làm ăn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...

Du lịch, GO! - Theo An Ninh Đời Sống, ảnh từ nhiều nguồn khác.