Nếu hỏi “đỉnh Nọc Trù ở đâu?” có lẽ không ai biết, kể cả dân du lịch chuyên nghiệp. May ra mấy anh kiểm lâm, nhân viên khu du lịch tại chỗ và dân địa phương thường đi bẻ măng, tìm lan, tìm cây thuốc... thì biết. Nọc Trù cao 694 m, là đỉnh cao nhất của núi Takou, xã Tân Lập, Bình Thuận.

Lâu nay khách du lịch và hành hương Bình Thuận chỉ lên tới tượng Phật nằm, cao 475 m, nên cứ tưởng đó đã là đỉnh. Nhưng Nọc Trù mới là đỉnh cao nhất. Như núi Bà Đen (Tây Ninh) cao 987 m nhưng ga cáp treo đến chùa Phật chỉ cao 250 m. Langbiang (Lâm Đồng) cao 2.169 m (đỉnh Ông) nhưng chân núi cao gần 1.700 m. Phansipan (Lào Cai) cao 3.143m, chân núi cao hơn 1.900 m. Còn Takou, chân núi chỉ cao 30 m, phải leo hơn 660 m nữa mới tới đỉnh.

Từ ngày Takou có cáp treo, thiên hạ lãng quên đường bộ. Tôi cũng vậy. Lâu lắm rồi mới có dịp cùng anh em thử sức. Đoàn chia làm 4 đội, oẳn tù tì để chọn ưu tiên và khởi động bằng trò chơi “Bịt mắt theo trinh sát - vượt bãi mìn”. Tôi đề nghị bổ sung vào chương trình leo núi việc “Làm vệ sinh dọc đường”, anh em ủng hộ ngay nhưng trên đường về mới thực hiện. Leo Phansipan luôn có porter mang đồ giúp và dẫn đường. Dọc đường leo Phansipan và Langbiang đều có người qua lại còn đường lên Takou không một bóng người. Đường vắng, đến cỏ cây cũng ngỡ ngàng bởi lâu lắm mới có đoàn khách lạ. Rác nhiều hơn tôi tưởng, đoạn nào cũng có, như hoa độc nhức nhối giữa đời.

Tôi leo Takou bằng đường bộ lần này là thứ 6, có 2 lần leo đêm. Nhưng chỉ lần này là thong thả, nhẩn nha quan sát anh em thực hành huấn luyện, thỏa sức “tán tỉnh” cỏ cây, nghe chim ríu rít và hương rừng nồng nàn. Dẫu khá lâu chẳng màng bảo dưỡng, đường lên đỉnh vẫn toát lên một thời nhan sắc, rất Takou, không lẫn vào đâu được, vẫn đủ sức mê hoặc dân phượt thủy chung. Có nhiều loại bướm, bọ que chưa từng gặp. Ven mấy gốc cây và hốc đá, có loài cua nhỏ, đỏ au, túa ra ngó khách. Đường đẹp, khá dốc, nhiều đoạn chỉ thấy mông người trước, đi mà như bò, cũng cỡ 45 độ trở lên.

Cô kế toán trưởng công ty tên Bùi Thị Hòa, cứ lẩm bẩm oán trách: “Chẳng sếp nào hành nhân viên như vậy. Già mà gân, năm nào cũng leo núi. Chắc năm sau phải xin nghỉ quá”. Hòa từng leo Yên Tử 2 lần, nhưng năm 2010 leo Phansipan chỉ tới đỉnh 2.900 m vì “chân em ngắn quá”. Hơn nửa đường dốc ngược, như cố chọc tức và làm giảm nhuệ khí người leo núi. Sau đó như để tưởng thưởng cho nghị lực vượt khó,  đường đi lại toàn bóng râm, cứ tha hồ dạo chơi đủng đỉnh. Thấm thía câu tục ngữ “Vạn sự khởi đầu nan”. Lên đỉnh 530 m lại xuống 475 m, nhà ga cáp treo.

Các nhóm hội quân với trò chơi bắn bong bong bằng ná thun. Có người cả đời chưa thấy ná, tưởng bắn dễ ẹc, ngờ đâu “thấy vậy mà không phải vậy”. Đoạn từ cáp treo lên tượng Phật rất dốc nhưng có bậc thang. Thử thách thật sự chỉ bắt đầu sau lưng tượng Phật. Đoàn có thêm hướng dẫn viên rừng là anh Trần Văn Hóa, kiểm lâm và anh Nguyễn Lê Cảnh, nhân viên khu du lịch Takou. Anh Hóa cầm rựa mở đường. Anh Cảnh đi tốp giữa, còn tôi khóa đuôi. Cảnh vừa đi vừa phát đường. Toàn đi khom vội vã. Hễ dừng chân chụp hình là bị muỗi tấn công, giật bắn mình đau nhói.

Muỗi Nọc Trù to gấp 3 - 4 lần muỗi thường, vòi đâm lủng cả áo. Đường dốc đứng, trơn trượt. Lắm đoạn phải níu cây mà leo. Vì không có đường nên nhóm đầu phải đánh dấu, có khi là chiếc bong bóng, là mũi tên bằng cành khô hay vạc vào thân cây lớn. Có lúc phải dùng cả khăn và nón làm dấu đường. Ven lối đi vừa mở, có nhiều loại nấm lạ, đẹp khác thường. Có loại mới nhìn ngỡ là bướm, có loại tưởng là côn trùng, hoa; có loại phát sáng...

Cái cảm giác được là những người đầu tiên mở đường lên đỉnh núi rất lạ. Đường có nhiều cây cổ thụ, mỗi cây một dáng. Nhiều đoạn trúc bạt ngàn, cứ như cảnh trong phim Thập diện mai phục. Đan xen rừng trúc là cây trung quân chen chúc, mượt mà xanh. Tôi chưa thấy ở đâu lá trung quân tốt tươi như vậy. Hỏi mấy bạn dẫn đường, chẳng ai biết tên cây và công năng độc đáo của loại lá gắn liền với cuộc bôn tẩu của Nguyễn Ánh. Chính vua Gia Long đặt tên cây là trung quân. Do đặc điểm không cháy lan, trong kháng chiến, lá trung quân được bộ đội dùng lợp nhà cực tốt. Nhà lợp lá trung quân, lấy đuốc đốt thì lá mới miễn cưỡng cháy theo. Hễ đuốc tắt là lá cũng hết cháy, tắt theo.

Takou còn có nhiều cây thuốc cực quý như mật nhân, dân gian gọi là cây “bá bệnh” hay “bách bệnh”. Nhờ biết phân phối sức, các chặng nghỉ có trò chơi nên cả đoàn có mặt trên đỉnh Nọc Trù lúc 10 giờ 45. Anh em tranh thủ chụp ảnh với cột mốc “tọa độ quốc gia”, cao 694 m thuộc xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

11 giờ, đoàn xuống lại nhà ga để ăn trưa. Đường lên, dốc ngược, hổn hển thở. Đường về, dốc đứng, cứ “vồ ếch” và thử độ bền của... mông với đất thoải mái. Bữa trưa thật ngon miệng vì đã vắt kiệt mồ hôi. Nhóm 1 có thêm đặc sản cua lửa chiên giòn, cực ngon, chia đều cho các nhóm. Bởi đi đầu thấy rất nhiều cua lửa, nhóm 1 có sáng kiến bắt cua bỏ vào chai nhựa rác để cải thiện. Loại cua chỉ bằng đầu ngón tay cái, khi nấu chín, màu đỏ nhạt hơn lúc còn sống. Đem hình về khoe với chuyên gia động vật, mới té ngửa, đó là loài động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam. Vậy mà chẳng ai biết để nhắc nhở, thôi đành “rút  kinh nghiệm sâu sắc” cho những lần sau vậy. 13 giờ 30, đoàn hạ sơn.

Mỗi đội được cấp 3 túi đựng rác tổ chảng để làm nhiệm vụ vinh quang “dọn rác dọc đường xuống”. Mỗi túi có bề rộng cả mét, bề cao 1,5 m. Rác lưu cữu nên lẫn lộn đất cát, chỗ nào cũng có, cứ như... thảm hoa. Anh em chia nhau, mỗi người một tay. Ban đầu hăm hở dọn sạch. Sau thấy nhiều quá, chỉ ưu tiên chai nhựa và ni lông. 12 bao rác căng phồng, có vài bao bục đáy mà đường chỉ mới quá nửa. Lượm được cả tạ rác nhưng chưa bõ bèn gì. Ước tính để dọn sạch, chắc cũng trên nửa tấn. Cả quãng đường từ nhà ga xuống núi hơn 2.500 m không có thùng rác nào. Đành chịu vì “lực bất tòng tâm”.

Chúng tôi về lại Hòn Rơm, xuống biển rũ hết mệt nhọc. Buổi tối, quây quần ôn lại những bài học từ chuyến leo núi và các trò chơi hỗ trợ. Ai cũng thấy mình tự tin hơn, hiểu nhau hơn. Bạn Bùi Thị Hòa trải lòng: “Lúc đầu em tức lắm. Nhưng bây giờ, em phải cám ơn. Chuyến leo núi đã giúp em vượt qua sức ì cố hữu. Hơn nữa cách tổ chức cũng khoa học hơn năm trước”.

Sáng ngày 24.10, khi các em còn phục hồi sức khỏe với biển thì tôi mang theo những bài thu hoạch về dự tọa đàm “Phát triển du lịch Bình Thuận bền vững”. Vốn gắn liền với chặng đường 17 năm phát triển của tỉnh nhà, chúng tôi đề nghị Bình Thuận phục hồi lại tuyến leo núi đường bộ lên tượng Phật nằm và tiếp tục lên đỉnh Nọc Trù. Hằng năm nên tổ chức ngày hội “Chinh phục đỉnh Nọc Trù” cho du khách vào dịp kỷ niệm ngày Du lịch Bình Thuận.

Bên cạnh đó nên thắp sáng lầu Ông Hoàng để khách lên ngắm Phan Thiết về đêm. Tổ chức phố đêm ở Hàm Tiến làm điểm nhấn, đem các xe hoa - lồng đèn trung thu về triển lãm cho du khách thưởng ngoạn. Xây dựng các đội xe ôm tự quản, có đồng phục và được huấn luyện nghiệp vụ, chấn chỉnh các lò đặc sản và việc cho khách thuê xe gắn máy... Ngoài du lịch biển, Bình Thuận còn nhiều điểm hấp dẫn như Cù lao Câu, thác Yavly (Tuy Phong), thác Sương Mù, hồ Đa Mi (Hàm Thuận Bắc)... gần như chưa khai thác. Tôi tin là du lịch Bình Thuận sẽ bứt phá về lĩnh vực du lịch trong tương lai.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Văn Mỹ (iHay), internet