Ngày 23/11- ngày Di sản VN, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra lễ khánh thành quần thể tháp Chăm, do Bộ VH TT & DL tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn khẳng định “Lễ khánh thành quần thể Tháp Chăm được tổ chức đúng vào Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và 82 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất nên đây không chỉ là dịp quảng bá, giới thiệu về truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào Chăm mà còn là dịp giao lưu, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Sau hơn 4 năm xây dựng, quần thể tháp Chăm đã được hoàn thành. Đây là công trình được Ban quản lý, thợ thủ công và những người lao động đặt rất nhiều công sức, trí tuệ để hình thành nên kiến trúc đặc biệt của tháp Chăm giữa Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tại buổi lễ, các đại biểu và quan khách quốc tế và đồng bào Chăm đã có dịp chứng kiến các nghi thức truyền thống như: Lễ mở cửa tháp, Lễ Katê, các chương trình nghệ thuật của các đoàn nghệ nhân dân gian Chăm đến từ các tỉnh trong cả nước.

Trí thức Chăm Sử Văn Ngọc, đại diện cho đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận đã bày tỏ niềm vinh dự trong “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam có biểu tượng văn hóa mà đồng bào Chăm quan niệm là linh hồn của họ, đó là ngôi tháp cổ Po Klong Girai. Khu quần thể Tháp Chăm, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ là điểm đến của đồng bào bè bạn, du khách trong nước và quốc tể.
Tối cùng sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, 82 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.

Ba toà tháp Chăm hiện hữu giữa lòng Hà Nội cùng với những ngôi nhà Rông, nhà Dài của đồng bào Tây Nguyên, nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng, Thái… như minh chứng của sự hội tụ những đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Quần thể Tháp Chăm được khởi công xây dựng ngày 19/3/2008 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mô phỏng theo tổng thể nhóm tháp Poklong Garai (Ninh Thuận). Công trình kiến trúc đặc biệt này sẽ khánh thành ngày 23/11/2012, nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Khu đền tháp Chăm là biểu tượng văn hóa, tôn giáo của dân tộc Chăm, là không gian đặc biệt linh thiêng đối với người Chăm, cũng là nơi hàng năm tổ chức lễ hội quan trọng, lớn nhất của người Chăm - lễ hội Katê. Việc xây dựng khu đền tháp Chăm tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam được coi là một trong những điểm nhấn trong tổng thể Khu các Làng dân tộc III – khu vực tái hiện làng của những dân tộc thuộc vùng Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Đây sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào Chăm mỗi khi ra sinh hoạt tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Điểm đặc biệt là Tháp Chăm tại Làng được xây dựng theo nguyên mẫu và theo tỷ lệ tương đương với tháp Poklong Garai Ninh Thuận, bao gồm: Tháp chính - tháp Kalan; Tháp hỏa - tháp Kosaghra và Tháp cổng - tháp Gopura.

Tháp Kalan: Là Tháp trung tâm với chức năng là đền thờ, có diện tích 155m2, cao 20,58m. Bên trong tháp chính, tại chính giữa, có đặt Linga và Yoni - hai khối vật thể biểu hiện tín ngưỡng phồn thực sâu sắc của người Chăm và cũng là biểu tượng cho thần Siva đầy uy lực mà người Chăm tôn thờ.

Tháp được xây theo hình vuông. Chia làm 4 tầng, mỗi tầng có 4 tháp nhỏ dần theo tầng cao. Các hoa văn trang trí tương tự tháp tại khu Poklong Garai được kết hợp giữa các chi tiết đá sa thạch được đục bằng tay gắn vào và các hoa văn được đục trực tiếp trên khối gạch xây. Tại cửa vào, hốc mái vòm có trang trí các cột đá, ngưỡng đá, tượng đá.

Tháp hỏa Kosaghra: Có diện tích là 47,2m2, cao 9,66m, ở phía trước bên phải tháp chính theo hướng Đông. Kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, có tường ngăn chia thành 2 phòng có chức năng là một nhà kho, bếp. Tháp có 2 tầng, 3 cửa với mái cong hình thuyền vươn cao.

Tháp cổng Gopura: Có mô hình kiến trúc tương tự Tháp Kalan nhưng quy mô nhỏ hơn với diện tích là 36m2, độ cao 9,72 m, có 2 cửa thông nhau, tháp có 3 tầng, có chức năng là nơi tiếp khách. Các hoa văn, họa tiết trang trí cũng tương tự như khu tháp Poklong Garai ở Ninh Thuận. Ngoài ra, còn có Sân lễ hội nằm giữa tháp cổng và tháp chính, là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá tín ngưỡng, nghệ thuật của đồng bào dân tộc Chăm.

Du lịch, GO! - Theo Dân Trí, Toquoc.gov