Đến đền Hùng, Phú Thọ, tôi nao nức muốn mau chóng tới đền Giếng để soi mặt mình trong giếng Ngọc vì nghe nói sẽ gặp nhiều may mắn.
Đến đền Hùng, Phú Thọ, khách sẽ đi trên con đường có vài trăm bậc thang dẫn đến đền Hạ, đền Trung, đền Thượng.
< Cổng vào Đền Giếng.
Còn tôi, lại nao nức muốn mau chóng tới đền Giếng để soi mặt mình trong giếng ngọc như lời đồn "soi mặt mình vào giếng sẽ gặp rất nhiều may mắn". Đền Giếng nằm ở chặng đường cuối của cuộc hành trình thăm đền Hùng.
< Khu nhà chính của đền Giếng.
Ngôi đền khá huyền bí với cửa đền luôn mở rộng, tiếng mời gọi rất ngọt ngào của những người quản lý đền khi thấy chúng tôi đến: “Bác vào soi mặt giếng Ngọc lấy may bác nhé". Ôi, đã tới nơi sau một cuộc hành trình leo lên tận đỉnh núi rồi leo xuống, sao lại không vào đền để soi mặt trong giếng Ngọc, chiếc giếng hơn 2000 năm tuổi.
Giếng Ngọc ở đền Giếng đẹp, bờ đá cao chừng nửa mét, được làm từ loại đá xanh. Giếng như một vật linh thiêng, nằm ngay chính giữa trang thờ lộng lẫy. Ánh sáng tự nhiên từ trên hắt xuống, ánh sáng từ điện thờ hắt ra màu đỏ, mùi trầm hương thoang thoảng càng tăng cảm nhận sự linh thiêng của du khách.
< Giếng Ngọc.
Theo truyền thuyết, giếng Ngọc hình thành từ thời vua Hùng Vương 18. Thời đó, nơi này chỉ là một vũng nước trong. Một lần, khi vua cùng các vị đại thần lên núi Nghĩa Linh làm lễ tế đất trời thì các công chúa đi ngắm cảnh. Khi đến vũng nước trong tại phía Đông Nam núi Nghĩa Lĩnh, hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa đã dừng lại bên vũng nước, ngắm dung nhan mình trên mặt nước trong veo. Hai nàng đã uống nước từ vũng và khen nước rất ngọt và mát. Từ đó, vũng nước trong này trở thành nơi hai nàng công chúa đến thưởng ngọan, soi mặt.
< Soi mặt vào giếng Ngọc.
Vào thế kỷ 17, đền Giếng được xây dựng, vũng nước trong veo không bao giờ cạn nước ấy được xây thành một cái giếng như bây giờ và được gọi là giếng Ngọc. Do địa hình nên giếng Ngọc là nơi tụ về của nước mưa, dưới đáy giếng là đá cứng và sỏi nhỏ khiến nước giếng quanh năm trong vắt. Đến giếng Ngọc, du khách thường được người giữ đền múc nước mời uống.
Một nguời đàn ông mặc bộ áo dài xưa bảo chúng tôi nên soi mặt vào giếng Ngọc, cầu nguyện sẽ gặp điều may mắn.
< Hồ sen trong khu Đền Giếng.
Khi chưa nghĩ ra cách nào để uống được nước giếng Ngọc thì một cô gái ở chái nhà bên đã cất giọng: “Mời các anh qua đây uống nước giếng Ngọc lấy may”. Bước sang, thấy có rất nhiều chai nhựa chứa sẵn nước giếng Ngọc, có những chiếc tách nhỏ cho du khách uống thử. Tôi uống thử một chén nước, bỏ năm ngàn vào khay “thỉnh” một chai nước giếng đem về. Nhiều người cũng thích thú “thỉnh” những chai nước giếng như tôi.
Đền Giếng là một thắng cảnh đẹp. Trước đền có hồ sen, có cây liễu rủ, cổng đền cổ kính, không gian rợp bóng cây khiến du khách cảm thấy lòng thanh tịnh. Chuyện nước giếng Ngọc trong chai có "thật" hay không cũng không quan trọng, truyền thuyết là màu sắc tô điểm thêm cho câu chuyện, cho vẻ đẹp của một di tích, một điểm đến thêm lung linh.
Du lịch, GO! - Theo Khuê Việt Trường (PNO), internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.