Dân gian có câu “Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích”. Hai danh lam cổ tự này đều thuộc thiền phái Lâm Tế.
Nằm cách thành phố Bắc Giang gần 30 km, Bổ Ðà Sơn Môn tọa lạc ở chân núi Thượng Lát (xã Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang). Nơi đây có ngôi chùa Bổ Ðà (còn gọi là chùa Bổ), chùa có tên chữ là Tứ Ân tự, hay Quán Âm tự, là một trong những trung tâm Phật giáo thuộc thiền phái Lâm Tế truyền vào nước ta từ thế kỷ 17.
Chùa Bổ Đà nằm dưới chân một đồi thông rất đẹp và u tịch, xung quanh là tường đất bao phủ, phía xa có núi sông bao bọc. Nhiều người vẫn gọi Bổ Đà là chùa đất bởi không gian trong chùa man mác một màu nâu của đất, từ bể nước, tường, gạch cũ rêu phong.
Kiến trúc chùa Bổ Đà có sự độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc nội thông ngoại bế tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Với hệ thống kiến trúc 18 tòa ngang dãy dọc và gần một trăm gian liên hoàn, bố cục kiến trúc hài hòa được xây dựng bằng các vật liệu: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo.
Chùa còn lưu giữ bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị. Bộ kinh được xếp trên 8 giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành, tất cả có khoảng 2.000 tấm. Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay vẫn còn rất sắc, rõ nét.
Ở đây còn lưu giữ một di vật rất thú vị của nhà văn Nguyên Hồng tại chùa, đó là một bản chép tay những quy chế của nhà chùa hồi ông trốn đời đi tu.
Cùng với ngôi chùa được liệt vào hàng danh lam cổ tự, Bổ Ðà Sơn Môn còn được biết đến là nơi có số lượng tháp nhiều nhất cả nước. Ðây là nơi chứa đựng tro cốt, xá lị của các bậc tu hành đắc đạo thiền phái Lâm Tế khắp nơi sau khi viên tịch.
"Bốn bề phong cảnh lạ thay
Bồng Lai kia cũng thế này mà thôi".
Nằm trên một diện tích rộng hơn 8.000 m2, thoai thoải theo triền dốc, vườn tháp Bổ Ðà có tổng cộng 97 ngôi, hầu hết cao từ ba đến năm tầng. Riêng những ngôi tháp chứa xá lị của các bậc sư tổ có chiều cao và to rộng hơn hẳn. Theo viện dẫn của vị đại đức trụ trì chùa, các ngôi tháp này chứa đựng tro cốt, xá lị của hơn 1.200 vị sư tăng, sư ni. Trên tháp mộ sư tăng người ta xây một hình khối tượng trưng cho bình nước Cam Lộ đặt trên tòa sen, tháp mộ sư ni chỉ có một hình búp sen.
Hai khu tháp được tách bạch bằng một con đường mòn nhỏ. Những ngôi tháp Bổ Ðà hầu hết được xây dựng bằng gạch chỉ, phần đế bằng đá ong, kết dính bằng vôi vữa trộn lẫn mật mía, bột giấy bản, bột đá nên có độ bền rất cao. Hầu hết các tháp đều được đặt tên, trong tháp ngoài tro cốt còn đặt bài vị ghi rõ tên tuổi, thời gian tu hành và viên tịch của các sư tăng, sư ni. Riêng điều này đã cho thấy vườn tháp Bổ Ðà là một kho tư liệu quý đối với các nhà nghiên cứu lịch sử nói chung và Phật giáo nói riêng ở nước ta.
Những giá trị độc đáo về kiến trúc, cũng như những thông điệp đầy tính nhân văn đã làm cho vườn tháp Bổ Ðà trở thành điểm chiêm bái không thể thiếu cho mỗi lần đến thăm chùa.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Nhân Dân, Timhieudaophat
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.