Am Chúa nằm trên lưng chừng núi Đại An (còn gọi là núi Dưa), thuộc thôn Đại Điền Trung, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Am Chúa là nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na – Bà Mẹ xứ sở đã khai sáng và truyền dạy cho dân chúng cách làm ăn, sinh sống.

Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Y A Na được bắt nguồn từ tục thờ Bà Ponagar của người Chăm. Hay nói đúng hơn, những người Việt đến định cư ở đất này đã Việt hóa tục thờ Bà Mẹ xứ sở của người Chăm bằng truyền thuyết về Bà Thiên Y A Na giáng trần tại núi Đại An và hiển thánh ở Tháp Bà – Nha Trang.
Đến nay, ở Khánh Hòa vẫn lưu truyền câu nói: “Am Chúa hiển nhân, Tháp Bà hiển thánh” như một lời khẳng định về sự nối liền giữa di tích Am Chúa với Tháp Bà Ponagar.

Am Chúa được xây dựng năm nào không rõ, nhưng trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay am đã là một nơi thờ phụng trang nghiêm, tôn vinh huyền sử về Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Đường lên Am Chúa với hơn 100 bậc tam cấp đã được lát đá hoa cương. Sau khi qua cổng tam quan, du khách sẽ đến Am Chúa. Cấu trúc của Am Chúa có bái đường và chính điện. Trên nóc bái đường và chính điện đều có đắp nổi hình tứ linh “Long, Ly, Quy, Phụng”.

Ở gian bái đường còn đắp nổi đôi câu đối bằng chữ Hán ghi lại sự tích Bà Thiên Y A Na. Giữa chính điện là khám thờ Bà Thiên Y A Na, 2 bên thờ tả, hữu ban liệt vị. Tại Am Chúa vẫn còn giữ được nhiều sắc phong của triều đình nhà Nguyễn, trong đó có sắc phong của vua Tự Đức cho phép thờ phụng Bà Thiên Y A Na là “Hồng Nhơn phổ tế linh cảm diệu thông, Mặc tướng trang huy thượng đẳng thần”. Điều đó phần nào cho thấy giá trị văn hóa của Am Chúa đã được khẳng định từ xưa.

Hàng năm, vào những ngày đầu tháng 3 (âm lịch), lễ hội Am Chúa được tổ chức, thu hút lượng khách hành hương rất lớn. Với nhiều nghi lễ cổ truyền như múa bóng, hát văn, tế lễ… lễ hội Am Chúa đang bảo tồn nhiều giá trị văn hóa tinh thần mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa của xứ Trầm Hương.

Không chỉ là di tích LSVH lâu đời, Am Chúa còn gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân xã Diên Điền nói riêng và huyện Diên Khánh nói chung. Hiện nay, trước sân của am vẫn còn một cây mã tiền cổ thụ có tuổi thọ trên 350 năm. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cây mã tiền nhiều lần được dùng làm cột treo cờ để biểu dương lực lượng, khơi dậy truyền thống yêu nước của nhân dân. Sau lưng Am Chúa còn lưu lại dấu vết của lô cốt, giao thông hào bằng đá do thực dân Pháp xây dựng trong những năm chiếm đóng tại đây.

Với nhiều giá trị văn hóa và lịch sử cách mạng, năm 1999 Am Chúa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích LSVH quốc gia. Hiện nay, Sở VHTT đang lập dự án trùng tu tôn tạo Am Chúa với nhiều hạng mục: trùng tu am chính, xây dựng hệ thống điện nước, làm đường nhựa lên chân núi Đại An… Dự kiến, kinh phí của dự án trùng tu, tôn tạo Am Chúa là hơn 10 tỷ đồng. Hy vọng, từ dự án này, di tích LSVH Am Chúa sẽ phát huy được giá trị văn hóa truyền thống, ngày càng thu hút du khách đến với xứ Trầm Hương.

Du lịch, GO! - Theo BarSaigon, Báo Khánh Hòa