Ngày cuối tuần, bạn từ TP.HCM về Quy Nhơn chơi, gọi điện thoại rủ rê: “Thổ địa tìm một chỗ nào để trốn không khí ồn ào của thành phố đi. Đừng lo chuyện ăn, chỉ cần yên tĩnh và no con mắt là được!”.

Từ bến Hàm Tử, chỉ tốn 5.000 đồng và chưa đầy 10 phút, chúng tôi đã đặt chân lên Hải Minh, một làng chài nhỏ nằm khiêm nhường trên bán đảo Phương Mai.

Ngay cả chuyện đi đò cũng khá thú vị. 30.000 đồng cho một chuyến đò từ Quy Nhơn ra Hải Minh. Khách không muốn chờ thì trả đủ tiền để thuê nguyên chiếc. Nếu đợi được thêm một người thì trả 15.000 đồng. Đợi thêm một người nữa trả 10.000 đồng. Đủ sáu người chỉ trả 5.000 đồng.

Vừa đặt chân lên đảo đã nhìn thấy những ngôi nhà nhỏ nằm san sát giáp mé biển. Ngoắt một cậu bé đen nhẻm đang ngồi chơi với đám bạn ở bến đò: “Nhóc! Rảnh không? Dẫn đường cho chú nha”. Vốn nhạy với chuyện “làm du lịch”, chú bé phăm phăm dẫn đường.

Đi bộ men theo con đường trải nhựa dốc thoai thoải khoảng mươi phút là đến tượng đài Đức Thánh Trần. Tượng được xây dựng từ những năm đầu thập niên 1970, nằm ở độ cao hơn 40m so với mực nước biển.

Dừng chân bên tượng đài, có thể thỏa thích phóng tầm mắt khắp bốn phương. Một Quy Nhơn xanh, hiền hòa nằm tựa lưng vào núi Vũng Chua, mặt quay ra đón gió biển Đông; một Cù Lao Xanh ẩn hiện xa xa giữa trùng khơi xanh; một đầm Thị Nại xanh với chiếc cầu vượt biển như vắt ngang chân trời... Tất cả xanh ngút ngàn trong tầm mắt.

Rời tượng Đức Thánh Trần, vòng theo con đường mòn nhỏ sau núi là xuống bãi Rạn. Bãi cát nhỏ được bao bọc bởi những gành đá nhô ra biển, cát trắng phau, nước trong xanh, có thể nhìn thấy đáy. Một nhóm bạn trẻ từ Quy Nhơn đã kịp sang từ sáng sớm, đang vẫy vùng đùa vui trong làn nước mát.

Băng qua một mỏm đá lại mở ra một không gian khác. Một nhóm du khách hào hứng lặn tìm ốc và thả lưới bắt cá trong vùng biển cạn gần gành đá. Đang gom cá xiên que chuẩn bị nướng, anh Hùng, cư dân trên đảo, cho biết mấy người bạn từ Tây nguyên xuống thăm, thuê thuyền ra bãi Rạn chơi từ lúc mặt trời vừa ló dạng. Vừa tắm biển vừa bắt cá cũng đủ cho một bữa nhậu tươi ngay trên gành đá.

Biết chúng tôi từ xa đến, cả nhóm rủ cùng tham gia cho vui. Người bạn cùng đi đã không ngại ngần hòa mình với biển, với những người bạn mới quen trong tiếng cười sảng khoái.

Tranh thủ trời còn mát, chúng tôi men theo con đường mòn nhỏ để đến bãi Rạn tiếp theo. Trên đường đi, cậu nhóc chỉ một cửa hang hướng ra biển bị xây bít lối, bảo đó là đường hầm dẫn lên núi dưới chân tượng Đức Thánh Trần. Theo người dân địa phương, “đường hầm” này là hang Dơi. Từ cửa hang đi sẽ gặp một khe cửa đá nhỏ dẫn vào một nhánh hang khác, rồi cứ thế tiếp tục...

Qua khỏi cửa hang là bãi Rạn 2. Bãi này nhỏ hơn bãi Rạn 1 nhưng phong cảnh rất hữu tình. Biển xanh, cát trắng, từng cơn sóng nhỏ dịu dàng mơn man bờ cát níu giữ bước chân du khách...

Trên đường về, chúng tôi ghé thăm trạm hải đăng Phước Mai. Trạm được xây dựng trước năm 1975, chếch về phía cửa biển, có nhiệm vụ báo hiệu cửa cho tàu bè ra vào cảng Quy Nhơn. Trạm phó Trần Cẩm vui vẻ đón tiếp và đưa chúng tôi tham quan một vòng khuôn viên trạm.

Buổi trưa trên “vọng hải đài” của những người canh giữ mắt biển, đắm mình trong một không gian xanh với vườn cây ăn trái xum xuê, râm mát, tràn ngập gió và tiếng chim hót thật không còn gì bằng...

Du khách đến Hải Minh có thể khám phá các bãi Rạn bằng thuyền, muốn có một bữa ăn tươi mặn mòi vị biển ngay trên bãi Rạn cũng dễ dàng. Ngay bến đò trên đảo, có thể thuê một chiếc đò chạy thẳng từ bến ra bãi Rạn. Dân đảo cũng nhạy với chuyện làm du lịch. Giá 200.000-500.000 đồng/chuyến, “bao” trọn gói từ chuyên chở đến phương tiện đánh bắt, chế biến món ăn dân dã từ biển mà du khách đánh bắt được.

Theo cứ liệu lịch sử, dưới thời Tây Sơn, vùng đất này dựng nhiều hệ thống đồn lũy, pháo đài án ngữ cửa biển Thị Nại và nhiều súng thần công ngăn không cho thuyền nhà Nguyễn từ ngoài biển tiến vào. Ngày nay ở khu vực này vẫn còn vài dấu tích đồn lũy bằng đá, pháo đài...

Khám phá Làng biển Hải Minh

Du lịch, GO! - Theo TTO, internet